Israel vượt Mỹ, đứng đầu thế giới về đầu tư phát triển thịt thực vật
Israel dành hơn 160 triệu USD cho các sáng kiến phát triển protein từ thực vật, tương đương với 22% tổng vốn đầu tư của thế giới trong lĩnh vực này và vượt Mỹ - vốn là nước đang dẫn đầu thế giới.
Báo cáo của Viện Thực phẩm Tốt của Israel (GFII) công bố đầu tháng 8 cho biết đến cuối tháng 6/2022, khoảng 320 triệu USD đã được đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Israel về protein thay thế, so với 857 triệu USD tại Mỹ.
Trong số này, hơn 160 triệu USD được dành cho các sáng kiến phát triển protein từ thực vật, tương đương với 22% tổng vốn đầu tư của thế giới trong lĩnh vực này. Mức đầu tư như vậy vừa đủ giúp Israel vượt qua Mỹ trong lĩnh vực phát triển protein từ thực vật.
Israel đứng thứ 2, sau Mỹ, về đầu tư cho protein lên men - sử dụng vi sinh vật như vi khuẩn và nấm, chiếm 38% tổng đầu tư trên toàn cầu. Trung Quốc đứng thứ 3 thế giới về đầu tư cho ngành công nghiệp protein thay thế, với 120 triệu USD. Tiếp theo là Singapore (104 triệu USD) và Pháp (96 triệu USD).
3 quốc gia này chủ yếu tập trung cho nghiên cứu các sản phẩm protein thay thế từ thực vật. Tổng vốn đầu tư của thế giới cho protein thay thế trong tháng 6/2022 đạt 1,7 tỉ USD và Israel chiếm 18% trong số này.
Nguồn lực hạn chế và ít quan hệ ngoại thương nhưng Israel, quốc gia Trung Đông lại được đền bù bằng tính sáng tạo và đổi mới triệt để trong nông nghiệp. Điều này đã đưa Israel lên Top đầu thế giới về công nghệ nông nghiệp, chỉ đứng sau Mỹ.
Trong đó, đầu tư phát triển thịt thực vật là một trong những ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp tiêu biểu của người Israel. Sản phẩm thay thế thịt hay thay thế protein (Alternative protein) thực chất là sản phẩm nguồn protein rẻ, lành mạnh, bền vững và ít ô nhiễm hơn.
Các công ty Israel đang thử nghiệm các sản phẩm làm từ côn trùng, các loại đậu hoặc thịt có nguồn gốc thực vật hoặc nuôi trồng trong phòng thí nghiệm.
Ví dụ, hãng Flying Spark tạo ra một loại bột protein và dầu không bão hòa có nguồn gốc từ ấu trùng; còn hãng Hargol từng đoạt nhiều giải thưởng sản xuất bột protein từ châu chấu nuôi.
Protein cô đặc dựa trên đậu (sản phẩm thay thế thịt) là sản phẩm protein thuần chay có vị trung tính không gây dị ứng, không chứa gluten và GM (chuyển gen) để sử dụng trong nhiều loại thực phẩm, được sản xuất bởi InnovoPro và ChickP.
Hoặc sản phẩm có vị siêu ngọt của Amai Proteins. Đây là protein ngọt nhất thế giới, có thể thay thế đường trong thực phẩm, không làm tăng lượng đường trong máu hoặc tác động xấu tới insulin. Amai Proteins sử dụng thiết kế protein tính toán dựa trên điện toán đám mây cùng với quá trình sản xuất lên men nấm men để kết hợp các protein ngọt để thỏa mãn nhu cầu ngày càng khắc nghiệt của thị trường thực phẩm đại chúng.
Theo nghiên cứu chung của BCG và Blue Horizon Corporation (BHC), đến năm 2035, các sản phẩm thay thế protein sẽ chiếm tới 11% tổng thị trường protein trên thế giới và có thể được sử dụng để chế biến 9/10 các món ăn truyền thống, với giá thành rẻ và hương vị quen thuộc.
"Nhìn chung, đến năm 2035, khoảng 95% bữa ăn phổ biến nhất trên thế giới có thể được chế biến bằng cách sử dụng các loại thực phẩm thay thế", báo cáo cho biết.
Vào thời điểm này, khối lượng các sản phẩm thay thế thịt, trứng, sữa và hải sản trên thị trường có thể đạt ít nhất 290 tỷ USD, hoặc 97 triệu tấn (hiện nay là 13 triệu tấn), chiếm 11% tổng lượng thị trường protein.
Báo cáo cho biết, tỷ lệ này có thể tăng gấp đôi nếu công nghệ thay đổi nhanh hơn: trong trường hợp như vậy, lượng tiêu thụ thịt động vật ở châu Âu và Bắc Mỹ có thể đạt đỉnh sau 5 năm, và tiếp đó sẽ bắt đầu giảm xuống.