Jack Ma từ bỏ quyền kiểm soát Ant Group để hồi sinh kế hoạch IPO 'khủng'?

Trong một thông báo mới đây của công ty công nghệ tài chính Ant Group, tỷ phú Jack Ma sẽ không còn nắm quyền kiểm soát tại công ty này nữa. Quyết định này được đưa ra sau khi các cổ đông của Ant Group thống nhất định hình lại cấu trúc cổ phần công ty...

Tỷ phú Jack Ma - Ảnh: Bloomberg

Tỷ phú Jack Ma - Ảnh: Bloomberg

Theo thông cáo trên và tính toán của CNN, sau khi điều chỉnh, quyền biểu quyết của ông Jack Ma tại Ant Group sẽ giảm xuống 6,2%. Trước khi tái cấu trúc, ông nắm giữ hơn 50% quyền biểu quyết tại công ty này thông qua Hangzhou Yunbo và hai thực thể khác, theo cáo bạch niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) của Ant Group gửi tới các sàn giao dịch vào năm 2020.

Cũng trong thông cáo, Ant Group nói rằng quyết định trên giúp cấu trúc cổ đông của công ty “minh bạch và đa dạng hơn” và sẽ không làm thay đổi lợi ích kinh tế của bất kỳ cổ đông nào.

“10 cổ đông lớn của Ant Group, bao gồm ông Jack Ma, đã đồng ý sẽ không hành động tập thể khi thực hiện quyền biểu quyết của mình và họ sẽ chỉ bỏ phiếu độc lập. Do đó, sẽ không cổ đông nào có quyền kiểm soát duy nhất hoặc quyền kiểm soát chung đối với Ant Group”, thông cáo nêu rõ.

Quyết định này của Ant Group được đưa ra hơn 3 năm sau khi các nhà chức trách Trung Quốc đình chỉ IPO quy mô 37 tỷ USD của Ant vào tháng 11/2020 và yêu cầu công ty này tái cấu trúc doanh nghiệp.

Cũng nằm trong kế hoạch tái cấu trúc, bộ phận tài chính tiêu dùng của Ant đã nộp đơn xin tăng vốn đăng ký từ 1,2 tỷ USD lên 2,7 tỷ USD. Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc gần đây đã phê duyệt đơn đăng ký này, theo một thông báo cáo cuối tuần trước.

Ant Group là công ty tài chính liên kết của tập đoàn Alibaba, có trụ sở tại Hàng Châu, Trung Quốc. Cả hai đều do ông Jack Ma sáng lập.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm lúc này là liệu quyết định tái cấu trúc trên sẽ mở đường để Ant Group hồi sinh kế hoạch IPO của mình.

Nhiều người quan tâm và đang theo dõi những diễn biến tiếp theo về kế hoạch IPO của Ant sau động thái tái cấu trúc - Ảnh: Getty Images

Nhiều người quan tâm và đang theo dõi những diễn biến tiếp theo về kế hoạch IPO của Ant sau động thái tái cấu trúc - Ảnh: Getty Images

Theo các nhà phân tích, điều quan trọng nhất lúc này mà Ant cần lúc này là thành lập một công ty cổ phần tài chính, giống như một ngân hàng bình thường. Đơn xin cấp phép để thành lập công ty tài chính như vậy của Ant lên Ngân hàng Trung ương (PBOC) được cho đã ở giai đoạn cuối vào tháng 6/2022. Sau đó, Ant sẽ cần có sự chấp thuận của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) để được niêm yết ở Thượng Hải hoặc Hồng Kông (kế hoạch IPO năm 2020 của công ty này là niêm yết đồng thời ở cả hai thành phố).

Ngoài ra, dù không chính thức nhưng trên thực tế, công ty cũng cần sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và nhiều cơ quan chính phủ, bao gồm Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính, PBOC và Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, thay đổi cấu trúc cổ đông, trong đó có việc từ bỏ quyền kiểm soát của ông Jack Ma, có thể kéo dài thời gian IPO của Ant Group. Theo quy định, các công ty không thể niêm yết trên thị trường cổ phiếu nếu đã có thay đổi về quyền kiểm soát trong vòng 3 năm - hoặc trong vòng 2 năm nếu niêm yết trên sàn STAR của Thượng Hải (sàn dành cho các cổ phiếu công nghệ). Với sàn chứng khoán Hồng Kông, thời gian chờ là 1 năm.

Các cơ quan chức năng Trung Quốc thời gian qua có tín hiệu trái chiều về việc hồi sinh kế hoạch IPO của Ant Group. Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg năm ngoái, các nhà quản lý tài chính Trung Quốc đã tổ chức một số cuộc thảo luận sơ bộ về kế hoạch IPO của công ty. Một trong số này cho biết CSRC đã thành lập một nhóm để đánh giá lại các kế hoạch của Ant Group.

Ngày 9/6/2022, hãng tin Reuters đưa tin cho biết ban lãnh đạo trung ương của Trung Quốc đã đồng ý khởi động lại kế hoạch niêm yết của Ant ở cả Thượng Hải và Hồng Kông. Tuy nhiên, CSRC đã dập tắt hy vọng khi phủ nhận họ đang xem xét và nghiên cứu về IPO của công ty này, dù khẳng định sẽ hỗ trợ các công ty đủ điều kiện niêm yết ở Trung Quốc và nước ngoài.

Theo kế hoạch IPO năm 2020, Ant Group được định giá tới 280 tỷ USD. Tuy nhiên, sau một loạt biện pháp siết kiểm soát của nhà chức trách Trung Quốc, định giá của công ty này hiện đã giảm đáng kể. Dù là công ty công nghệ tài chính (fintech), Ant Group giờ đây thiên về tài chính nhiều hơn công nghệ. Fidelity Investments đã giảm định giá của Ant xuống còn khoảng 70 tỷ USD vào năm ngoái, từ mức 235 tỷ USD ngay trước khi IPO bị đình chỉ. Trong khi đó, BlackRock Inc. hạ định giá của công ty này còn 151 tỷ USD, T. Rowe Price Group Inc. hạ xuống còn 112 tỷ USD.

Về phần Jack Ma, ông từng là một trong những doanh nhân nổi bật nhất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, sau sự cố vạ miệng khi lên tiếng chỉ trích hệ thống tài chính của Trung Quốc - được cho là nguyên nhân khiến Ant Group bị đình chỉ IPO - ông gần như biến mất khỏi truyền thông trong nước. Tuy nhiên, vị tỷ phú nhiều lần được phát hiện đang nước ngoài, cả châu Âu và châu Á. Từng là người giàu nhất Trung Quốc, tài sản cá nhân của Jack Ma bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bán tháo cổ phiếu công nghệ năm 2022. Dù vậy, tính tới đầu năm 2023, tỷ phú 58 tuổi vẫn sở hữu tài sản khoảng 34 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Jack Ma từng nói với hội đồng quản trị của Alibaba rằng ông có kế hoạch giảm lợi ích kinh tế của mình tại Ant “theo thời gian” xuống không quá 8,8%. Nhiều đồng nghiệp của ông cũng đã từ bỏ vai trò chính thức của công ty và tăng cường quyên góp cho tổ chức từ thiện để thích nghi với mục tiêu “thịnh vượng chung” của chính quyền.

Đức Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/jack-ma-tu-bo-quyen-kiem-soat-ant-group-de-hoi-sinh-ke-hoach-ipo-khung.htm