KBSV: Các ngân hàng đang dùng nguồn trích lập từ giai đoạn trước để xử lý nợ xấu, áp lực trích lập tương lai vẫn lớn

Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng sau khi được cải thiện trong quý IV/2023 lại có dấu hiệu nhích lên vào quý I/2024. Theo KBSV, các ngân hàng vẫn đang sử dụng nguồn trích lập lớn trong giai đoạn trước để cải thiện chất lượng tài sản trong giai đoạn này, nhưng điều này cũng tạo ra thách thức khi bộ đệm dự phòng mỏng đi, đồng nghĩa với khả năng phải trích lập nhiều hơn trong tương lai.

Hết quý IV/2023, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng đã ghi nhận sự cải thiện so với quý III/2023, trong đó tín dụng đẩy mạnh giai đoạn cuối năm đã góp phần giảm bớt áp lực lên tỷ lệ nợ xấu/ tổng dư nợ. Tuy nhiên, sang đến quý I/2024, với tốc độ giải ngân ảm đạm, chất lượng tài sản của các ngân hàng có suy giảm nhẹ.

Báo cáo ngành ngân hàng mới đây của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết tỷ lệ nợ xấu (NPL) của toàn ngành đã tăng thêm 24 điểm cơ bản so với cuối năm 2023 lên mức 2,2%. NPL điều chỉnh (bao gồm cả nhóm 2) tăng 44 điểm cơ bản so với cuối năm 2023 do nợ nhóm 2 tăng 12% so với quý trước.

Biểu đồ chất lượng tài sản một số ngân hàng trong hệ thống:

 Ảnh: KBSV

Ảnh: KBSV

Ở hầu hết các ngân hàng, NPL tăng so với cuối năm 2023 trong bối cảnh kinh tế ảm đạm và do tác động một phần từ việc phân loại CIC. Chất lượng tài sản suy giảm mạnh nhất tại MBB (với tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,49% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống 80,1% vào cuối tháng 3/2024) do phát sinh nợ xấu tại 1 công ty năng lượng. Một số ngân hàng khác như VIB, HDB cũng ghi nhận nợ xấu tăng do các khoản vay mua nhà.

TCB và VPB là 2 ngân hàng duy nhất ghi nhận NPL giảm. Trong đó, TCB dùng gần 1.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu trong quý I. Còn NPL của VPB được hỗ trợ nhờ sự cải thiện chất lượng các khoản vay tại FE Credit (-98 điểm cơ bản) bên cạnh đẩy mạnh xử lý nợ xấu, song nợ nhóm 2 lại tăng mạnh chủ yếu từ hoạt động cho vay kinh doanh BĐS.

Bất chấp NPL tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) tiếp tục xu hướng giảm ở hầu hết các ngân hàng.

Nhóm ngân hàng quốc doanh có sự sụt giảm mạnh nhất do trích lập dự phòng giảm mạnh so với cùng kỳ và so với quý trước, dù vậy tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhóm này vẫn được duy trì ở mức tương đối cao và an toàn (150-200%).

Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn chỉ còn TCB duy trì LLCR trên 100%, trong khi tỷ lệ này ở MBB sụt giảm đáng kể so với quý trước do sự suy giảm chất lượng tài sản trong kỳ.

Để giảm bớt áp lực chất lượng tài sản, trong quý I, các ngân hàng vẫn đẩy mạnh sử dụng nguồn trích lập trước đó để xử lý nợ xấu khỏi bảng cân đối.

Trong số các ngân hàng KBSV theo dõi, thống kê của nhóm phân tích cho thấy phần dùng để xử lý nợ xấu trong quý I/2024 thấp hơn 51% so với quý IV/2023 nhưng vẫn ở mức cao ngang so với quý III/2023. Để duy trì bộ đệm an toàn, các ngân hàng này cũng đã tăng trích lập 15% so với cùng kỳ, tương ứng 3% so với thời điểm cuối năm 2023. Dù vậy, KBSV cho rằng áp lực trích lập sẽ vẫn còn lớn do các ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

 Ảnh: KBSV

Ảnh: KBSV

“Chúng tôi cho rằng các ngân hàng vẫn đang sử dụng nguồn trích lập lớn trong giai đoạn trước để cải thiện chất lượng tài sản trong giai đoạn này, nhưng cũng là thách thức cho các ngân hàng khi bộ đệm dự phòng mỏng đi, đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ phải trích lập nhiều hơn trong tương lai”, báo cáo của KBSV nhận định.

Biểu đồ: Nợ xấu và dự phòng rủi ro tín dụng của một số ngân hàng trong hệ thống

 Ảnh: KBSV

Ảnh: KBSV

Dự báo cho các quý tới, nhóm phân tích KBSV thận trọng với chất lượng tài sản của toàn ngành ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn cần thêm thời gian hồi phục, cũng như các chính sách cần thêm thời gian để phát huy hết vai trò.

Dù vậy, các chuyên gia đánh giá tình hình nợ xấu năm nay dự kiến sẽ được cải thiện hơn so với năm 2023 nhờ một số yếu tố tích cực. Thứ nhất, Thông tư 02 dự kiến sẽ được gia hạn đến hết năm 2024. Thứ hai, chính sách hỗ trợ của các ngân hàng thông qua lãi suất củng cố thêm khả năng thanh toán khoản vay của các đối tượng vay. Cuối cùng là kỳ vọng các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ, qua đó doanh nghiệp tiếp tục triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh - sản xuất.

Trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán BIDV (BSC) cũng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ cải thiện rõ hơn về nửa sau 2024 với xu hướng tiếp tục sử dụng dự phòng (tăng trích lập dự phòng rủi ro) để xử lý nợ xấu. Qua đó dự kiến chất lượng tài sản toàn ngành được duy trì ổn định trong năm 2024 so với 2023, nhất là sau khi quy định về tái cơ cấu nợ trong Thông tư 02 đã được gia hạn đến hết năm.

Ở góc nhìn thận trọng hơn, nhóm phân tích SSH Research cho rằng áp lực nợ xấu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong 2024 khi đã bị trì hoãn ghi nhận, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm. Theo đó, SSI Research dự báo hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/kbsv-cac-ngan-hang-dang-dung-nguon-trich-lap-tu-giai-doan-truoc-de-xu-ly-no-xau-ap-luc-trich-lap-tuong-lai-van-lon.html