Israel phát hiện chuỗi lây lan chủng đột biến mới của biến thể Delta
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Haifa, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN
* Kết quả những nghiên cứu mới về thời gian hiệu quả của vắc xin
Bộ Y tế Israel ngày 19/8 thông báo đã phát hiện 10 trường hợp đầu tiên nhiễm chủng AY3 của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
AY3 là một trong những chủng đột biến mới của biến thể Delta được phát hiện trước đó, được cho là nguy hiểm hơn các chủng khác.
Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn thông báo từ Bộ Y tế Israel đưa tin, trước việc phát hiện chủng AY3 của biến thể Delta, Bộ này đã thông báo Quốc hội về tính nguy hiểm của chủng virus mới và khuyến nghị khả năng phong tỏa toàn quốc lần thứ 4 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Bất chấp việc đã tiêm chủng cho khoảng 62% dân số nhưng mấy tuần qua Israel đã chứng kiến tỉ lệ virus kháng vắc xin ngày một tăng, với hơn 6.000 ca mắc mới và đã sớm vượt mốc 5-600 ca trong tình trạng nguy kịch mỗi ngày.
Tính đến hết ngày 18/8, trên toàn quốc ghi nhận tổng số 62.163 ca nhiễm COVID-19, trong đó có đến 6.726 ca tử vong.
Từ đầu tháng 8, Bộ Y tế Israel đã cảnh báo nếu số lượng bệnh nhân nặng tăng từ 5-600 ca/ngày thì buộc phải tính đến biện pháp phong tỏa toàn quốc do các bệnh viện hiện đang trong tình trạng quá tải.
Vừa qua, một số bệnh viện ở Tel Aviv đã phải chuyển bớt bệnh nhân COVID-19 lên Jerusalem để điều trị nhằm giảm tải cho hệ thống y tế của thành phố này.
Chính phủ Israel cũng đã cấp thêm kinh phí xây dựng bệnh viện dã chiến ở Tel Aviv để điều trị cho các bệnh nhân nặng.
Bộ Y tế Israel đang quyết liệt thúc đẩy chương trình tiêm chủng mũi vắc xin thứ 3 cho người cao tuổi. Đến nay đã có 1.201.254 người được tiêm mũi thứ 3, bao gồm 55% người ở độ tuổi 60-69, 72% ở độ tuổi 70-79, 68% ở độ tuổi 80-89 và 62% người trên 90 tuổi.
Từ hôm 13/8, Israel bắt đẩu triển khai tiêm mũi bổ sung cho người dân ở độ tuổi từ 50-59, đến nay đã đạt khoảng 26%.
Bỉ lo ngại về một đợt bùng phát dịch vào tháng 9
Trong một diễn biến liên quan dịch bệnh COVID-19, theo phóng viên TTXVN tại Brussels, việc gia tăng các ca nhập viện vì virus SARS-CoV-2 ở Bỉ khiến giới chức nước này lo ngại về một đợt bùng phát dịch mới vào đầu tháng Chín khi kỳ nghỉ Hè kết thúc, học sinh quay trở lại trường học và người dân trở lại công sở.
Bên cạnh số ca mắc mới đang gia tăng, thì sự tăng trở lại các ca nhập viện và chăm sóc đặc biệt là điều đáng lo ngại.
Riêng Thủ đô Brussels, trong thời gian từ 10-16/8, mỗi ngày ghi nhận trung bình 14,9 trường hợp nhập viện, tăng 20% so với bảy ngày trước đó khi việc tiêm chủng (hai liều) tiếp cận 60% dân số trưởng thành.
Theo chuyên gia Jean-Christophe Renauld, thuộc Đại học công giáo Louvain (UCLouvain), ít nhất hai yếu tố giải thích sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh trong mùa hè.
Lý do thứ nhất là việc dỡ bỏ các hạn chế và giảm sự tuân thủ các biện pháp giãn cách. Lý do thứ hai là việc người dân trở lại sau kỳ nghỉ. Theo các xét nghiệm thực hiện sau kỳ nghỉ, những người trở về từ Maroc và Thổ Nhĩ Kỳ, có tỉ lệ nhiễm bệnh khá cao.
Chuyên gia Jean-Christophe Renauld cho rằng cũng như năm ngoái, tình trạng gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận khi kết thúc kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên năm nay, tỉ lệ mắc bệnh giảm hơn nhờ đã có vắc xin.
Nhà dịch tễ học này lưu ý: "Cần thực hiện mọi biện pháp để tăng tỉ lệ tiêm chủng càng nhanh càng tốt, đồng thời tăng cường các sáng kiến địa phương để khuyến khích người dân tiêm chủng và tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách".
Theo nhà virus học Jean Ruelle, thuộc UCLouvain, vắc xin hiện nay bảo vệ chống lại các dạng nghiêm trọng, thậm chí chống lại biến thể Delta.
Nhà khoa học này nói: "Tương lai ra sao thì chưa biết, nhưng trong một sớm một chiều chúng ta sẽ chưa phải đối mặt với một biến thể có thể loại bỏ hoàn toàn tác dụng của vắc xin. Nhìn chung, đó sẽ là một hiện tượng tiến triển của virus, cần phải theo dõi chặt chẽ để có thể sửa đổi công thức của vắc xin trong những năm tới".
Ngày 20/8, Ủy ban tham vấn về COVID-19 của Bỉ sẽ nhóm họp để quyết định các biện pháp quản lỹ cuộc khủng hoảng sức khỏe cho giai đoạn 4 trong kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế do dịch bệnh COVID-19.
Theo Viện y tế công cộng Bỉ, trung bình mỗi ngày Bỉ ghi nhận gần 2.000 trường hợp mắc COVID-19 và 3,3 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca tử vong lên hơn 25.300 ca kể từ đầu mùa dịch.
Hiện nay, 83,16% người dân từ 12 tuổi trở lên ở Bỉ đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa COVID-19 (hơn 8,3 triệu người) và 77,24% dân số đã được tiêm đủ 2 liều hoặc 1 liều duy nhất, tương đương hơn 7,3 triệu người.
* Liên quan đến vắc xin, kết quả nghiên cứu sức khỏe cộng đồng ở Anh cho thấy khả năng bảo vệ của hai loại vắc xin được sử dụng nhiều nhất hiện nay nhằm phòng ngừa biến thể Delta là Pfizer/BioNTech và AstraZeneca giảm sau 3 tháng tiêm mũi thứ 2.
Theo nghiên cứu, hai tuần sau khi tiêm liều vắc xin thứ 2 của Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca, hiệu quả bảo vệ của vắc xin đạt được lần lượt là 85% và 68%.
Tuy nhiên, dựa trên hơn 3 triệu mẫu bệnh phẩm thu thập trên khắp nước Anh, Đại học Oxford phát hiện ra rằng sau 90 ngày kể từ khi tiêm mũi vắc xin thứ 2 của Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca, hiệu quả của vắc xin đã giảm xuống lần lượt là 75% và 61%.
Sự suy giảm hiệu quả vắc xin thể hiện rõ rệt hơn ở những người từ 35 tuổi trở lên so với những người dưới độ tuổi này. Các nhà nghiên cứu không cho biết khả năng bảo vệ của vắc xin sẽ giảm thêm như nào theo thời gian, song cho rằng hiệu quả phòng ngừa của cả hai loại vắc xin trên là khoảng 4-5 tháng sau khi tiêm liều thứ 2.
Theo Pfizer/BioNTech, hiệu quả vắc xin của hãng này giảm dần theo thời gian. Tháng trước, AstraZeneca cho biết đang xem xét thời gian bảo vệ của vắc xin kéo dài bao lâu và liệu có cần tiêm liều bổ sung hay không để duy trì miễn dịch.
Trong khi đó, một nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết vắc xin vẫn đạt hiệu quả cao trong ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng đến mức nhập viện.
Các nhà nghiên cứu CDC đã so sánh dữ liệu hàng tuần của 3.862 nhà dưỡng lão và cơ sở chăm sóc dài hạn từ ngày 1-9/5, trước khi biến thể Delta chiếm tỉ lệ đông các ca nhiễm, với dữ liệu của 14.917 trung tâm giai đoạn từ 21/6-9/8, khi biến thể Delta trở thành căn nguyên chính của các ca mắc mới.
Kết quả cho thấy tính hiệu quả của vắc xin 2 mũi của Pfizer/BioNTech và Moderna trong việc ngăn ngừa các ca mắc, nhẹ hoặc nặng, giảm từ 74,7% xuống còn 53,1%.
Tuy nhiên, các loại vắc xin ngừa COVID-19 vẫn duy trì hiệu quả cao trong việc ngăn bệnh diễn tiến nặng đến mức phải nhập viện điều trị.