Italy: Thủ tướng Meloni và vấn đề người di cư
Vấn đề người di cư từng là lời hứa quan trọng trong chiến dịch tranh cử đã đưa bà Giorgia Meloni và liên minh cực hữu của bà lên nắm quyền trong cuộc bầu cử tháng 9 năm ngoái. Khi đó, bà đã thề sẽ 'ngăn chặn những chiếc thuyền di cư vào Italy như một cửa ngõ vào châu Âu'. Nhưng nay, sau 100 ngày tại nhiệm, một lần nữa vấn đề người di cư lại khiến bà đau đầu hơn cả.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử của bà Meloni là một khoảnh khắc đáng kinh ngạc trong nền chính trị Italy không chỉ vì đảng của bà nhanh chóng vươn lên từ phe cánh hữu. Bà không chỉ là nữ thủ tướng trẻ nhất và đầu tiên của Italy, mà còn là nhà lãnh đạo được bầu đầu tiên kể từ năm 2011, đã giành được đa số lành mạnh đến mức những vấn đề chính trị hậu bầu cử như thường lệ đã bị gạt sang một bên. Bây giờ liệu bà có thể thực hiện những lời hứa của mình với cử tri hay không là câu hỏi mọi người đặt ra.
100 ngày tại nhiệm đầu tiên của bà Meloni có thể được coi là một thành công về nhiều mặt. Bà không quá thiên về phía cực hữu như một số người đã lo sợ và bà cũng rất thoải mái khi tiếp xúc với các nhà lãnh đạo trên thế giới. Các nhà lãnh đạo theo thiên hướng tự do của châu Âu có thể đạt được lợi ích từ việc bà Meloni hứa sẽ ngăn chặn những con thuyền di cư và nhiều người hy vọng bà có thể thực hiện được lời hứa của mình. Những người bảo thủ như Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã cảm ơn bà vì “bảo vệ biên giới của châu Âu”. Bà thậm chí còn lôi kéo được đối tác liên minh như các ông Matteo Salvini và Silvio Berlusconi bất chấp những khác biệt quan điểm về cuộc chiến ở Ukraine.
Thủ tướng Meloni đã vượt qua nhiều sóng gió, bao gồm cả việc va chạm trong vấn đề quan hệ gần gũi giữa ông Berlusconi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, hay cuộc tranh cãi với ông Salvini về cách giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng và mối quan hệ với Tổng thống Putin. Mọi vấn đề đều được giải quyết ổn thỏa, chỉ trừ vấn đề người di cư trên những chiếc thuyền vượt Địa Trung Hải.
Đến ngày 21/4, hơn 35.000 người đã đến châu Âu qua ngõ Italy bằng thuyền, một con số cao hơn gấp 3 lần so với năm trước. Ngược lại, chỉ hơn 4.000 người từ Pháp đến Vương quốc Anh bằng thuyền.
Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự ủng hộ dành cho đảng Brothers of Italy của bà Meloni đã giảm xuống chỉ còn hơn 29%, so với mức 34% khi lên nắm quyền. Một số người tin rằng, không ai mong đợi bà thành công trong việc ngăn chặn dòng người di cư, vì vậy sự sụt giảm trong các cuộc thăm dò phản ánh các vấn đề khác, bao gồm cả việc bà tiếp tục ủng hộ Ukraine và mối quan hệ của bà với Trung Quốc. Italy đã ký kết tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, một kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu đầy tham vọng mà một số nhà phân tích coi là một dấu hiệu đáng lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Một số người cho rằng, chính việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc mới là vấn đề lớn nhất khiến bà Meloni gặp khó khăn. Nhưng, nhiều người khác thì không sẵn sàng cho qua vấn đề di cư.
Giovanni Orsina, Giám đốc Trường Chính phủ tại Đại học Luiss Guido Carli ở Rome, nói: “Đây là một vấn đề nghiêm trọng, tôi nghĩ đây là cuộc khủng hoảng quan trọng nhất và là thách thức lớn nhất đối với bà và chính phủ. Bà Meloni đang giải quyết vấn đề di cư trên hai mặt trận: Bằng cách gây áp lực lên châu Âu và bằng cách coi trọng vấn đề này ở trong nước”. Với hầu hết người Italy, vấn đề người di cư hiện vẫn là điều họ nghe nói đến, chưa phải điều gì đó tác động trực tiếp đến họ. Nhưng, bước ngoặt sẽ là khi những người di cư bắt đầu xuất hiện cụ thể trước nhà, trên đường phố và quảng trường ở các thị trấn nhỏ của Italy. Khi đó, đó sẽ là vấn đề hiện thực.
Di cư bất thường vào châu Âu là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất trong khối trong nhiều năm. Bà Hanne Beirens, Giám đốc Viện Chính sách di cư châu Âu, nói với kênh truyền hình CNN rằng việc chặn tàu thuyền đến châu Âu về cơ bản là giải quyết phần ngọn của vấn đề chứ không phải phần gốc. “Nếu hỏi các chuyên gia di cư liệu bà Meloni có thể ngăn chặn các chuyến thuyền di cư hay không, câu trả lời sẽ là không”.
Bà Beirens cho rằng, chừng nào châu Âu chưa thể đồng thuận với nhau về cách giải quyết tận gốc vấn đề - bằng cách tạo cơ hội xin tị nạn sớm hơn trong hành trình và nỗ lực giải quyết các vấn đề ở các quốc gia làm phát sinh nhiều người di cư và tị nạn nhất - thì chừng đó những con thuyền di cư vẫn sẽ tiếp tục đến.
Khi EU không thể đồng thuận kiểm soát một tình huống khủng hoảng chung thì các quốc gia thành viên sẽ tự làm và đơn phương sử dụng các biện pháp đẩy lùi, bạo lực ở biên giới. Bà Meloni đã làm điều đó bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với cuộc khủng hoảng người di cư, cho phép áp dụng các biện pháp cực kỳ cứng rắn để xử lý, kể cả cho phép các cơ quan chức năng hồi hương người di cư ngay lập tức. Tuy nhiên, biện pháp này đang bị tẩy chay ở một số khu vực thiên tả.
Từ thảm họa lật thuyền ở làng Cutro
Ngày 26/2/2023, một chiếc thuyền chở người di cư đã bị lật và chìm ở ngoài khơi ngôi làng Cutro thuộc miền Nam Italy. 74 người tử nạn, một nửa trong số đó là trẻ em. Trong số 82 người sống sót, 3 công dân Thổ Nhĩ Kỳ và 1 công dân Pakistan đã bị bắt vì tội buôn người, 8 người vẫn đang nằm viện.
Vụ lật thuyền đã làm dậy sóng trở lại cuộc tranh luận xung quanh vấn đề người di cư và cách xử lý hậu quả của vụ lật thuyền. Bộ Nội vụ Italy đã ra lệnh chuyển tất cả các thi thể đến nghĩa trang Hồi giáo Bologna để chôn cất, phù hợp với giao thức của Italy dành cho những người di cư bất hợp pháp. Nhưng, thân nhân gia đình của họ phản đối. Sau một cuộc đàm phán căng thẳng, 25 gia đình, chủ yếu là người Afghanistan và Syria, đã đồng ý việc chôn cất ở Bologna. Số phận của những người còn lại vẫn là vấn đề đàm phán.
Vấn đề cứu hộ người di cư
Trong vụ lật thuyền ở Cutro, vấn đề cứu hộ người di cư được quan tâm nhiều hơn. Một máy bay giám sát của Frontex (Cơ quan Kiểm soát biên giới châu Âu) đã xác định được con tàu xấu số một ngày trước khi nó bị chìm và đã thông báo cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển Italy. Lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết trong một tuyên bố rằng con tàu không được xác định là thuyền di cư và nó dường như không gặp nạn. Những người sống sót kể lại với các nhóm truyền thông và nhân quyền rằng họ bị nhốt trong thân tàu và không được phép lên boong trong khoảng thời gian chuyến hành trình kéo dài 4 ngày từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Văn phòng công tố viên Crotone xác nhận đã mở một cuộc điều tra hình sự về trường hợp cứu hộ thất bại sau khi hơn 40 hiệp hội nhân quyền và tổ chức phi chính phủ ký đơn yêu cầu công khai tất cả các hồ sơ để xác định xem có ai không hỗ trợ chiếc thuyền theo quy định của luật hàng hải hay không.
Hiện tại có rất ít hoạt động tìm kiếm và cứu nạn chuyên dụng ở Địa Trung Hải, nhưng mọi người vẫn đang cố gắng chạy trốn khỏi Libya và các quốc gia đang có chiến tranh ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á. Hằng năm, hàng nghìn người chạy trốn chiến tranh, ngược đãi và nghèo đói ở quê nhà cố gắng thực hiện hành trình nguy hiểm qua Địa Trung Hải. Vô số sinh mạng đã bị mất trên đường đi.
Giải quyết tận gốc vấn đề người di cư
3 tuần sau vụ lật thuyền ở Cutro, Hội đồng Bộ trưởng do Thủ tướng Meloni dẫn đầu đã họp về thảm họa lật thuyền và cho biết sẽ tập trung vào việc bóc gỡ các đường dây buôn người và tăng thời gian ngồi tù đối với những kẻ buôn người lên 30 năm.
Các bộ trưởng cũng thảo luận về việc “đẩy nhanh cơ chế xin tị nạn” thay vì tăng hạn ngạch, tức là tiếp nhận 82.700 người di cư đủ điều kiện xin tị nạn vào năm 2023. Năm 2022 có 253.205 người đã cố gắng vượt Địa Trung Hải, 42% trong số đó bị chặn trên biển và được trả về Libya, mặc dù Libya không phải là nơi an toàn. Mọi người tiếp tục chết đuối hoặc mất tích trong nỗ lực này, 2.367 người chết hoặc mất tích trong năm 2022. Có 105.131 người đã vào Italy bằng đường biển, từ đầu năm 2023 đến nay con số đó là hơn 17.600. Quá trình xin tị nạn thường mất từ 3 đến 5 năm, tùy thuộc vào quốc gia xuất xứ. Những người không đến từ các quốc gia phát sinh người tị nạn, những người di cư kinh tế, được hồi hương trở lại quốc gia gốc của họ. Tổng thống Italy Sergio Mattarella cho biết những công dân Afghanistan sống sót sẽ được ưu tiên xin tị nạn. Vẫn chưa rõ liệu những người không đủ điều kiện có được hồi hương về nước xuất xứ của họ hay không.
Chính phủ của Thủ tướng Meloni đã tuyên bố sẽ trấn áp những kẻ buôn người và tàu cứu hộ của các tổ chức phi chính phủ. Nhưng, những con thuyền vẫn tiếp tục đến - hàng trăm người di cư đã được cứu hộ và các dấu hiệu cho thấy họ đến sớm hơn bao giờ hết. Đại đa số những người cố gắng vượt Địa Trung Hải đều đi qua Libya, nơi họ phải đối mặt với mức độ bạo lực khủng khiếp, bao gồm bắt cóc, tra tấn và tống tiền.
Những nỗ lực của châu Âu nhằm ngăn chặn di cư bằng cách củng cố biên giới quốc gia và củng cố các cơ sở giam giữ bên ngoài biên giới đang đẩy người dân vào tay những kẻ buôn người để đưa họ qua các trạm kiểm soát, qua biên giới, qua hàng rào, ra khỏi nhà tù và cuối cùng là lên thuyền trên biển Địa Trung Hải. Người di cư, người tị nạn và người xin tị nạn ở Libya phải đối mặt với bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.
Năm 2019, tình hình cả ở Libya và chính trị ở châu Âu trở nên xấu đi. Tripoli rơi vào xung đột, nơi các trung tâm giam giữ bị bủa vây bởi giao tranh và bị không kích. Trong khoảng thời gian một năm tính đến tháng 7/2019, đã có 21 cuộc cứu hộ thất bại, ảnh hưởng đến hơn 2.600 người. Vào năm 2020, giữa đại dịch COVID-19, các nhà chức trách ở Italy tìm đủ lý do để bắt giữ các tàu tìm kiếm và cứu nạn, khiến khả năng tìm kiếm và cứu nạn ở trung tâm Địa Trung Hải gần như không còn và gây nguy hiểm đến tính mạng người di cư.
Năm 2023, sự hỗn loạn vẫn tiếp diễn ở Libya, với xung đột và khủng hoảng chính trị và kinh tế đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Mọi người vẫn đang tuyệt vọng tìm cách chạy trốn. Từ đó, cuộc khủng hoảng người di cư qua Địa Trung Hải tiếp tục không có hồi kết.