Israel phóng thử thành công lá chắn tên lửa Arrow-3 trên đất Mỹ

Ngày 28-7, Bộ Quốc phòng Israel đã ra thông báo chính thức về vụ phóng thử thành công tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm cao Arrow-3 tại bang Alaska, Mỹ. Arrow-3 là chương trình vũ khí phòng thủ tên lửa hợp tác giữa Mỹ và Israel; được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu đạn đạo ở tầng ngoại vi của khí quyển Trái Đất.

Theo thông tin được Bộ Quốc phòng Israel và Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ, vụ thử đã diễn ra thành công. Những hình ảnh của vụ phóng thử cũng được công bố sau đó.

Đánh giá về vụ thử tổ hợp Arrow-3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu coi đây là bước tiến trong lĩnh vực hợp tác phòng thủ tên lửa giữa Tel Aviv và Washington. Lãnh đạo Israel nhấn mạnh, tổ hợp Arrow-3 sẽ giúp Israel chống lại các mối nguy cơ từ Iran và nhiều quốc gia thù địch khác.

Trước khi tiến hành vụ phóng tại Alaska, Arrow-3 đã phóng thử thành công ở miền Trung Israel hồi tháng 1-2019. Vụ phóng thử ở Alaska ban đầu được lên kế hoạch tổ chức trong tháng 5-2019, nhưng vì vấn đề kỹ thuật nên đã trì hoãn lại.

 Là sản phẩm liên doanh giữa Israel và Mỹ, nhiều công nghệ phòng thủ tên lửa áp dụng trên Arrow-3 có thể được áp dụng để cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong tương lai. Ảnh: Israel_MOD.

Là sản phẩm liên doanh giữa Israel và Mỹ, nhiều công nghệ phòng thủ tên lửa áp dụng trên Arrow-3 có thể được áp dụng để cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong tương lai. Ảnh: Israel_MOD.

Giới chuyên gia quân sự nhận định, vụ phóng thử Arrow-3 được tiến hành là câu trả lời cho vụ thử tên lửa đạn đạo Shahab-3 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Iran tiến hành mới đây.

Về nguyên tắc hoạt động, Arrow-3 cũng tương tự như tổ hợp tên lửa đánh chặn Arrow-2, nhưng khác biệt ở việc nó có thể đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo của đối phương ở độ cao 100km. Để tiêu diệt mục tiêu, Arrow-3 sử dụng đầu đạn va chạm động năng (Kenetic – dùng động năng xuyên phá của đầu đạn để phá hủy mục tiêu). Theo thiết kế, Arrow-3 đảm bảo khả năng đánh chặn các dòng tên lửa đạn đạo Shihab (Iran), Scud (Syria) hoặc Fatah-110 (Lebanon).

Cơ cấu của một tổ hợp Arrow-3 gồm radar mảng pha quét điện tử chủ động đa nhiệm Green Pine với tầm bao quát đạt tới 900km và các bệ phóng tên lửa đánh chặn. Ngoài ra, Arrow-3 cũng có thể nhận thông tin từ hệ thống radar AN/TPY-2 sử dụng băng tần X-band hiện được triển khai tại phía Nam Israel.

 Đạn tên lửa đánh chặn Arrow-3 tiêu diệt mục tiêu bằng động năng. Ảnh: Israel_MOD.

Đạn tên lửa đánh chặn Arrow-3 tiêu diệt mục tiêu bằng động năng. Ảnh: Israel_MOD.

Với giá thành đạn tên lửa đánh chặn tới khoảng 3 triệu USD/đạn, mỗi tổ hợp Arrow-3, bao gồm chi phí chế tạo và dịch vụ hậu cần kéo dài trong 3 năm, có giá từ 700 triệu tới 1 tỷ USD.

Tổ hợp Arrow-3 sẽ là một thành phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng của Israel gồm: Iron Dome, Arrow-2 và David's Sling. Các thành phần đầu tiên của tổ hợp Arrow-3 đã được Israel triển khai, nhưng chưa được hoạt động ở chế độ trực chiến.

TUẤN SƠN (theo Defense News)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/israel-phong-thu-thanh-cong-la-chan-ten-lua-arrow-3-tren-dat-my-583539