Kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9 đồng ý nhận tội
Ngày 31/7, theo thông báo từ Lầu Năm Góc, kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9, Khalid Sheikh Mohammad, cùng 2 đồng phạm đã đồng ý nhận tội với công tố viên Mỹ, để tránh bị án tử hình.
Lầu Năm Góc thông báo, Khalid Sheikh Mohammed, 59 tuổi, cùng hai đồng phạm Walid bin Attash, 46 tuổi và Mustafa al-Hawsawi, 55 tuổi, đã nhận tội trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ sau 21 năm bị giam giữ tại Guantanamo. Đổi lại, họ sẽ nhận án chung thân thay vì đối mặt với án tử hình nếu bị xét xử.
Các điều khoản chi tiết của thỏa thuận giữa những kẻ phạm tội và công tố viên vẫn chưa được công bố, nhưng dự kiến sẽ được thông báo vào tuần tới.
Khalid Sheikh Mohammed, một trong những cánh tay phải tin cẩn nhất của Osama bin Laden, đã bị bắt giữ tại Pakistan vào năm 2003. Hắn thừa nhận đã trực tiếp tham gia vào nhiều vụ tấn công khủng bố đẫm máu, bao gồm vụ chặt đầu nhà báo Mỹ Daniel Pearl và vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993.
Sau khi bị giam giữ trong các nhà giam bị mật của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Mohammed đã được chuyển đến nhà tù Vịnh Guantanamo.
Ramzi bin al-Shibh, còn được biết đến với biệt danh Ramzi bin Attash, bị cáo buộc đã đào tạo các phi công không tặc thực hiện vụ tấn công ngày 11/9. Hắn cũng thừa nhận đã tham gia vào vụ đánh bom tàu khu trục USS Cole. Ramzi bin al-Shibh bị bắt tại Pakistan và sau đó bị chuyển đến Guantanamo.
Mustafa al-Hawsawi, được coi là "kế toán" cho vụ tấn công 11/9, đã bị bắt giữ tại Pakistan cùng thời điểm với Mohammed và Bin Attash. Tên này chịu trách nhiệm quản lý tài chính cho các hoạt động khủng bố của al-Qaeda.
Theo tờ New York Times, trong một lá thư gửi gia đình các nạn nhân vụ tấn công khủng bố 11/9, Chuẩn đô đốc Aaron Rugh, công tố viên trưởng của vụ án, cho biết ba bị cáo đã thừa nhận toàn bộ tội danh, bao gồm cả tội giết hại 2.976 người. Để tránh án tử hình, các bị cáo đã đồng ý hợp tác với cơ quan điều tra.
Việc truy tố các nghi phạm khủng bố tại Vịnh Guantanamo đã bị trì hoãn suốt 16 năm qua, chủ yếu do những tranh cãi pháp lý liên quan đến tính hợp pháp của các bằng chứng thu được.
Trong ngày định mệnh 11/9/2001, nước Mỹ chấn động trước loạt khủng bố tàn khốc. Bốn chiếc máy bay dân dụng bị cướp bởi các phần tử khủng bố, biến thành những quả bom bay thẳng vào các mục tiêu trọng yếu. Hai tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York sụp đổ trong biển lửa, cuốn theo gần 3.000 sinh mạng.
Lầu Năm Góc, biểu tượng quyền lực của nước Mỹ, cũng hứng chịu một đòn chí mạng. Chiếc máy bay bị cướp thứ tư đã rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville, Pennsylvania, sau khi hành khách cố gắng đột nhập vào buồng lái.