Italy ưu tiên tiêm vaccine của hãng AstraZeneca cho người cao tuổi
Ngày 8/4, Bộ Y tế Italy khuyến nghị chỉ tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca với những người trên 60 tuổi, nhưng tiếp tục triển khai tiêm liều thứ 2 với những trường hợp đã tiêm liều đầu tiên.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Bộ Y tế Italy đã gửi thông báo tới các vùng, các tổ chức và hiệp hội, trong đó khẳng định rằng trên cơ sở những bằng chứng cho thấy nguy cơ thấp xảy ra phản ứng đông máu ở người cao tuổi. Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo chỉ tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca với những người trên 60 tuổi. Tuy nhiên, những trường hợp đã tiêm liều đầu tiên vẫn có thể tiếp tục tiêm liều thứ 2.
Trước đó, ngày 7/4, Ủy ban Khoa học kỹ thuật (CTS) của Cơ quan Dược phẩm Italy (Aifa) cũng khẳng định các phản ứng đông máu sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca là rất hiếm, khi xét đến 86 trường hợp (với 18 trường hợp tử vong) trong tổng số hơn 34 triệu liều đã sử dụng. Với Italy, số ca tử vong do COVID-19 lại tập trung chủ yếu ở người cao tuổi, do đó CTS đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho những người trên 60 tuổi và không có lập luận nào ngăn cản việc tiêm liều thứ 2.
Tại Anh, nước này ngày 8/4 đã trấn an người dân về độ an toàn của chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sau khi quyết định cho phép người tiêm lựa chọn vaccine thay thế cho vaccine của hãng AstraZeneca. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock đã kêu gọi người dân tiếp tục tiêm chủng, một ngày sau khi các cơ quan quản lý dược phẩm Anh cho biết vaccine do Anh và Thụy Điển hợp tác phát triển này có liên quan đến 79 trường hợp xuất hiện tình trạng đông máu hiếm gặp và 19 ca tử vong sau khi tiêm.
Tuy nhiên, những người dưới 30 tuổi sẽ được lựa chọn vaccine thay thế loại của AstraZeneca. Kể từ đầu tháng 12/2020 đến nay, Anh đã phân phối được hơn 20 triệu liều vaccine của AstraZeneca.
Bộ trưởng Hancock cho biết các tác dụng phụ nghiêm trọng là "cực kỳ hiếm gặp", đồng thời nhấn mạnh cả 3 loại vaccine mà Anh đang sử dụng hiện nay đều "an toàn với mọi lứa tuổi". Ngoài vaccine của hãng AstraZeneca, hiện Anh đang cấp phép lưu hành cho vaccine của hãng Pfizer và Moderna.
Hungary dự kiến sẽ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 4 triệu trong số 10 triệu dân vào cuối tháng 4 này, đồng thời nới lỏng hơn nữa các biện pháp phong tỏa trong 5-6 ngày tới khi 3 triệu người dân đã được chủng ngừa. Theo Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary, tính đến ngày 8/4, ít nhất 2,6 triệu người ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều.
Hungary đã bắt đầu mở cửa dần dần các cửa hàng và dịch vụ từ ngày 7/4 sau khi chủng ngừa cho 25% dân số, ngay cả khi giới chức y tế nước này cảnh báo việc mở cửa trở lại này là quá sớm khi làn sóng dịch bệnh thứ 3 còn lâu nữa mới kết thúc.
Trước bối cảnh sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2022 và hy vọng tránh được một năm suy thoái kinh tế nữa, Chính phủ Hungary đang mở cửa nền kinh tế sau khi đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hungary là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng tính trên đầu người cao nhất ở Liên minh châu Âu (EU) và nhập khẩu số lượng vaccine tính trên đầu người lớn nhất EU.
Hungary cũng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca vì cho rằng loại vaccine này là an toàn. Hiện Hungary cũng đã cấp phép sử dụng vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc) và vaccine Sputnik V của Nga, dù cả 2 loại vaccine này hiện chưa được EU phê duyệt.
Ngoài các loại vaccine nêu trên, Hungary còn sử dụng vaccine của hãng Pfizer và Moderna, những loại đã được EU cấp phép lưu hành.