J-POWER và Vinafor hợp tác kinh doanh điện sinh khối
'Ông lớn' trong lĩnh vực điện của Nhật Bản hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam về lĩnh vực trồng rừng và chế biến gỗ sẽ tạo bùng nổ thị trường điện sinh khối.
Tích cực tham gia chuỗi cung ứng nhiên liệu sinh khối
Electric Power Development Co., Ltd. (J-POWER) của Nhật Bản vừa ký kết Biên bản ghi nhớ với Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor). Ông Toshifumi Watanabe, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc J-POWER và ông Lê Quốc Khánh, Tổng giám đốc Vinafor đã tham gia lễ ký kết. Hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu và khai thác kinh doanh trong lĩnh vực điện sinh khối, bao gồm phát điện, sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu tại Việt Nam cũng như Nhật Bản.
Động thái này thu hút sự chú ý của giới truyền thông Nhật Bản. Hàng loạt báo đã đưa tin, như The Daily NNA Vietnam VIETJO Jiji Press (Jiji Tsushin), The Daily Electric News (Denki Shinbun), Nikkan Kogyo Shinbun…
Thông qua việc hợp tác này, J-POWER đặt mục tiêu thâm nhập và mở rộng hoạt động kinh doanh, sản xuất điện sinh khối tại Việt Nam. Đồng thời tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng nhiên liệu sinh khối, qua đó tích lũy kiến thức và kinh nghiệm sử dụng bền vững nguồn nhiên liệu này.
J-POWER chọn “bắt tay” với Vinafor bởi đây là doanh nghiệp nhà nước lớn trong lĩnh vực lâm nghiệp và là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về phát triển lâm nghiệp bền vững tại Việt Nam. Vinafor đang quản lý khoảng 43.000 ha rừng, trong đó phần lớn đã được cấp chứng chỉ FSC; tham gia lĩnh vực trồng, chăm sóc, khai thác rừng; sản xuất, chế biến các sản phẩm ván gỗ công nghiệp, đồ gỗ nội, ngoại thất xuất khẩu và kinh doanh, thương mại các sản phẩm từ gỗ…
Trong khi đó, J-POWER có 60 năm kinh nghiệm sản xuất năng lượng và là đơn vị cung cấp điện năng chính cho Nhật Bản, sở hữu 7 nhà máy điện đang hoạt động tại Nhật Bản, đã và đang đóng góp vào nguồn cung điện ổn định trên toàn thế giới, đồng thời tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm phát thải như đã đề ra trong sứ mệnh J-POWER “Blue Mission 2050” công bố vào tháng 2/2021.
Năm 2020, J-POWER đã tìm hiểu khả năng đầu tư và phát triển Dự án Nhà máy Điện tua-bin khí chu trình hỗn hợp Vân Phong tại Khu công nghiệp (KCN) Ninh Thủy (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Với tổng mức đầu tư gần 3,2 tỷ USD, Dự án có công suất 3.000 MW, tổng diện tích khoảng 40 ha, được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I triển khai nhà máy với 2 tổ máy có tổng công suất 1.500 MW, vận hành thương mại vào năm 2025. Giai đoạn II có công suất 1.500 MW, dự kiến vận hành thương mại sau năm 2028.
Tiềm năng điện sinh khối tại Việt Nam
Đi cùng với tăng trưởng kinh tế, nhu cầu sử dụng điện tại Việt Nam trong những năm gần đây cũng tăng cao, khoảng 10%/năm. Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia (VIII) đang được xây dựng, dự kiến nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao trong 10 năm tới và nguồn năng lượng tái tạo sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi. Các loại nhiên liệu sinh khối dự kiến cũng sẽ được sử dụng nhiều hơn.
Hiện Việt Nam đã có một số dự án xây dựng nhà máy điện sinh học tại miền Bắc. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án điện sinh khối vẫn còn khó khăn trong vấn đề kiểm soát nguồn nhiên liệu; việc cung cấp nhiên liệu cho nhà máy thiếu ổn định và bền vững; giá nhiên liệu thay đổi theo mùa vụ; vốn đầu tư ban đầu khá lớn, quy mô phân tán nhỏ lẻ (trừ các nhà máy đường).
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư dự án sinh khối cho rằng, giá điện sinh khối hiện nay vẫn chưa như kỳ vọng, điều này có thể tác động đến quyết định đầu tư các dự án điện sinh khối.
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện sinh khối, nhưng các nhà chuyên môn đánh giá, việc khai thác các nguồn tài nguyên sinh khối này còn hạn chế nhất định. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích nhằm thu hút đầu tư, nhưng đến nay, tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện sinh khối vẫn còn rất nhỏ trong tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện tại Việt Nam. Do vậy, để phát triển mạnh mẽ nguồn điện sinh khối, Việt Nam cần những giải pháp tốt hơn để khuyến khích các nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực này.
Hà Ngân