Jordan có thể sẽ nhận được hàng trăm chiến đấu cơ A-10 Warthog từ Mỹ

Nếu Jordan thực sự quan tâm đến cường kích A-10 Warthog và được sự đồng ý của Mỹ để đưa vào trang bị, không quân nước này sẽ có lực tấn công mặt đất rất đáng gờm.

Jordan đã nổi lên như một nhà khai thác tiềm năng trong tương lai của máy bay tấn công mặt đất A-10 Warthog khi mà Mỹ đang tiến dần tới việc loại biên chúng để thay thế bằng F-35

Việc cường kích A-10 sắp ngừng hoạt động trong biên chế không quân Mỹ đã thúc đẩy các cuộc thảo lượng về tương lai dòng máy bay huyền thoại này.

Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đã chính thức chỉ đạo Lầu Năm Góc xem xét việc chuyển giao cường kích A-10 cho Jordan.

Điều này được đưa ra trong một báo cáo đi kèm với dự thảo mới của dự luật chính sách quốc phòng thường niên, hay Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA), cho Năm tài chính 2025 sắp tới.

Tính đến đầu năm nay, không quân Mỹ vẫn còn khoảng 218 chiếc A-10 đang phục vụ trong biên chế.

Đối với Jordan, một đồng minh lớn của Mỹ tại Trung Đông trong hoạt động chống khủng bố và các hoạt động khác, A-10 có thể giúp không quân nước này tăng cường đáng kể sức mạnh tấn công.

Ra đời từ năm 1977, A-10 Thunderbolt II là một trong những loại máy bay cường kích đáng sợ nhất trên thế giới.

Nhiều chuyên gia cho rằng sức mạnh của A-10 thậm chí còn vượt "xe tăng bay" Su-25 của Nga.

Quá trình sản xuất A-10 kéo dài từ năm 1972 tới năm 1984 thì kết thúc với hơn 700 chiếc được hoàn thiện.

Khác với nhiều loại máy bay được các nước đồng minh sử dụng như F-15, F-16, F-18, hiện nay chỉ có duy nhất không quân Mỹ đang vận hành những chiếc cường kích này.

Loại cường kích này nổi tiếng với khả năng yểm trợ chính xác, bọc thép tốt, mang được tới tối đa 7,2 tấn vũ khí tổng cộng bao gồm pháo, tên lửa, rocket và các loại bom.

Trong số đó khẩu pháo nòng xoay GAU-8/A cỡ nòng 30mm là một trong những vũ khí đáng sợ nhất.

Khẩu pháo 7 nòng này có khả năng bắn với tốc độ tối đa lên tới 3.900 viên mỗi phút. Tầm bắn hiệu quả lên tới 3.600 m.

Pháo của A-10 sử dụng cỡ đạn 30x173mm đủ khả năng tấn công cả xe thiết giáp chở quân, xe chiến đấu bộ binh hay thậm chí là xe tăng đối phương.

A-10 có khả năng mang một số lượng lớn tên lửa chống tăng như Hellfire, hay tên lửa không đối đất AGM-65.

Do chủ yếu hoạt động ở độ cao thấp, A-10 được thiết kế để có thể chịu được hư hại nặng gây ra bởi hỏa lực phòng không của đối phương, đặc biệt là pháo cao xạ và tên lửa tầm gần.

Nó được cho là có khả năng chịu hư hại gấp 10 lần các loại máy bay khác trong 1 số tình huống.

Trong chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 (1991), một chiếc A-10 bị trúng liên tiếp 4 phát đạn từ pháo phòng không 57mm. Trong đó 2 phát trúng đuôi, 1 phát nổ ngay trước mũi máy bay, 1 trúng vào cánh phải và gây kích nổ cho quả tên lửa đối không Sidewinder gắn ở đó.

Tổng cộng chiếc A-10 có 378 lỗ thủng trên thân, trong đó 17 lỗ ngay dưới buồng lái.

Tuy vậy, viên phi công vẫn bình yên vô sự và có thể hạ cánh an toàn.

Có được khả năng này nhờ buồng lái của A-10 được bọc 1 lớp titan dày gần 4 cm giúp bảo vệ phi công khỏi hỏa lực phòng không từ mặt đất.

Năm 2015, một chiếc A-10 đã bị tấn công ít nhất bằng 4 quả tên lửa phòng không vác vai SA-7 từ các tay súng IS, gần thành phố Mosul, miền Bắc Iraq, tuy nhiên không hiểu bằng cách nào nó vẫn lết về được căn cứ.

Chính nhờ khả năng sống dai này mà A-10 tiếp tục tung ra những đòn vũ bão vào khủng bố IS trong cuộc chiến chống lực lượng này của Mỹ tại chiến trường Syria và Iraq trong những năm vừa qua.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/jordan-co-the-se-nhan-duoc-hang-tram-chien-dau-co-a-10-warthog-tu-my-post582639.antd