Kè biển và những nỗi lo
Trước khi HĐND tỉnh khóa X tổ chức kỳ họp bất thường lần 5 hơn 10 ngày thì tại thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết, biển cuồng nộ cuốn thêm hơn 2 ha đất ven bờ nữa. Nơi này bị biển xâm thực không có gì lạ, vì điều đó đã diễn ra 10 năm qua và cứ đến mùa bấc lại bị mất đất nhưng cũng tùy năm, đất bị mất nhiều hay ít. Chính người dân ở đây lý giải cho sự xâm thực chớp nhoáng đó của năm nay có thể là do tác động của 1 công ty khi thực hiện dự án lấn biển, sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị tại phường Đức Long, tức kề bên Tiến Đức. Càng ngày người ta càng thấm hơn sự tác động vào thiên nhiên, nhất là ở biển, khi không lường hết mọi yếu tố đan xen trong môi trường với việc xây dựng các công trình. Vì thế, việc xây dựng những kè chắn sóng, kè giảm sóng cũng được cân nhắc rất kỹ. Trong kỳ họp này có 4 dự án kè biển ở Hàm Tiến, Thanh Hải (TP.Phan Thiết), Liên Hương (Tuy Phong), Phước Lộc (La Gi) được thông qua và sẽ triển khai xây dựng vào cuối năm nay. Đó là lý do, một số đại biểu có nhiều trăn trở.
Kè biển và những nỗi lo
Chắn sóng hay giảm sóng?
Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện đặt vấn đề, thiên nhiên ngàn năm đã sẵn vậy nên việc tác động, can thiệp vào như xây dựng kè biển nhưng chưa dự tính hết các giải pháp kỹ thuật để lường đón các biến động của các yếu tố như dòng chảy, thủy triều, địa hình…thì chắc chắn che chắn chỗ này sẽ gây xói lở chỗ khác. Cách đây không lâu, Tỉnh ủy có chỉ đạo làm một cuộc hội thảo về nội dung này. Và tinh thần của cuộc hội thảo đã phân tích với mặt nghiêng về làm kè giảm sóng hơn. Vì kè bờ chắc chắn nên sóng tràn bờ sẽ cuộn từng ngày gây xói dưới đáy ở nơi khác. Còn kè giảm sóng, tương tự như chúng ta sẽ thắng xe dần dần khi gần về đích nên sẽ giảm tác hại sau đó.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng chính kè giảm sóng ngoài biển mới khiến dòng chảy thay đổi mạnh tác động đến những vùng khác. Tất nhiên, ai cũng có lý lẽ bảo vệ cho lập luận của mình và khó biết đúng sai cụ thể khi chính biển vốn chứa đựng những yếu tố khó lường.
Phải bảo vệ cả vùng lân cận
Xuất phát từ suy nghĩ trên, đại biểu Nguyễn Toàn Thiện cho rằng, trong các dự án xây kè, ở phần Mục đích có nên nói thêm cụm từ “bảo vệ vùng lân cận” không. Vì thực tế, xây dựng các kè biển mang tính chất như giải quyết hậu quả của quá khứ, tạo mầm hậu họa cho tương lai, và chính vùng lân cận là chịu ảnh hưởng nặng nhất, bằng chứng vùng biển ở Tiến Đức, Tiến Thành là một ví dụ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Phước thông tin rằng Bình Thuận có 192 km bờ biển thì đã có 167 km đã được quy hoạch cần bảo vệ. Lâu nay, tỉnh đã xây dựng khoảng 11 km kè biển ổn định và có công trình kè biển đã trên 10 năm chưa xảy ra vấn đề gì. Riêng một số nơi bị sạt lở là do doanh nghiệp tự xây dựng kè biển chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Vì vậy, nếu có giải pháp kỹ thuật đúng thì việc xây dựng kè đến đâu sẽ bảo vệ bờ biển đến đó và cũng bảo vệ cả vùng lân cận.
Đại biểu Hồ Trung Phước phân tích rõ thêm vấn đề rằng, việc bờ biển bị xói lở rất phức tạp, vì do nhiều nguyên nhân như dòng chảy, thủy triều, nước biển dâng, do con người và cả do yếu tố môi trường. Vì vậy, một khi tính toán hết các yếu tố trên thì việc xây kè biển chắc chắn bảo vệ vùng biển tại dự án và cả vùng lân cận.
Đồng quan điểm với đại biểu Phước, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh việc làm kè không chỉ bảo vệ đường bờ mà còn phải có trách nhiệm bảo vệ vùng lân cận. Vì vậy, phải tính toán kỹ, phải tầm soát hợp lý để bảo vệ vùng lân cận. Qua đó, tuyên truyền để cộng đồng dân cư vùng lân cận hiểu đúng về điều đó, tránh gây tâm lý bất an. Vì vậy, trong dự án xây kè, bỏ vùng lân cận là điều không được phép, mà phải bảo vệ luôn cả vùng lân cận.
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/ke-bien-va-nhung-noi-lo-127317.html