Ít nhất 7 triệu biến chứng phẫu thuật, 1 triệu người chết/năm

Phẫu thuật giác mạc thành... mổ ruột thừa, gây mê nhầm làm bệnh nhân suýt tử vong, đi vá màng nhĩ lại bị cắt amidan...

Trên đây là một số ví dụ mà PGS-TS, BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, dẫn chứng tại hội thảo Kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn trong phẫu thuật, do BV Bình Dân tổ chức ngày 25-9 tại TP.HCM.

Theo PSG-TS Anh Thư, sự cố trong phẫu thuật không "chừa" bất kỳ quốc gia nào. Mỗi năm, toàn cầu có khoảng 187-281 triệu ca phẫu thuật, trong đó ít nhất 7 triệu ca gặp biến chứng và khoảng 1 triệu trường hợp tử vong. Các nguyên nhân được liệt kê gồm: Phẫu thuật sai bệnh nhân, sai vị trí, không sử dụng kháng sinh dự phòng trước phẫu thuật để tránh nhiễm khuẩn vết mổ...

Nhiễm khuẩn vết mổ kéo theo làm tăng thời gian nằm viện thêm 7-10 ngày. Tăng gấp năm lần khả năng nhập viện lại, tăng hai lần nguy cơ tử vong và việc phải sử dụng kháng sinh do nhiễm khuẩn vết mổ dẫn đến đề kháng kháng sinh cũng tăng lên từ đây.

Nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn chuẩn bị bộ dụng cụ phẫu thuật tại BV Bình Dân. Ảnh: CN

Nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn chuẩn bị bộ dụng cụ phẫu thuật tại BV Bình Dân. Ảnh: CN

Thống kê tại một số quốc gia thực hiện bảng kiểm an toàn phẫu thuật do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nghiêm túc cho thấy tối thiểu 1/2 tai biến có thể tránh được, cứu được 500.000 người/năm, giảm 1/3 tỉ lệ biến chứng và tử vong liên quan đến phẫu thuật.

Do đó, theo PGS-TS Anh Thư, các cơ sở y tế cần nghiêm túc xây dựng, thực hiện bảng kiểm an toàn phẫu thuật do WHO khuyến cáo để nâng cao chuẩn an toàn phẫu thuật, cải tiến sự chính xác trong xác định bệnh nhân, cải tiến hiệu quả trao đổi thông tin giữa nhân viên y tế.

TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân, nhận định kiểm soát nhiễm khuẩn là hoạt động quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, đặc biệt trong bối cảnh nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm khuẩn vết mổ, vi khuẩn kháng kháng sinh đang là vấn đề thách thức của y tế toàn cầu. Thực hành tốt kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn người bệnh.

Chia sẻ về quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn tại BV Bình Dân, TS Trần Vĩnh Hưng cho biết từ nhiều năm nay bệnh viện đã có sự đầu tư chiến lược, từ đào tạo nguồn nhân lực cho đến xây dựng và chuẩn hóa các quy trình và trang bị những thiết bị hiện đại trong lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn. Trong đó, bệnh viện đã ứng dụng phương pháp tiệt khuẩn nhiệt độ cao bằng hơi nước, cho phép tiêu diệt hơn 1 triệu vi khuẩn với thời gian ngắn. Kỹ thuật này còn bảo đảm độ bền của dụng cụ phẫu thuật, đặc biệt là các dụng cụ nội soi tinh vi có đường kính nhỏ, thân thiện với môi trường do sử dụng hơi nước thay cho hóa chất ngâm rửa.

Cạnh đó, bệnh viện cũng hoàn thiện quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn một cách nghiêm ngặt với các kiểm nghiệm khách quan, theo hướng tự động hóa với các máy chuyên dụng.

HOÀNG LAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/it-nhat-7-trieu-bien-chung-phau-thuat-1-trieu-nguoi-chet-nam-860263.html