JPMorgan ước tính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại 25 tỷ USD do động đất
Công ty dịch vụ tài chính JPMorgan ngày 16/2 cho biết thiệt hại trực tiếp của việc cơ sở hạ tầng tại Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy do trận động đất ngày 6/2 vừa qua có thể lên tới 25 tỷ USD, tương đương 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
JPMorgan cũng dự báo Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ kỳ sẽ cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tuần tới, xuống còn 8%.
Chuyên gia kinh tế Fatih Akcelik nhận định: “Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn tới thiệt hại rất lớn về người và gây tác động không nhỏ về kinh tế". Chuyên gia này cho biết giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã nhắc tới khả năng cắt giảm lãi suất trước khi xảy ra động đất. Ông không loại trừ sẽ có thêm các đợt cắt giảm nữa trước cuộc bầu cử ngày 18/6 tới.
Trước đó, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) ước tính động đất có thể gây thiệt hại kinh tế tương đương 1% GDP năm 2023 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong nỗ lực hỗ trợ hai quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả của thảm họa động đất, Nhật Bản đã quyết định viện trợ khẩn cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 27 triệu USD và cho Syria 5,6 triệu USD.
Phát biểu tại họp báo ngày 16/2, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết Nhật Bản chia sẻ những mất mát và khó khăn hiện tại của người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau thảm họa động đất vừa qua. Chính phủ Nhật Bản cũng cam kết sẽ hỗ trợ tối đa trong khả năng có thể đối với hai quốc gia này, bao gồm điều động Đội cứu trợ thiên tai khẩn cấp, cung cấp các đồ dùng cứu trợ khẩn cấp.
Theo ông Hayashi, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc (LHQ) về viện trợ nhân đạo, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định viện trợ khẩn cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 27 triệu USD thông qua các tổ chức quốc tế như Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC). Bên cạnh đó, một khoản viện trợ trị giá 5,6 triệu USD cũng sẽ được gửi đến Syria thông qua Quỹ Ủy thác tái thiết Syria.
Trước đó, Nhật Bản đã cử Đội cứu trợ thiên tai khẩn cấp đến Thổ Nhĩ Kỳ với 75 thành viên, bao gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, Cơ quan Quản lý thảm họa thiên tai và cứu hỏa, đội ngũ y tế, chuyên gia về kết cấu hạ tầng, Cơ quan hợp tác quốc tế (JICA)… Nhóm đầu tiên gồm 18 thành viên đã xuất phát từ sân bay quốc tế Haneda ngay trong tối ngày 6/2 và lực lượng còn lại cũng đã tới Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 7/2 để phối hợp với lực lượng cứu hộ sở tại và lực lượng cứu hộ quốc tế tham gia khắc phục hậu quả trận động đất.