Italy thúc đẩy chiến lược quốc gia về sản xuất hữu cơ

Hồi tháng 3, Quốc hội Italy thông qua luật mới thiết lập nhãn hiệu 'Hữu cơ sản xuất tại Italy' (Organic Made in Italy) cũng như chiến lược quốc gia để hỗ trợ sản xuất hữu cơ trong lĩnh vực nông nghiệp. Luật pháp nước này thừa nhận vai trò duy nhất của sản xuất hữu cơ đối với sự phát triển xã hội và tính bền vững của môi trường.

Củng cố luật pháp

Luật mới cũng tài trợ cho nghiên cứu canh tác hữu cơ và khuyến khích các nhà sản xuất thành lập các liên minh chiến lược mới. Việc mở rộng sản xuất thực phẩm hữu cơ cũng sẽ được hỗ trợ bởi công cụ tài chính đặc biệt, vốn chủ yếu đến từ “thuế ô nhiễm” 2% đánh vào các công ty được phép bán các sản phẩm kiểm dịch thực vật có khả năng gây hại cho môi trường.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Luật khuyến khích sản xuất thực phẩm hữu cơ ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Do đó, tất cả các căng tin công cộng và tổ chức do Chính phủ tài trợ sẽ đề xuất đưa ra các lựa chọn hữu cơ.

Theo Coldiretti - Hiệp hội nông nghiệp lớn của Italy, giá trị thực phẩm hữu cơ của Italy trong năm 2021 vào khoảng 7,5 tỷ euro. Ngoài ra, tổng doanh số bán thực phẩm hữu cơ đã tăng 122% trong 10 năm qua.

Ông Francesco Battistoni, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Lâm nghiệp Italy cho biết: “Chúng tôi sẽ có thể triển khai hơn nữa sản xuất hữu cơ trong nông sản và tất cả các chuỗi sản xuất được kết nối nhờ luật mới… Về xuất khẩu sản phẩm hữu cơ, Italy chỉ đứng sau Mỹ trên thị trường toàn cầu”. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng chiến lược sản xuất thực phẩm hữu cơ quốc gia vì lý do môi trường.

Sản xuất thực phẩm hữu cơ được định nghĩa trong luật mới là hệ thống nông nghiệp tập trung vào tính bền vững và phục hồi môi trường tự nhiên, đồng thời tăng cường sức khỏe con người và động vật thông qua an toàn thực phẩm và bảo vệ hệ sinh thái.

Một trong những mục tiêu chiến lược mới của Italy là khuyến khích các công ty sản xuất thực phẩm nhỏ chuyển sang canh tác hữu cơ. Ngoài ra, luật mới thiết lập một “bàn tròn kỹ thuật cho nông nghiệp hữu cơ”. Văn bản pháp lý này sẽ xác định các giải pháp và ưu tiên để thực hiện chiến lược nông nghiệp hữu cơ quốc gia, bao gồm các kế hoạch mới để chuyển đổi các công ty nông sản thông thường sang canh tác hữu cơ và hỗ trợ nông dân hữu cơ mới.

Các hiệp hội nông dân hữu cơ của đất nước hình chiếc ủng hoan nghênh và đánh giá cao tầm quan trọng chiến lược của luật mới, đồng thời tuyên bố rằng nó sẽ cung cấp cơ hội kinh doanh mới cho các thế hệ trẻ hơn và gia tăng giá trị cho các khu vực nông thôn, đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Theo nhiều lãnh đạo hiệp hội nông dân hữu cơ, luật mới đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp, cho phép Italy tận dụng hỗ trợ kinh tế dành riêng cho nền nông nghiệp bền vững được chứng nhận này để phát triển nó cả về sản xuất lẫn tiêu dùng.

Họ cho rằng, nhờ luật mới, nông nghiệp hữu cơ có thể trở thành động cơ để khởi động lại toàn bộ ngành nông sản thực phẩm. Hơn nữa, theo họ, nếu Italy vẫn muốn tiếp tục là nhà lãnh đạo đi đầu châu Âu trong sản xuất nông sản hữu cơ thì nước này cần được tăng cường và nâng cao đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới, đào tạo và truyền thông…

Từ năm 1998, Italy là quốc gia châu Âu có diện tích trang trại hữu cơ lớn nhất cũng như có số lượng trang trại hữu cơ cao nhất. Lĩnh vực hữu cơ của Italy đã thể hiện một trong những tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm lớn nhất ở châu Âu trong nhiều năm qua: diện tích nông nghiệp sử dụng hữu cơ và chuyển đổi được chứng nhận (UAA) đã tăng từ khoảng 5.000ha năm 1985 lên khoảng 960.000ha vào năm 1999, gần gấp 200 lần.

Theo số liệu 2019, Italy là quốc gia có diện tích nông nghiệp hữu cơ lớn thứ 3 châu Âu với 2 triệu héc ta, sau Tây Ban Nha (2,4 triệu héc ta) và Pháp (2,2 triệu héc ta). Italy cũng đứng thứ 3 thị trường lớn nhất ở châu Âu cho các sản phẩm hữu cơ với doanh số bán lẻ là 3,6 tỷ euro, chỉ sau Đức (12 tỷ euro) và Pháp (11,3 tỷ euro).

Nhìn ra thế giới

Người tiêu dùng ngày càng tỏ ra thận trọng về độ an toàn của các loại thực phẩm thông thường. Thói quen sử dụng các chất kích thích tăng trưởng đã thúc đẩy sự quan tâm của người tiêu dùng đối với thực phẩm hữu cơ. Cuộc khủng hoảng về thực phẩm nhiễm dioxin và các bệnh gia súc (chẳng hạn như bệnh bò điên hay lở mồm long móng lợn ở châu Âu) càng làm tăng nhu cầu về thực phẩm loại này. Các cuộc khảo sát người tiêu dùng được tổ chức ở hầu hết các quốc gia cũng cho thấy mong muốn thay thế thực phẩm biến đổi gene. Vì vậy, các Chính phủ đã giải quyết những lo ngại đó bằng cách đặt ra các mục tiêu cho việc mở rộng sản xuất hữu cơ.

Theo tài liệu được công bố năm 2021 của Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM- Organics International), trong đó các nghiên cứu được tính đến năm 2019 cho thấy, 72,3 triệu héc ta đất nông nghiệp hữu cơ, bao gồm cả các khu vực chuyển đổi mục đích, đã được ghi nhận trên thế giới. Các khu vực có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất là châu Đại Dương (35,9 triệu héc ta, bằng một nửa diện tích đất nông nghiệp hữu cơ của thế giới) và châu Âu (16,5 triệu héc ta, 23%). Khu vực Mỹ Latin có 8,3 triệu héc ta (11%), tiếp theo là châu Á (5,9 triệu héc ta, 8%), Bắc Mỹ (3,6 triệu héc ta, 5%) và châu Phi (2 triệu héc ta, 3%).

Trong đó, các quốc gia có nhiều đất nông nghiệp hữu cơ nhất là Australia (35,7 triệu héc ta), Argentina (3,7 triệu héc ta) và Tây Ban Nha (2,4 triệu héc ta). Tính đến nay, có 186 quốc gia phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên toàn cầu.

Số nhà sản xuất hữu cơ cũng đang gia tăng với ít nhất 3,1 triệu nhà sản xuất hữu cơ vào năm 2019. 51% các nhà sản xuất hữu cơ trên thế giới là ở châu Á, tiếp theo là châu Phi (27%), châu Âu (14%) và khu vực Mỹ Latin (7%). Các quốc gia có nhiều nhà sản xuất nhất là Ấn Độ, Uganda và Ethiopia.

Theo Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ (FiBL), thị trường hữu cơ toàn cầu đạt hơn 100 tỷ euro. Cụ thể, năm 2019, doanh số bán thực phẩm và đồ uống hữu cơ đạt hơn 106 tỷ euro. Các quốc gia có thị trường hữu cơ lớn nhất là Mỹ (44,7 tỷ euro), Đức (12 tỷ euro), và Pháp (11,3 tỷ euro). Thị trường đơn lẻ lớn nhất là Mỹ (42% thị trường toàn cầu), tiếp theo là EU (41,4 tỷ euro, 39%) và Trung Quốc (8,5 tỷ euro, 8%). Mức tiêu thụ hữu cơ bình quân đầu người cao nhất vào năm 2019, với 344 euro là ở Đan Mạch.

Cũng theo IFOAM và FiBL, trong hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây nhiều ảnh hưởng đến thị trường hữu cơ toàn cầu. Mặc dù Bắc Mỹ và châu Âu tạo ra hầu hết doanh số bán hàng, nhưng thị phần của họ trong tổng thị trường đang thu hẹp lại. Cuộc khủng hoảng Covid-19 được dự đoán sẽ đẩy nhanh xu hướng trên, khi ngày càng có nhiều thị trường trong khu vực phát triển thực phẩm hữu cơ. Đặc biệt, thị phần của các nước đang phát triển, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Indonesia, có khả năng phát triển với tốc độ nhanh trong những năm tới. Theo giới chuyên gia, đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến cuộc sống hàng ngày của thế giới, cũng như đối với thực phẩm hữu cơ. Người tiêu dùng đang chuyển sang sử dụng thực phẩm hữu cơ khi họ quan tâm kỹ hơn đến sức khỏe, thể chất và dinh dưỡng của cá nhân nhằm nâng cao khả năng chống virus Corona. Thực tế, đại dịch có khả năng thay đổi ngành công nghiệp thực phẩm hữu cơ toàn cầu với một số xu hướng ảnh hưởng đến sự phát triển hơn nữa của nông nghiệp hữu cơ theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ về những thay đổi đó bao gồm việc ngừng toàn cầu hóa chuỗi cung ứng thực phẩm, nâng cao tầm quan trọng của an ninh lương thực, hỗ trợ nhiều hơn từ chính phủ; tiến tới truy xuất nguồn gốc và minh bạch trong chuỗi cung ứng thực phẩm, thay đổi hành vi của người tiêu dùng và nâng cao tầm quan trọng của bán lẻ trực tuyến.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/italy-thuc-day-chien-luoc-quoc-gia-ve-san-xuat-huu-co-4oapaqhvyf-81954