Phòng thủ không phận Ukraine, canh bạc địa chính trị của châu Âu

Kế hoạch Skyshield có thể mở đường cho lực lượng không quân châu Âu bảo vệ Ukraine từ trên không, nhưng giới lãnh đạo đang cân nhắc những rủi ro chính trị và quân sự.

Dàn phi cơ F-16 tại Triển lãm Không quân Hoàng gia Quốc tế 2024 ở Fairford, Anh. Ảnh: Getty Images

Dàn phi cơ F-16 tại Triển lãm Không quân Hoàng gia Quốc tế 2024 ở Fairford, Anh. Ảnh: Getty Images

Châu Âu ra tay với Skyshield

Các đồng minh châu Âu của Ukraine đang cân nhắc khả năng sử dụng lực lượng không quân của họ để bảo vệ bầu trời phía tây Ukraine khỏi các cuộc tấn công bằng drone và tên lửa – mà không cần đến sự trợ giúp của Mỹ, theo các nguồn tin am hiểu cuộc thảo luận tiết lộ với Al Jazeera.

Kế hoạch này, có tên là Skyshield, có thể đánh dấu lần đầu tiên máy bay và phi công NATO tiến vào không phận Ukraine – một thông điệp chính trị mạnh mẽ gửi tới Nga rằng châu Âu cam kết bảo vệ Ukraine.

Skyshield có khả năng được triển khai như một phần của bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào, đặc biệt nếu có sự hiện diện của lực lượng bộ binh châu Âu. Tuy nhiên, kế hoạch này vốn được các chuyên gia hàng không Ukraine và Anh thiết kế để vận hành ngay cả trong điều kiện chiến sự.

“Anh và Pháp đang cân nhắc rất nghiêm túc", bà Victoria Vdovychenko – chuyên gia về chiến tranh hỗn hợp tại Trung tâm Địa chính trị Đại học Cambridge, người từng tham dự một số cuộc họp – cho biết. “Các đồng nghiệp Đức, Italy và Bắc Âu cũng đã được thông báo”, bà nói thêm.

Tuy nhiên, khi triển khai Skyshield trong thời chiến, bà Vdovychenko thừa nhận rằng “một số đối tác vẫn còn dao động trong quyết định”.

Skyshield được công bố hồi tháng 2 và là sáng kiến của tổ chức Price of Freedom, một viện nghiên cứu Ukraine do bà Lesya Orobets sáng lập. Bà nảy ra ý tưởng này vào mùa xuân năm ngoái, giữa lúc Ukraine đối mặt với khủng hoảng phòng không do các nghị sĩ Cộng hòa Mỹ trì hoãn thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD.

Trong một cuộc điện thoại với tư lệnh không quân Ukraine, bà Orobets được thông báo: “Chúng tôi đang giữa cơn khủng hoảng tên lửa. Chúng tôi không đủ tên lửa đánh chặn để bắn hạ chúng”.

Skyshield kêu gọi triển khai 120 máy bay châu Âu để bảo vệ hạ tầng dân sự và hành lang xuất khẩu của Ukraine dọc sông Danube và Biển Đen, qua đó giải phóng lực lượng không quân Ukraine để tập trung phòng thủ ở phía đông – nơi đang có giao tranh ác liệt.

“Sẽ có một vùng đất cách biệt khoảng 200km giữa hai bên”, bà Orobets cho biết.

Máy bay chiến đấu châu Âu sẽ đồn trú tại Ba Lan và Romania, bay chủ yếu ở phía tây sông Dnipro và bảo vệ Kiev ở cả hai bên con sông phía bắc đất nước.

Chi phí, rủi ro quân sự và chính trị làm chùn bước châu Âu

Tuy nhiên, các chỉ huy phương Tây đang thận trọng trước các chi phí, thương vong và hệ quả quân sự.

Chi phí bay mỗi giờ – bao gồm huấn luyện, phụ tùng và bảo dưỡng – dao động từ 28.000 USD cho F-16 đến khoảng 45.000 USD cho máy bay Rafale thế hệ thứ tư - theo Đại tá Konstantinos Zikidis của Không quân Hy Lạp.

“Chúng ta còn phải trả lương cho lực lượng túc trực nhiều ca mỗi ngày trong mọi chuyên môn… Điều đó sẽ rất mệt mỏi”, ông Zikidis nói, ám chỉ đến các kỹ thuật viên và phi công.

“Trong khi đó, kế hoạch lại đánh giá thấp hiệu quả của hệ thống phòng không, vốn rất hiệu quả với tên lửa hành trình và có chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với máy bay”, Đại tá Zikidis nhận xét.

“Máy bay không thực sự có nhiệm vụ truy lùng tên lửa hành trình. Chúng có thể làm việc đó nếu được trung tâm chỉ huy cung cấp tọa độ, nhưng không thể bay tuần tra và tình cờ phát hiện mục tiêu. Muốn vậy phải có hệ thống radar cực dày đặc, đặc biệt ở độ cao thấp”, ông Zikidis lưu ý.

Các quốc gia NATO châu Âu không vận hành máy bay radar AWACS – phương tiện lý tưởng cho nhiệm vụ này, theo Đại tá Zikidis. Tuy nhiên, phi công Ukraine đã bắn hạ tên lửa hành trình Nga bằng tên lửa không đối không, cho thấy Ukraine đã có hệ thống radar mặt đất phù hợp.

Châu Âu đã viện trợ cho Ukraine hệ thống phòng không tầm xa Patriot và SAMP/T, cùng hệ thống tầm trung Iris-T, nhưng chúng chỉ đủ để bảo vệ các đô thị lớn. Trong khi đó, Nga đang gia tăng các cuộc tấn công. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết ngày 4/5 rằng Nga đã phóng gần 1.200 drone cảm tử tầm xa và 10 tên lửa chỉ trong một tuần.

Những loại vũ khí này thường nhằm vào hạ tầng dân sự và công nghiệp, chứ không phải tiền tuyến. Nga cũng đang tăng sản lượng. Năm ngoái, nhà máy ở Alabuga đã sản xuất 6.000 drone Shahed/Geran tầm xa - theo ông Andriy Kovalenko, người đứng đầu Trung tâm Chống tuyên truyền Ukraine. Ông nói năm nay, Moskva đặt mục tiêu sản xuất 8.000-10.000 drone.

Nga đã đe dọa sẽ hành động nếu có lực lượng châu Âu nào được triển khai tới Ukraine. Ảnh: Defense News

Nga đã đe dọa sẽ hành động nếu có lực lượng châu Âu nào được triển khai tới Ukraine. Ảnh: Defense News

Thách thức thứ hai mà không quân châu Âu sẽ đối mặt là thương vong. “Nếu một máy bay châu Âu bị rơi và phi công thiệt mạng, sẽ rất khó để một chính phủ châu Âu giải thích điều đó”, Đại tá Zikidis nói. “Nếu một phi công Hy Lạp chết ở Ukraine, chính phủ có thể sụp đổ”.

“Tôi không nghĩ có ý chí chính trị cho việc đó, và đó là một phần lý do ngăn cản kế hoạch", bà Vdovychenko nhận định.

Tuy nhiên, bà Orobets, nhà sáng lập của Price of Freedom, cho rằng cần đặt rủi ro này trong một bối cảnh rộng hơn.

“Chúng ta đang nói về việc bắn hạ tên lửa hành trình và drone tấn công – vốn là mục tiêu tương đối dễ cho phi công đã qua huấn luyện. Vì thế, chúng tôi cho rằng Skyshield ít rủi ro hơn nhiều so với việc áp đặt vùng cấm bay hay điều quân gần tiền tuyến”, bà Orobets nói.

Tính toán chiến lược và sức răn đe

Thách thức thứ ba là hệ quả quân sự. Skyshield một phần nhằm giải phóng lực lượng không quân Ukraine để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga – đặc biệt khi Ukraine được viện trợ khoảng 85 chiếc F-16.

Đó là vì Nga năm nay đã tăng mạnh việc sử dụng bom điều khiển trên không (CAB) nhắm vào tiền tuyến – với 5.000 quả được thả trong tháng 4, so với 4.800 quả vào tháng 3, 3.370 vào tháng 2 và 1.830 quả vào tháng 1.

Ukraine dự định sẽ tấn công các sân bay nơi máy bay Nga cất cánh để thả CAB, đồng thời đưa các hệ thống tên lửa tới gần tiền tuyến hơn để vươn sâu vào lãnh thổ Nga.

CAB hiện là loại vũ khí hiệu quả nhất của Nga ở tiền tuyến, và Moskva đã tận dụng kho vũ khí hạt nhân của mình để răn đe NATO không can thiệp.

Về phần mình, Nga đã đe dọa sẽ hành động nếu có lực lượng châu Âu nào được triển khai tới Ukraine.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu hồi tháng trước tuyên bố tại hội nghị ngoại trưởng nhóm BRICS ở Rio de Janeiro rằng: “Các đơn vị quân sự phương Tây hiện diện tại Ukraine… sẽ bị coi là mục tiêu hợp pháp”.

Những lời đe dọa đó đã phát huy hiệu quả. Chính quyền cựu Tổng thống Biden từng phản đối việc cho phép không quân Ba Lan và Romania bắn hạ drone và tên lửa trong không phận Ukraine đang hướng vào lãnh thổ hai nước này. Washington “nghĩ rằng nếu bất kỳ phi công nào của Mỹ hoặc phương Tây bay vào không phận Ukraine, thì Mỹ hoặc nước đó sẽ trở thành bên tham chiến”, bà Orobets giải thích.

Điều tương tự cũng áp dụng với việc châu Âu can thiệp vào không phận Ukraine. “Họ lo rằng Nga sẽ leo thang xung đột lên mức mà họ không thể kiểm soát. Đó là lý do duy nhất, chứ không phải vì họ không thể làm vậy”, bà Orobets kết luận.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/phong-thu-khong-phan-ukraine-canh-bac-dia-chinh-tri-cua-chau-au-20250521190329820.htm