Italy tuyên chiến với nạn đánh giá giả mạo trên các nền tảng trực tuyến
Chính phủ Italy vừa soạn thảo một dự luật nhằm xử lý vấn nạn đánh giá giả mạo trên các nền tảng trực tuyến, đặc biệt trong lĩnh vực nhà hàng và khách sạn. Đây được coi là bước tiến quan trọng nhằm tăng cường tính minh bạch và đáng tin cậy của các đánh giá trên mạng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo đảm cạnh tranh công bằng trong ngành du lịch và dịch vụ.
Vì một hệ thống đánh giá minh bạch và đáng tin cậy
Luật mới, được Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp và sản xuất tại Italy (Minister of Enterprise and Made in Italy), ông Adolfo Urso khởi xướng, đã đưa ra các điều khoản nhằm nâng cao tính minh bạch và đáng tin cậy của hệ thống đánh giá trực tuyến. Theo đó, cá nhân viết đánh giá phải công khai danh tính và xác nhận rằng họ đã trực tiếp sử dụng dịch vụ của cơ sở được đánh giá. Để bảo đảm tính thời sự và liên quan, các đánh giá phải được đăng trong vòng 15 ngày kể từ khi sử dụng dịch vụ. Nội dung đánh giá cần chi tiết, toàn diện, giúp cung cấp thông tin hữu ích và thực tế cho khách hàng tiềm năng.
Dự luật cũng bảo vệ quyền lợi của chủ cơ sở khi cho phép họ phản hồi các đánh giá, đồng thời yêu cầu xóa các đánh giá tồn tại quá 2 năm hoặc bị cho là không xác thực. Đặc biệt, hành vi trao đổi đánh giá để nhận ưu đãi, giảm giá, hoặc các lợi ích khác bị nghiêm cấm, nhằm loại bỏ nguy cơ phản hồi thiên vị. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý truyền thông Italy sẽ giám sát các nền tảng đăng tải đánh giá, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mới này.
Khách du lịch thường gặp phải sự khác biệt lớn giữa hình ảnh quảng cáo của khách sạn và thực tế. Một tòa án ở Milan đã phán quyết rằng, khách hàng có quyền được hoàn lại tiền cho lần đặt phòng của mình, nếu kỳ vọng của họ về hồ bơi và phòng gym không được đáp ứng.
Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lớn nhất của Italy, Codacons, đã lên tiếng hoan nghênh dự luật trên. Codacons chỉ ra rằng các đánh giá ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của người tiêu dùng, bằng chứng là nghiên cứu cho thấy 77% người Italy tham khảo các đánh giá trước khi mua hàng hoặc đặt phòng.
Cuộc chiến toàn cầu
Đánh giá giả mạo đã trở thành một vấn nạn toàn cầu, không chỉ giới hạn tại Italy mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác, buộc chính phủ và các tổ chức phải có những hành động quyết liệt. Nó không chỉ gây tổn hại đến doanh nghiệp, mà còn làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của người tiêu dùng.
Theo khảo sát gần đây, đa số người tiêu dùng bày tỏ lo ngại về tính chân thực của các đánh giá trực tuyến, dẫn đến tâm lý dè dặt khi ra quyết định. Tại Mỹ, thiệt hại kinh tế từ các đánh giá giả mạo được ước tính lên đến 152 tỷ USD mỗi năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng và doanh thu của nhiều doanh nghiệp. Không chỉ vậy, có đến 54% người tiêu dùng thừa nhận sẽ từ chối mua sản phẩm nếu nghi ngờ tính xác thực của các đánh giá liên quan. Những tác động này không chỉ khiến thị trường trở nên thiếu minh bạch mà còn làm mất lòng tin từ phía người tiêu dùng, tạo ra một môi trường kinh doanh đầy rủi ro và bất ổn.
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã phải ban hành quy định cấm tạo và buôn bán các bài đánh giá giả mạo, cho dù là của khách hàng không tồn tại, người trong công ty hay do AI tạo ra. Lệnh cấm cũng bao gồm việc buôn bán các lượt xem hoặc người theo dõi giả trên phương tiện truyền thông xã hội, cũng như sử dụng các chiến thuật đe dọa để xóa các bài đánh giá tiêu cực. FTC có thể áp dụng mức phạt tối đa lên tới khoảng 51.744 USD cho mỗi lần vi phạm.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang tích cực xây dựng các biện pháp xử lý nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và duy trì tính minh bạch của thị trường. Tuy nhiên, việc phát hiện đánh giá giả mạo không hề đơn giản. Công nghệ AI ngày càng tiên tiến cho phép tạo ra những đánh giá tinh vi, thuyết phục đến mức khó phân biệt thật giả, trong khi các nền tảng như Amazon hay Yelp phải đối mặt với số lượng đánh giá khổng lồ, đòi hỏi sự đầu tư lớn vào công cụ phát hiện hiện đại.
Cả người tiêu dùng và các nền tảng trực tuyến đều đóng vai trò thiết yếu trong cuộc chiến này. Người dùng cần tỉnh táo trước những nhận xét quá chung chung, thiếu chi tiết hoặc có xu hướng cực đoan, còn các nền tảng như Tripadvisor đã thể hiện trách nhiệm khi đầu tư công nghệ AI để chặn đánh giá giả. Chỉ riêng trong năm 2023, Tripadvisor đã gỡ bỏ 2 triệu đánh giá giả, chiếm 6,3% tổng số đánh giá gửi về, minh chứng cho nỗ lực mạnh mẽ trong việc đối phó với vấn đề này.
Dự luật mới của Italy được đánh giá là bước tiến lớn trong việc khôi phục niềm tin vào các đánh giá trực tuyến trong ngành dịch vụ. Những biện pháp mạnh mẽ này không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn góp phần duy trì sự công bằng, minh bạch trong môi trường kinh doanh.