Italy không đóng cửa biên giới, các nước phối hợp ứng phó với COVID-19

Italy và một số quốc gia láng giềng đã quyết định không đóng cửa biên giới, trong khi Liên minh châu Phi (AU) sẽ tăng cường phối hợp giữa các quốc gia trên toàn châu lục để đối phó với COVID-19.

Khách du lịch đeo khẩu trang phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Venice, Italy ngày 25/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khách du lịch đeo khẩu trang phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Venice, Italy ngày 25/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Italy và một số quốc gia láng giềng đã quyết định không đóng cửa biên giới bất chấp dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đang có dấu hiệu lây lan tại quốc gia châu Âu này.

Quyết định trên đã được đưa ra tại một cuộc họp khẩn tại Rome về dịch COVID-19 tại Italy giữa Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza và người đồng cấp của các nước Áo, Croatia, Pháp, Đức, Slovenia và Thụy Sĩ.

Theo thông tin mới nhất do giới chức Italy cung cấp, tính tới 3 giờ sáng 26/2, Italy ghi nhận 11 trường tử vong do virus SARS-CoV-2 và có 325 ca mắc bệnh COVID-19.

Trước tình hình dịch bệnh, Pháp đã kêu gọi công dân nước này hủy các chuyến đi tới Italy, đồng thời khuyến nghị công dân hiện đang lưu trú ở các vùng có bệnh nhân COVID-19 tự cách ly và hạn chế tối đa sự tiếp xúc với bên ngoài.

Ngày 25/2, giới chức y tế Pháp cũng ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 1 người vừa trở về từ Lombardy, tâm dịch ở Italy, và một phụ nữ Trung Quốc có trở về Trung Quốc gần đây.

Ngày 24/1, Pháp là quốc gia đầu tiên châu Âu xác nhận có các ca nhiễm SARS-CoV-2. Trong số 12 người nhiễm virus, đến nay có 11 người bình phục. Du khách Trung Quốc 80 tuổi đã tử vong ngày 14/2.

Cùng ngày, Áo đã cách ly một khách sạn ở thành phố Innsbruck sau khi một lễ tân khách sạn người Italy làm việc tại đây có tiếp xúc với người nhiễm virus và sau đó trở thành trường hợp đầu tiên có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ở nước này. Mọi hoạt động ra, vào khách sạn đều bị cấm để đảm bảo virus không lây lan. Hiện chưa rõ khách sạn được cách ly trong bao lâu.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp và hãng hàng không tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đang lây lan tại nhiều nước trên thế giới.

Trong tuyên bố mới nhất, hãng hàng không Air Canada thông báo đình chỉ tuyến đường bay giữa Canada và một số thành phố của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải đến ngày 10/4. Hãng cũng sẽ tiếp tục tạm ngừng khai thác đường bay trực tiếp từ Toronto đến Hong Kong (Trung Quốc) đến ngày 30/4 do nhu cầu đi lại của hành khách giảm sút.

Hãng thực phẩm Nestle của Thụy Sĩ cũng đã quyết định hủy tất cả các chuyến công tác của nhân viên trên toàn thế giới cho đến ngày 15/3/2020. Nestle hiện có 291.000 nhân viên làm việc tại các chi nhánh phân bổ trên toàn thế giới.

Cũng trong ngày 25/2, Liên minh châu Phi (AU) cho biết sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác và phối hợp giữa các quốc gia trên toàn châu lục để đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đây là tuyên bố của Ủy ban AU tại cuộc họp Bộ trưởng Khối các quốc gia châu Phi gồm 55 quốc gia thành viên về các nỗ lực ứng phó và phối hợp chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vừa diễn ra tại trụ sở của AU ở thủ đô Addis Ababa (Ethiopia).

Tại cuộc họp, các bộ trưởng đã thảo luận và thống nhất về chiến lược của châu lục để chuẩn bị tốt hơn và ứng phó tốt hơn với dịch bệnh, trong đó nhấn mạnh đến các phương pháp phổ biến để giám sát, hạn chế di chuyển những người có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 và trao đổi thông tin.

Các bộ trưởng cũng thảo luận về cách làm phối hợp để xây dựng và thực hiện các kế hoạch quốc gia cho việc chuẩn bị, nâng cao năng lực, lưu trữ các trang thiết bị bảo vệ…, thực hiện các hướng dẫn từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo tuyên bố của AU, các bộ trưởng đã nhất trí thực hiện các nhiệm vụ trên thông qua Công trình châu Phi về coronavirus (AFCOR), do CDC châu Phi khởi xướng, để chia sẻ thông tin và thực hành tốt nhất, tăng cường năng lực kỹ thuật, hỗ trợ các quyết định chính trị chất lượng cao và phối hợp phát hiện và kiểm soát biên giới. CDC châu Phi và WHO sẽ làm việc với các nước thành viên và các đối tác để cung cấp hướng dẫn toàn diện về giám sát SARS-CoV-2 và huy động thêm các nguồn lực với sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó dịch.

Trong tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban AU, Moussa Faki Mahamat bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ trong việc huy động sức mạnh tổng hợp cần thiết để tối đa hóa các nỗ lực bảo vệ lục địa chống lại dịch bệnh nguy hiểm này.

Theo ông Mahamat, lục địa này đã cảm nhận được các hiệu ứng đối với kinh tế-xã hội vì dịch bệnh hoành hành tại Trung Quốc, một trong những đối tác lớn nhất của châu Phi. Ông nhấn mạnh nếu không hành động hiệu quả, nó sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến kinh tế-xã hội châu Phi.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết Văn phòng WHO ở châu Phi cùng với CDC châu Phi đang rất nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Ông kêu gọi tất cả các nước khẩn trương tăng cường các biện pháp chuẩn bị để phòng chống dịch bệnh.

Theo WHO, Ai Cập, Algeria và Nam Phi sẽ là 3 quốc gia có nguy cơ cao nhất đối với sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở châu Phi do việc trao đổi thương mại bằng đường hàng không với Trung Quốc và các nước khác đang có dịch. Ba quốc gia này cũng là một trong những nước được trang bị tốt nhất tại Lục địa Đen để phát hiện và có các biện ứng phó phù hợp với dịch bệnh.

Tính đến nay, dịch COVID-19 hiện đã xuất hiện tại 42 nước và vùng lãnh thổ với hơn 80.000 người nhiễm và hơn 2.700 người đã tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/italy-khong-dong-cua-bien-gioi-cac-nuoc-phoi-hop-ung-pho-voi-covid19/625188.vnp