Kể chuyện 'Cùng nhau giữ nước' tại Hoàng thành Thăng Long

Diễn ra vào tối 18/11 tới đây, chương trình gồm các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, kết hợp giữa công nghệ trình chiếu 3D mapping hiện đại, âm thanh surround cao cấp, ánh sáng laser… và trình diễn thực cảnh.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024); 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, UBND Thành phố Hà Nội giao Trung tâm PT-TH Quân đội và các cơ quan, đơn vị tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp chính luận nghệ thuật với tên gọi “Cùng nhau giữ nước”.

Đại tá Phạm Văn Tú - Phó Giám đốc Trung tâm PT-TH Quân đội, thông tin về chương trình chính luận nghệ thuật "Cùng nhau giữ nước"

Đại tá Phạm Văn Tú - Phó Giám đốc Trung tâm PT-TH Quân đội, thông tin về chương trình chính luận nghệ thuật "Cùng nhau giữ nước"

Đại tá Phạm Văn Tú - Phó Giám đốc Trung tâm PT-TH Quân đội, cho biết chương trình diễn ra vào 20 giờ ngày 18/11 (Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc) tại Hoàng thành Thăng Long; được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, tiếp sóng trên các kênh truyền hình Trung ương, địa phương và trên các hạ tầng truyền thông internet…

Chương trình có 3.000 khán giả tham dự, gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội và người dân.

“Đây là một chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là một hoạt động sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống, lịch sử, giúp khán giả cả nước được trải nghiệm một hành trình đầy gian khó nhưng rất đỗi tự hào và vinh quang của dân tộc Việt Nam”, Đại tá Phạm Văn Tú nhấn mạnh.

Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí giới thiệu chương trình "Cùng nhau giữ nước" do Trung tâm PT-TH Quân đội tổ chức, chiều 13/11.

Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí giới thiệu chương trình "Cùng nhau giữ nước" do Trung tâm PT-TH Quân đội tổ chức, chiều 13/11.

Đại tá Phạm Văn Tú cho biết, ý tưởng xây dựng chương trình bắt nguồn từ câu chuyện lịch sử quan trọng. Trước ngày diễn ra sự kiện tiếp quản Thủ đô, vào sáng 19/9/1954, sau khi thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp lịch sử với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong tại sân Đền Giếng. Bác Hồ đã nói chuyện, giao nhiệm vụ cho cán bộ chiến sĩ Đại đoàn về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Kết thúc buổi nói chuyện, Bác căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của Người đối với Đại đoàn Quân Tiên phong là lời hịch của non sông đã in đậm trong tâm trí của mọi thế hệ người dân, thể hiện tư tưởng lớn của bậc vĩ nhân về dựng nước và giữ nước; khẳng định một chân lý tồn tại muôn đời của dân tộc Việt Nam là dựng nước phải đi đôi với giữ nước.

Từ câu chuyện lịch sử này, chương trình là lời nhắc nhớ và tri ân của thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh anh dũng, quật cường của bao thế hệ ông cha, để cho đất nước ta “nở hoa độc lập, kết trái tự do”.

Video giới thiệu chương trình chính luận nghệ thuật "Cùng nhau giữ nước".

“Từ truyền thống anh dũng, kiên trung và đại đoàn kết toàn dân tộc, đất nước ta đang phát huy cao độ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vươn lên, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với nhiều thành tựu vượt bậc, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, tạo sự đồng thuận cao, vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, Đại tá Phạm Văn Tú nói.

Chương trình quy tụ gần 500 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và khoảng 200 diễn viên quần chúng trong và ngoài Quân đội với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, kết hợp giữa công nghệ trình chiếu 3D mapping hiện đại, âm thanh surround cao cấp (SoundScape), ánh sáng laser… và trình diễn thực cảnh.

“Các bạn trẻ hiện nay không phải quay lại với lịch sử mà là chúng ta chưa có cách truyền tải đúng. Vì vậy, chương trình cũng có những nhà tư vấn, chuyên gia về lịch sử đồng hành. Tôi hy vọng, công nghệ 3D mapping, công nghệ âm thanh mới nhất sẽ góp phần kể câu chuyện lịch sử đất nước sống động hơn, giúp các bạn trẻ dễ tiếp cận hơn với lịch sử”, Đại tá Phạm Văn Tú chia sẻ.

Nguyễn Minh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ke-chuyen-cung-nhau-giu-nuoc-tai-hoang-thanh-thang-long-post1691260.tpo