Israel tiến thoái lưỡng nan trong kế hoạch đáp trả Iran
Giới chức Israel dù nhất trí phải tấn công đáp trả Iran nhưng đang 'đau đầu' cân nhắc làm thế nào để vừa truyền đi một thông điệp cứng rắn vừa không khiến căng thẳng leo thang.
Không thể bỏ qua nhưng phải có mức độ
Theo Reuters, sau vụ Iran trực tiếp sử dụng số lượng lớn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tấn công các mục tiêu ở Israel đêm 13/4 để trả đũa vụ không kích Đại sứ quán nước này, người dân Israel và cộng đồng quốc tế đều đang "nín thở" chờ đợi phản ứng từ Chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Tuy nội các Israel đã quyết định phải trả đũa nhưng ông Netanyahu chưa đưa ra quyết định cách thức đáp trả dù ông đã triệu tập nội các chiến tranh của Israel tới 2 lần trong vòng 24h qua chỉ để cân nhắc thiệt hơn từ các biện pháp đáp trả.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi dù khẳng định sẽ có hành động thích đáng nhưng cũng không công bố chi tiết kế hoạch của Israel.
"Vụ Iran phóng ồ ạt tên lửa hành trình và UAV vào lãnh thổ Israel chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng từ Israel", ông Halevi tuyên bố khi đang thị sát căn cứ Không quân Nevatim tại miền Nam Israel bị hư hại từ vụ tấn công của Iran.
Cùng chung quan điểm với ông Halevi, một quan chức cấp cao Israel khẳng định: "Mọi chuyện chưa thể kết thúc. Nếu chúng tôi không hành động sẽ càng củng cố quan điểm cứng rắn từ phía Iran. Chúng tôi không muốn làm leo thang căng thẳng. Chúng tôi muốn kiềm chế tình hình nhưng không thể bỏ qua mọi chuyện".
Cũng theo vị quan chức nói trên, tinh thần của Israel đã được khích lệ đáng kể sau khi một quan chức chính phủ Mỹ đánh giá Israel đã "thành công vang dội" khi đánh chặn tới 99% trên tổng số 300 tên lửa và UAV của Iran nhờ sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh khác trong khu vực nhưng ông khẳng định "khả năng phòng thủ mạnh mẽ vẫn là chưa đủ".
Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant từng nhấn mạnh với các quan chức Mỹ rằng, để sinh tồn ở Trung Đông, Israel cần có được khả năng răn đe mạnh mẽ và khả năng phòng thủ hiện tại của Israel là chưa đủ để răn đe Iran.
Đồng minh chí cốt dè dặt
Tuy đã "kề vai sát cánh" với Israel trong nỗ lực phòng vệ trước loạt tên lửa và UAV mà Iran phóng về phía nhà nước Do Thái, Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây cũng tỏ thái độ dè dặt khi đề cập đến những đòn đáp trả của Israel nhằm vào Iran. Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, sẽ không tham gia vào chiến dịch tấn công trả đũa của Israel.
Rõ ràng, đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, quyết định leo thang căng thẳng của Israel sẽ khiến Washington không khỏi thất vọng. Giới chức Mỹ từng hy vọng việc hỗ trợ Israel vô hiệu hóa tên lửa và UAV của Iran là đủ để Israel phô trương sức mạnh trong khi có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực bao gồm điểm nóng xung đột ở Dải Gaza.
Ông Biden chắc chắn hiểu rõ điều này khi đưa ra lời khuyên "hãy hành động chậm lại một chút và suy nghĩ thật thấu đáo" với Thủ tướng Netanyahu ngay sau vụ tấn công của Iran.
Một ngày sau đó, hôm 15/4, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby dù từ chối trả lời câu hỏi liệu ông Biden có hối thúc ông Netanyahu kiềm chế việc tấn công trả đũa Iran nhưng lại bày tỏ quan điểm: "Chúng tôi không muốn có chiến tranh với Iran. Chúng tôi không muốn thấy xung đột khu vực bùng phát" và nói thêm chính Israel sẽ phải quyết định "liệu họ có nên trả đũa không và trả đũa như thế nào".
Trong một động thái có liên quan, quan chức phụ trách về đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Đài Onda Cero của Tây Ban Nha thậm chí còn cảnh báo: "Chúng ta đang ở rìa bờ vực và chúng ta phải di chuyển ngay khỏi đó. Chúng ta cần phải đạp phanh và cài số lùi".
Gần như ngay lập tức sau tuyên bố của ông Borrell, một loạt các quan chức châu Âu như Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Scholz và Ngoại trưởng Anh Cameron đã bày tỏ quan ngại về khả năng leo thang căng thẳng và kêu gọi các bên kiềm chế.
Ngay cả khả năng Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran cũng được giới chức Mỹ nhắc đến rất dè dặn. Dù Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt và hợp tác với các đồng minh để ngăn cản "những hành vi gây bất ổn của Iran ở Trung Đông" nhưng theo giới quan sát, gần như chắc chắn Mỹ sẽ không thể áp đặt một lệnh cấm quá gay gắt liên quan đến xuất khẩu dầu mỏ của Iran do lo ngại điều này sẽ khiến giá dầu mỏ tăng cao.
Trong khi đó, cả hai quốc gia có quan hệ tốt với Iran là Trung Quốc và Nga đều lên tiếng bày tỏ tin tưởng Iran có thể xử lý tình hình một cách êm đẹp, tránh leo thang căng thẳng ở khu vực trong khi bảo vệ được chủ quyền và danh dự đất nước.
Dù vậy, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov kêu gọi Iran vẫn cần phải kiềm chế: "Những hành động leo thang căng thẳng sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai".
Trong một diễn biến có liên quan, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết nhóm G7 đang nhóm họp để đưa ra các biện pháp chung nhằm trừng phạt Iran.
Italy, nước nắm quyền Chủ tịch luân phiên của G7, tuyên bố sẵn sàng để ngỏ các biện pháp trừng phạt và các lệnh trừng phạt lần này sẽ nhắm đến các cá nhân của Iran. Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani khẳng định tất cả các thành viên G7 đều ủng hộ lệnh trừng phạt lần này.