Jordan kêu gọi đối thoại chấm dứt căng thẳng về vấn đề hạt nhân Iran
Ngoại trưởng Jordan cho biết nước này ủng hộ việc khởi động đối thoại với Iran về vấn đề hạt nhân, song các cuộc đối thoại này cần phải có đại diện của các quốc gia trong khu vực.
Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi ngày 6/1 tuyên bố muốn đối thoại với Iran nhằm chấm dứt căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung giữa Ngoại trưởng Jordan với những người đồng cấp của Đức và Thụy Điển sau hội nghị Sáng kiến Stockholm về giải trừ vũ khí hạt nhân, ông Safadi kêu gọi chấm dứt căng thẳng với Iran, cho biết Jordan ủng hộ việc khởi động đối thoại với quốc gia Hồi giáo về vấn đề hạt nhân.
Tuy nhiên, ông cho rằng bất kỳ cuộc đối thoại nào về chương trình hạt nhân của Iran trong tương lai đều phải có đại diện của các quốc gia trong khu vực.
Ông Safadi cho biết, ngoài việc kêu gọi chấm dứt căng thẳng với Iran, diễn đàn đa phương thảo luận về các vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa Trung Đông trở thành khu vực không có vũ khí hủy diệt hàng loạt và các bên phải đạt được một nghị quyết giải quyết những căng thẳng về vấn đề hạt nhân Iran.
Cho đến nay, Iran luôn tuyên bố chương trình hạt nhân của mình là vì mục đích hòa bình. Ngày 7/12/2020, Tehran đã bác bỏ lời kêu gọi của Saudi Arabia rằng các nước vùng Vịnh cần được tham vấn về các cuộc đàm phán có thể diễn ra liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran.
Tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nêu rõ: "Mọi người có quyền được lên tiếng, nhưng sẽ tốt hơn nếu họ không nói quá phạm vi của mình..."
Ông cũng tái khẳng định lập trường của Tehran phản đối việc đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân nước này ký kết với các cường quốc trong nhóm P5+1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức), được biết đến với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cũng bác đề nghị mới đây của Đức về một thỏa thuận bao trùm hơn, trong đó có cả hạn chế về chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran. Ông nêu rõ: "Iran sẽ không thỏa hiệp hay đàm phán về an ninh quốc gia của mình," đồng thời nhấn mạnh rằng việc gây áp lực tối đa sẽ không mang lại bất kỳ kết quả gì.
Chương trình hạt nhân Iran vốn là nguyên nhân gây căng thẳng trong khu vực trong hơn một thập kỷ qua. Năm 2015, Iran và Nhóm P5+1 đã ký JCPOA. Để đổi lấy sự nới lỏng của các lệnh trừng phạt quốc tế, Tehran phải cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chương trình hạt nhân của mình.
Tuy nhiên, căng thẳng liên quan JCPOA gia tăng kể từ tháng 5/2018, khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng giới hạn làm giàu urani./.