Israel phá hủy cả 4 hệ thống phòng không S-300 của Iran

Cuối tuần qua, Israel đã tiến hành loạt không kích vào các địa điểm quân sự trọng yếu và hệ thống phòng không S-300 của Iran, nhằm gia tăng áp lực lên Tehran.

Israel đã đặt tên "Ngày ăn năn" cho chiến dịch này, sử dụng các cuộc tấn công chính xác bằng máy bay không người lái (UAV) để làm suy yếu các hệ thống phòng thủ của Iran.

Máy bay chiến đấu của Không quân Israel không kích Iran, ngày 26/10. (Nguồn: IDF)

Máy bay chiến đấu của Không quân Israel không kích Iran, ngày 26/10. (Nguồn: IDF)

Theo các nguồn tin từ Israel, tất cả bốn hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Iran đã bị phá hủy. Đây là các hệ thống phòng thủ hàng đầu do Nga cung cấp, có khả năng ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa từ máy bay và tên lửa, là trụ cột của hệ thống phòng không Iran.

Tờ New York Times cho biết, mặc dù Israel không nhắm vào các cơ sở dầu mỏ và hạt nhân của Iran theo khuyến cáo từ các đồng minh, nhưng cuộc tấn công đã gây thiệt hại lớn cho hệ thống phòng thủ quốc gia của Iran.

Truyền thông Israel đưa tin, chiến dịch có sự tham gia của hơn 100 máy bay phản lực và UAV, chia làm hai đợt tấn công.

Đợt đầu tiên nhắm vào hệ thống phòng không của Iran qua không phận Syria và Iraq, nhằm ngăn cản các đồng minh của Tehran can thiệp đường bay của Israel.

Đợt thứ hai tấn công trực tiếp vào các hệ thống S-300 xung quanh Tehran và những địa điểm quan trọng khác như nhà máy lọc dầu Abadan, khu hóa dầu Bandar Imam Khomeini, mỏ khí đốt Tange Bijar và cảng Bandar.

Hệ thống phòng không S-300 của Iran. (Nguồn: Iranintl)

Hệ thống phòng không S-300 của Iran. (Nguồn: Iranintl)

Hình ảnh vệ tinh từ Reuters cho thấy các cơ sở quân sự tại Parchin và Khojir – những nơi được cho là liên quan đến chương trình hạt nhân và sản xuất tên lửa của Iran, đã bị hư hại nặng nề.

Hãng tin Tasnim của Iran xác nhận, dù lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) không nằm trong mục tiêu, một số cơ sở sản xuất tên lửa tại tỉnh Tehran do lực lượng này quản lý vẫn chịu ảnh hưởng.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố chiến dịch đạt được mục tiêu đề ra khi đã vô hiệu hóa các cơ sở sản xuất tên lửa của Iran và làm tê liệt hệ thống phòng không S-300.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phương Tây đã kêu gọi Israel kiềm chế, lo ngại nguy cơ một cuộc chiến toàn diện tại Trung Đông có thể tác động tiêu cực đến thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Iran cũng nhiều lần cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào cơ sở hạ tầng năng lượng hoặc hạt nhân sẽ là "vượt qua lằn ranh đỏ" và sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng.

Lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã lên tiếng rằng, sự kiện này "không nên bị coi nhẹ hay phóng đại", đồng thời quân đội Iran sẽ cân nhắc các bước đi tiếp theo, ám chỉ rằng Tehran có thể sẽ chưa đáp trả ngay lập tức.

Việc phá hủy các hệ thống phòng không S-300 khiến Iran mất đi một lá chắn phòng thủ quan trọng trước các cuộc tấn công từ trên không, khiến quốc gia này đứng trước thách thức lớn hơn trong bảo vệ các cơ sở hạ tầng cốt lõi trước sức ép ngày càng tăng từ Israel.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/israel-pha-huy-ca-4-he-thong-phong-khong-s-300-cua-iran-169241028173647834.htm