'Kê đơn' chính xác, mục tiêu phát triển KTXH khả thi

Ý kiến của các doanh nghiệp và người dân phản ánh qua Báo Điện tử Chính phủ đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội cũng như đồng tình, tin tưởng với những mục tiêu, giải pháp Chính phủ đề ra.

Tại phiên họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ý kiến của cử tri, người dân, doanh nghiệp đã có các góc nhìn về Báo cáo của Chính phủ, đồng thời cùng chung nhận định, niềm tin vào những việc đã và sẽ triển khai thời gian tới.

Doanh nghiệp và người dân đồng tình, đánh giá cao kết quả điều hành KTXH

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội

Nhìn nhận về báo cáo này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, Chính phủ đã "kê đơn" tương đối chính xác cho tình hình năm 2024 và quý I/2025. Theo đó, ông tâm đắc với một số điểm chính. Đó là, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì. Chất lượng tăng trưởng cải thiện với chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mạnh.

Ông nhìn nhận, thành quả ổn định vĩ mô đáng ghi nhận, đồng thời, cho rằng sức chống chịu của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn yếu. Điều này càng làm nổi bật yêu cầu về phát triển doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, như tinh thần Nghị quyết 68 mà Bộ Chính trị vừa ban hành.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn

Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025 là tham vọng và đầy thách thức, nhưng với sự quyết tâm của Chính phủ và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, cùng với các giải pháp đồng bộ như hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực đầu tư và cải cách môi trường kinh doanh, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.

Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Vietjet có chung nhận định, dưới sự lãnh đạo quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo, Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và cộng đồng quốc tế vào triển vọng phát triển của Việt Nam.

"Tôi đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ mà đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong lĩnh vực đầu tư công", ông Quang nói. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng, trọng điểm với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "3 ca, 4 kíp", "xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, Tết".

Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Vietjet

Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Vietjet

Ông góp ý, để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, Chính phủ cần chú trọng hơn nữa vào việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt là Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Việc hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng dự án này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực logistics và vận tải hàng không.

Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư vào hạ tầng logistics, bao gồm hệ thống cảng biển, kho bãi, trung tâm logistics và mạng lưới giao thông kết nối, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Việc phát triển hạ tầng logistics hiện đại sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy xuất khẩu.

"Chính phủ cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định để thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là vào các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo và công nghiệp hỗ trợ", ông Quang góp ý.

Làm thật, làm đến cùng, không nửa vời

Quan tâm nhiều đến các giải pháp phát triển KTXH, Luật sư Phan Xuân Quý, Giám đốc tư vấn thuế và giao dịch, Công ty Mahata cho rằng, Báo cáo về kinh tế - xã hội do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày trước Quốc hội đã xác định rõ 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Các nhóm nhiệm vụ này được trình bày một cách cụ thể, rõ ràng và mạch lạc, làm cơ sở để các bộ, ngành và địa phương xây dựng các kế hoạch hành động phù hợp trong từng lĩnh vực.

Luật sư Phan Xuân Quý, Giám đốc tư vấn thuế và giao dịch, Công ty Mahata

Luật sư Phan Xuân Quý, Giám đốc tư vấn thuế và giao dịch, Công ty Mahata

"Tôi đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng vào nhóm nhiệm vụ thứ ba, liên quan đến cải cách sâu rộng công tác quản trị nhà nước và hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị, với tinh thần "không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để", Luật sư Phan Xuân Quý bày tỏ .

Dưới góc độ luật sư, ông Quý đánh giá cao Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chiến lược này là một bước tiến quan trọng hướng tới hiện đại hóa toàn diện ngành thuế Việt Nam. Việc thực hiện thành công chiến lược này sẽ không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, mà còn tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong dài hạn.

"Những kết quả tích cực đạt được trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 đã cho thấy rõ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và hiệu quả của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo và hành động vì lợi ích quốc gia, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công hơn nữa trên con đường phát triển bền vững và thịnh vượng", Luật sư Phan Xuân Quý nói.

Ông Võ Tấn Dũng, nhà sáng chế công nghệ tuyển rửa cát tại Cần Thơ

Ông Võ Tấn Dũng, nhà sáng chế công nghệ tuyển rửa cát tại Cần Thơ

Dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Võ Tấn Dũng, nhà sáng chế công nghệ tuyển rửa cát (phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, Chính phủ đã có những quyết sách lớn, kịp thời ứng phó để người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh trên tinh thần "làm thật", góp phần vào phát triển kinh tế xã hội.

Chính phủ đã và đang tạo cơ chế, chính sách tốt nhất, nhanh nhất để kiến tạo cho doanh nghiệp và người dân yên tâm đầu tư, làm ăn.

"Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chủ động, quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp; chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các chính sách, giải pháp toàn diện trên tất cả các lĩnh vực để doanh nghiệp phát triển", ông Võ Tấn Dũng bày tỏ.

Niềm tin vững chắc vào khả năng hoàn thành mục tiêu cả năm 2025

Ý kiến của cử tri và người dân ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ "nút thắt" "điểm nghẽn" để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025.

Ông Lê Văn Lộc, cán bộ hưu trí Phường. Linh Đông, TP. Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

Ông Lê Văn Lộc, cán bộ hưu trí Phường. Linh Đông, TP. Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

Ông Lê Văn Lộc, cán bộ hưu trí Phường. Linh Đông, TP. Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm bứt phá trong kỷ nguyên mới.

"Tôi đánh giá cao sự quyết đoán và tầm nhìn chiến lược của Chính phủ trong bối cảnh có nhiều thách thức đang đặt ra cả trong và ngoài nước. Các mục tiêu đề ra cho thấy khát vọng phát triển mạnh mẽ và tinh thần không tự mãn với thành tựu hiện tại. Việc đề cập đến những nhóm giải pháp cụ thể, từ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy đầu tư công, phát triển thị trường vốn, đến chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo… cho thấy Chính phủ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và toàn diện", ông Lộc nói. Ông tin tưởng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên năm 2025 sẽ đạt được.

Cùng chung nhận định, cử tri Trần Thanh Trình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Ngoại thương (tại Đà Nẵng) cho rằng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung cao độ, điều hành quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Trần Thanh Trình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Ngoại thương

Ông Trần Thanh Trình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Ngoại thương

Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả khả quan. Tăng trưởng GDP đang bám sát mục tiêu với kết quả quý I đạt 6,93% – mức cao nhất từ năm 2020 đến nay. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Hệ thống chính sách pháp luật được đổi mới với nhiều đột phá. Cải cách hành chính, chuyển đổi số được thúc đẩy toàn diện.

Các công trình trọng điểm quốc gia được triển khai với tinh thần quyết liệt, không để chậm tiến độ. Tinh thần làm việc "3 ca 4 kíp", "chỉ bàn làm, không bàn lùi" đã lan tỏa mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị, ông Trần Thanh Trình nói.

"Đặc biệt, chúng ta đã thể hiện bản lĩnh, sự chủ động và linh hoạt trong đối phó với các tác động từ chính sách thuế mới của Hoa Kỳ. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên được phía Hoa Kỳ đồng ý tiến hành đàm phán, cho thấy uy tín và năng lực ứng phó của chúng ta trong tình hình mới".

Chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được triển khai sâu rộng, với rất nhiều gia đình khó khăn được thụ hưởng. Chỉ số hạnh phúc quốc gia tăng 8 bậc, cho thấy chất lượng sống của người dân được cải thiện rõ nét.

"Với kết quả tích cực và toàn diện về kinh tế - xã hội của nước ta trong 4 tháng đầu năm, cho thấy niềm tin vững chắc vào khả năng hoàn thành mục tiêu cả năm 2025. Tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình quốc tế, nhất là chính sách của các nước lớn, để chủ động ứng phó hiệu quả với những "cú sốc" từ bên ngoài và giữ vững đà phát triển trong thời gian tới", ông Trình bày tỏ.

Thanh Thủy – Minh Anh - Lê Sơn – Nhật Anh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/ke-don-chinh-xac-muc-tieu-phat-trien-ktxh-kha-thi-102250507191552116.htm