'Kê đơn, chẩn trị' bệnh lãng phí!

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Người chỉ rõ: 'Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...'. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, về chống tham ô, tham nhũng, lãng phí là cơ sở khoa học để Đảng ta vận dụng trong chỉ đạo.

"Trị bệnh" lãng phí, phát huy nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước. Ảnh: Hoàng Triều

"Trị bệnh" lãng phí, phát huy nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước. Ảnh: Hoàng Triều

Từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới đến nay, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được chú trọng. Đại hội lần thứ VI khi đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, xác định tiết kiệm là chính sách lớn trong hoạt động sản xuất, xây dựng và tiêu dùng xã hội. Vào tháng 8/2006, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nghị quyết nêu trên tiếp tục được chỉ đạo thực hiện thông qua Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI vào tháng 5/2012. Gần đây, Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và năm 2013. Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ năm 2024 mới đây cũng ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, xác định rõ nhiệm vụ đối với từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, đề ra giải pháp để các bộ, ngành, cơ quan và địa phương xây dựng kế hoạch hành động…

Kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí góp phần đưa công cuộc đổi mới nước ta đạt nhiều thành tựu. Thời gian qua, theo tinh thần không có vùng cấm, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện mạnh mẽ, mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế, dù có nhiều quy định cụ thể, việc tiết kiệm, phòng, chống lãng phí còn thực hành chưa nghiêm, lãng phí vẫn phổ biến, gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng kinh tế-xã hội. Đáng nói là tài sản bị thất thoát do tham nhũng có thể thu hồi, nhưng lãng phí xảy ra thì thời gian, tiền của, cơ hội, nguồn lực… mất đi không thể thu hồi được.

Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, nhiều nhiệm vụ mới khẩn trương, cấp bách được đặt ra đối với công tác phòng, chống lãng phí. Đây là lý do trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vạch rõ các dạng thức của lãng phí nổi lên gay gắt như: Thất thoát, lãng phí các nguồn lực do chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà; lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước; lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công; lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng…

Tác giả bài viết nhìn nhận thẳng thắn nguyên nhân lãng phí, trên cơ sở đó đưa ra bốn giải pháp trọng tâm gồm: thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp, là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp, có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công; tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước; xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”…

Có thể nói, với bài viết này, người đứng đầu Đảng ta đã “bắt mạch”, “kê đơn”, đề ra giải pháp cấp thiết “chẩn trị” bệnh lãng phí. Cùng nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa ban hành, bài viết mang tính chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước góp phần làm sáng tỏ chủ trương, biện pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước về phòng, chống lãng phí, nhất là coi tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành văn hóa, thói quen, nếp sống, tạo nền tảng thực hiện hiệu quả trong toàn hệ thống chính trị.

(Theo nhandan.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/dien-dan/202410/ke-don-chan-tri-benh-lang-phi-1024219/