Kế hoạch B của Nga ở Syria đã sẵn sàng, giải pháp chính trị mới sẽ làm thay đổi cục diện?
Động thái ngoại giao mới của Nga trước cuộc bầu cử Mỹ củng cố quan điểm rằng Nga đã bắt đầu đặt nền móng cho một giải pháp chính trị ở Syria. Điều này cho thấy, Nga đã chuyển sang kế hoạch B tại quốc gia Trung Đông này.
Theo Asharq Al-Awsat, chuyến công du gần đây đến Damascus của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã làm dấy lên suy đoán Moscow đang tìm kiếm một giải pháp chính trị ở Syria và điều này sẽ giúp họ gặt hái được nhiều thành quả.
Ngày 7/9/2020, một phái đoàn cấp cao của Nga đã đến thăm Damascus và gặp gỡ các quan chức của chính quyền ông Assad. Chuyến thăm này khác với chuyến thăm trước đó theo hai khía cạnh.
Trước hết, phái đoàn Nga, do ông Sergey Lavrov đứng đầu có ảnh hưởng lớn về khía cạnh kinh tế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa khía cạnh chính trị bị bỏ qua trong chuyến thăm này.
Thứ hai chính nằm ở việc đón tiếp thờ ơ của chính quyền ông Assad. Điều này khác với những chuyến thăm trước và điều này đặt trong bối cảnh chính quyền ông Assad có nhiều điều không hài lòng với các đề xuất của Nga.
Chuyến thăm diễn ra trước cuộc họp tại Doha, Qatar, nơi có sự góp mặt của Đặc phái viên Nga tại Syria, Mikhail Bogdanov, cùng với cựu lãnh đạo Liên minh Quốc gia Các lực lượng Cách mạng và Đối lập Syria, Moaz al- Khatib, người nổi tiếng là thân thiết với người Nga.
Chuyến thăm diễn ra trước khi triển khai việc ký thỏa thuận chính trị giữa lãnh đạo của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), trung thành với Hội đồng Dân chủ Syria (SDC), do Ilham Ahmed đứng đầu và người đứng đầu Đảng Ý chí Nhân dân, Qadri Jamil, người cũng thân với người Nga.
Có thông báo cho rằng Ahmed Jarba, cựu chủ tịch của Liên minh Quốc gia Syria và là Chủ tịch hiện tại của Phong trào Ngày mai, sẽ thăm Moscow vào thứ Sáu tới. Ngày 28/7/2020, ông Jarba nhắc đến việc thành lập cái gọi là Mặt trận Hòa bình và Tự do. Mặt trận mới bao gồm Tổ chức Dân chủ Assyria, Hội đồng Quốc gia người Kurd, Phong trào al-Ghad (Phong trào Ngày mai) của Syria do ông Jarba và các đồng minh của ông đứng đầu. Đáng chú ý, tất cả các nhân vật này đều có quan hệ mật thiết với đảng Liên minh Dân chủ.
Cũng có tin đồn về sự ủng hộ của Nga với cuộc đối thoại nội bộ người Kurd.
Phong trào chính trị và ngoại giao của Nga trước cuộc bầu cử Mỹ củng cố quan điểm rằng Nga đã bắt đầu đặt nền móng cho một giải pháp chính trị, đặc biệt là sau khi Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố chấm dứt các hoạt động quân sự với phe đối lập Syria, điều này cho thấy, Nga đã chuyển sang kế hoạch B.
Với Nga, giải pháp chính trị cho quốc gia Trung Đông này có thể gồm nhiều bước. Mặc dù các chi tiết của giải pháp này vẫn chưa được biết, nhưng việc bảo toàn cấu trúc của thể chế chính quyền và xương sống của nó là đặc điểm nổi bật nhất của giải pháp.
Ngoài ra, Nga cần một đảng đối lập khác giúp đưa giải pháp này vào thực tế.
Do đó, trong những tuần tới có thể chứng kiến một phong trào hoặc một tổ chức có thể giúp Moscow đưa chiến lược của mình vào thực tế. Và có lẽ điểm nổi bật nhất trong tầm nhìn của Nga là sự hợp tác của Moscow với chính quyền Syria trong chính phủ chuyển tiếp và tạo nên sự đoàn kết dân tộc sau cuộc bầu cử ở Syria vào mùa xuân năm sau.
Thách thức lớn nhất mà kế hoạch của Nga phải đối mặt là việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho SDF tham dự phong trào. Điều này có nghĩa Nga phải tìm ra các giải pháp, dù là tạm thời, để làm hài lòng cả hai bên.
Các phong trào và các nhóm có quan điểm chính trị với sự gắn kết khác nhau. Vậy mục tiêu của Moscow khi kết hợp chúng lại thành một cơ quan chính trị duy nhất là gì? Có lẽ điều mà người Nga muốn là giành được sự ủng hộ của những người hậu thuẫn cho các lực lượng này, đặc biệt là các quốc gia vùng Vịnh ủng hộ cả Khatib và Jarba.
Nếu nỗ lực của Matxcơva thành công, chúng ta sẽ chứng kiến những liên kết chính trị mới, với khả năng xảy ra những khác biệt nội bộ mới.