Israel tấn công Rafah trong khi thêm nhiều nước chính thức công nhận Nhà nước Palestine

Hôm 28/5, có thêm 3 quốc gia châu Âu là Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha chính thức công nhận Nhà nước Palestine. Động thái mang tính biểu tượng này đánh dấu sự thay đổi trong quan hệ quốc tế, làm tăng kỳ vọng về việc khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, xung đột vẫn tiếp diễn tại Dải Gaza đang khiến cho viễn cảnh này trở nên mờ mịt. Thế giới cần thêm quyết tâm để đạt được giải pháp 2 nhà nước.

GIẢI PHÁP HAI NHÀ NƯỚC LỜI GIẢI CHO XUNG ĐỘT ISRAEL - PALESTINE

Lịch sử mâu thuẫn chồng chất và dai dẳng giữa người Israel và người Palestine kéo dài hàng thập niên, đặc biệt là thảm họa nhân đạo chưa từng thấy tại Dải Gaza đang diễn ra kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát ngày 7/10/2023, càng khẳng định tính cấp thiết của một giải pháp chính trị toàn diện vốn được cộng đồng quốc tế thúc đẩy hàng chục năm nay. Đó là việc hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại trong hòa bình, an ninh và công nhận lẫn nhau, đồng thời tôn trọng quyền tự quyết của người Palestine.

Việc Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha, cộng hưởng cùng 143 nước trong số 193 quốc gia thành viên LHQ khẳng định Palestine có quyền chính đáng thành lập nhà nước độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ, có thể giúp gia tăng áp lực buộc Israel phải nghĩ tới giải pháp chính trị hòa bình - cũng là sự đảm bảo tốt nhất và lâu bền nhất đối với chính an ninh Israel.

CẦN THÊM QUYẾT TÂM ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC GIẢI PHÁP 2 NHÀ NƯỚC

Tuy nhiên, con đường hòa bình Trung Đông vẫn gặp vô số trở ngại.

Israel vẫn khẳng định quyết tâm tấn công Rafah – mà “bi thảm” mới nhất là cuộc không kích khiến ít nhất 40 người Palestine thiệt mạng và 65 người bị thương, trong đó đa phần là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. 6227 - Bản thân Mỹ, đồng minh chủ chốt của Israel, mặc dù tuyên bố ủng hộ giải pháp hai nhà nước, vẫn cho rằng Israel chưa vượt qua lằn ranh đỏ sau vụ không kích này.

Việc Hamas tuyên bố sẽ không tham gia bất cứ cuộc đàm phán nào về thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi tù nhân sau vụ không kích vào trại tị nạn ở Rafah, càng khiến lối thoát xung đột trở nên hẹp hơn.

Đến nay vẫn chưa có áp lực nào đủ lớn, có thể tác động để Israel thay đổi lập trường cứng rắn về giải pháp hai nhà nước.

Đại hội đồng LHQ vừa thông qua nghị quyết mới trao thêm một số quyền cho Palestine với tư cách Nhà nước Quan sát viên, thêm những quốc gia công nhận Nhà nước Palestine..., tất cả như những đốm lửa thắp thêm hy vọng, song vẫn chưa đủ. Sự thay đổi chỉ có thể xuất phát từ quyết tâm, thiện chí cùng những hành động thực chất của chính Israel và Palestine, bên cạnh sự ủng hộ của quốc tế.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hồng Nhung

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/israel-tan-cong-rafah-trong-khi-them-nhieu-nuoc-chinh-thuc-cong-nhan-nha-nuoc-palestine-223797.htm