'Kê đơn', 'bốc thuốc' cho bài toán hạ tầng giao thông

'Bệnh' đã có; 'phòng bệnh' và 'bốc thuốc' thế nào để không chỉ chữa khỏi mà còn không bị 'bệnh' về vấn đề giao thông; cụ thể là câu chuyện hạ tầng giao thông (đường, bến đậu) vẫn quá ít so với tốc độ đô thị hóa và gia tăng xe cơ giới (ô tô, xe máy) là vấn đề khó nhưng cũng cần phải có lời giải.

Bất cập đã quá rõ

Tại Hà Nội, hiện tỷ lệ đất dành cho giao thông (với hệ thống đường bộ, giao thông tĩnh) còn thấp so với quy chuẩn với đô thị lớn nhất là đô thị đặc biệt. Chẳng hạn, với Hà Nội cần 20 - 25% diện tích đất xây dựng đô thị trung tâm dành cho diện tích đất giao thông, nhưng đến nay mới chỉ đạt gần 12%. Riêng về giao thông tĩnh cần 3 - 4% diện tích, song đến nay chỉ đạt 0,4%.

Đáng lo ngại nhất là vận tải hành khách công cộng chưa thu hút người dân. Đây là một trong những căn nguyên trực tiếp góp phần gia tăng áp lực về giao thông. Dễ thấy nhất, hiện Hà Nội cần đạt 30 - 35% nhu cầu đi lại trong đô thị trung tâm, song đến nay, dù đã có nhiều loại hình giao thông công cộng song mới chỉ đạt 20% nhu cầu.

Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong mở rộng và phát triển hạ tầng giao thông. Ảnh: Đinh Luyện

Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong mở rộng và phát triển hạ tầng giao thông. Ảnh: Đinh Luyện

Việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị được xem là xương sống của vận tải hành khách công cộng tại đô thị. Tuy nhiên, theo quy hoạch hiện nay, Thành phố Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị (9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh), với tổng chiều dài 417,8km. Song thực tế hiện nay mới chỉ hoàn thành được 13km (tuyến 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông) và đang thi công 12,5km (tuyến Nhổn - ga Hà Nội). Theo đó, để hoàn thành được 404,8km còn lại trong 12 năm tới (đến năm 2035), kinh phí cần bố trí thực hiện là khoảng 37 tỷ USD (tương đương khoảng 850 nghìn tỷ đồng). Ngoài ra, một tồn tại khác là cơ cấu phương tiện giao thông chưa hợp lý, phương tiện giao thông cá nhân tăng quá mức dự kiến. Ví dụ, Hà Nội năm 2018 chỉ có 5,5 triệu xe máy, 60 vạn ô tô, thì sau 5 năm đã tăng tới gần 7 triệu xe máy và 1 triệu ô tô (chưa kể tới xe ngoại tỉnh vào Hà Nội).

Tại Hội thảo “Giải bài toán phát triển giao thông đô thị” tổ chức mới đây, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cũng chỉ ra, hiện Hà Nội chưa có chính sách đặc thù để thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng mạng đường giao thông, bến, bãi đỗ xe... Chưa áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực để tạo hiệu lực trong quản lý, trong thanh tra, xử lý vi phạm. Đây là những vấn đề cần phải quan tâm và xử lý.

Định hình phát triển đô thị bền vững

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong giai đoạn tới với định hướng tốc độ đô thị hóa cao và hội nhập sẽ tiếp tục tạo sức ép lớn về phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường. Để thực hiện mục tiêu, một trong những đột phá là tiếp tục phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng với trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, nhất là với các đô thị lớn và liên kết vùng.

Hiến kế để giao thông phát triển bền vững, ngoài hệ thống các dự án hiện nay, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần phải giải quyết nhiều vấn đề để giảm ùn tắc.

Ùn tắc giao thông đang là một trong những vấn đề nan giải mà Hà Nội phải đối mặt và giải quyết. Ảnh: Đinh Luyện

Ùn tắc giao thông đang là một trong những vấn đề nan giải mà Hà Nội phải đối mặt và giải quyết. Ảnh: Đinh Luyện

Giải pháp thứ nhất là phát triển mạnh kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, nâng cấp các trục đường chính (hướng tâm, xuyên tâm, vành đai, tiếp tuyến - trên cao, mặt đất, ngầm); xây dựng cầu vượt, đường ngầm ở các ngã tư; sớm xóa các điểm đen giao thông, mở rộng, khai thông các cửa ngõ thành phố. Hiện đại hóa mạng lưới thông tin tín hiệu, tiến tới nghiên cứu thiết lập hệ thống giao thông thông minh.

Giải pháp thứ hai là cần hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng. Đây là bài toán phức tạp và vô cùng tốn kém nhưng không thể không làm.

Giải pháp thứ ba là quy hoạch kiến trúc đô thị phải gắn liền với giao thông. Cụ thể, phải giãn dân ra các đô thị vệ tinh, hạn chế xây nhà cao tầng ở khu lõi đô thị để giảm áp lực dân số trên nguyên tắc mật độ dân cư phải tương thích với hạ tầng và giao thông công cộng.

Giải pháp thứ tư là nâng cao chất lượng, tính nghiêm minh và hiệu quả các chính sách điều hành, tổ chức giao thông của cơ quan chức năng. Công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, chính sách phát triển giao thông đô thị cần đi vào thực chất, có trọng tâm, khoa học và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là một trong những tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai thực hiện chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025 là hết sức cần thiết. Đáng chú ý, mục tiêu tổng quát của chương trình là “Huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đảm bảo giao thông vận tải thủ đô Hà Nội thuận lợi, an toàn, chất lượng, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, văn minh, hiện đại”.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ke-don-boc-thuoc-cho-bai-toan-ha-tang-giao-thong-171462.html