Kế hoạch cải cách kinh tế giảm phụ thuộc vào dầu mỏ của Arập Xê Út đang ở đâu?

8 năm sau khi Thái tử Mohammed bin Salman công bố Tầm nhìn 2030, kế hoạch chi tiết cho thời kỳ hậu dầu mỏ, sự chậm trễ và việc cắt giảm với kế hoạch cải tổ hàng nghìn tỷ đô la đang gây áp lực tài chính cho vương quốc.

Kế hoạch Tầm nhìn 2030 đang phải đối mặt với nhiều thử thách và hiện đang được điều chỉnh. Ảnh Reuters

Kế hoạch Tầm nhìn 2030 đang phải đối mặt với nhiều thử thách và hiện đang được điều chỉnh. Ảnh Reuters

Với mức thâm hụt ngân sách trong 6 quý liên tiếp, Arập Xê Út đã trở thành quốc gia phát hành nợ quốc tế lớn nhất tại các thị trường mới nổi. Và quyết định cắt giảm sản lượng dầu của họ với các thành viên OPEC+ khác vào năm 2023 đã không giúp tăng doanh thu xuất khẩu.

Doanh thu dầu mỏ

Thu nhập từ dầu mỏ của quốc gia vùng Vịnh này đã giảm khoảng 1/3 so với mức của năm 2022, khi dầu thô Brent đạt trung bình gần 100 USD/thùng do xung đột tại Ukraine. Điều này đang đè nặng lên sự ổn định kinh tế của vương quốc khi nước này liên tục chi tiêu cho các dự án khổng lồ của Hoàng tử Mohammed, bao gồm mọi thứ từ thành phố mới Neom đến các khu du lịch, giải bóng đá và đầu tư vào AI.

Jean-Michel Saliba, chuyên gia kinh tế Trung Đông và Bắc Phi của Bank of America Corp., cho biết: “Tầm nhìn 2030 đang phải đối mặt với nhiều thử thách và hiện đang được điều chỉnh”. “Đó là dấu hiệu của sự hoàn thiện. Tôi không nghĩ đó là dấu hiệu cho thấy tầm nhìn đang bị chệch hướng”.

Goldman Sachs Group Inc. nhận định điểm rủi ro chủ quyền (sovereign-risk score) của Arập Xê Út - một thước đo có tính đến các số liệu tài chính và quản trị - xếp sau Israel trong số các thị trường mới nổi trong nửa đầu năm nay. Bảng xếp hạng của Morgan Stanley vào tháng 6 cũng đưa ra kết luận tương tự, xếp vương quốc này vào danh sách “những quốc gia tụt hậu”.

Chi phí cao

Justin Alexander, giám đốc của Khalij Economics và là nhà phân tích của công ty tư vấn GlobalSource Partners, cho biết: “Mối quan tâm lớn nhất của tôi là việc tăng chi phí dẫn đến thâm hụt đáng kể và mang tính cơ cấu, thay vì tạm thời hoặc theo chu kỳ”.

Nợ gia tăng phản ánh những thay đổi trong cơ cấu tài chính của Saudi trong thập kỷ qua. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, mặc dù vẫn ở mức thấp so với tiêu chuẩn quốc tế nhưng tỷ lệ nợ công trên tổng sản lượng kinh tế đã tăng từ 1,5% vào năm 2014 và đang trên đà vượt quá 31% vào cuối thập kỷ này.

Alexander cho biết Arập Xê Út có thể bị giám sát chặt chẽ hơn trên thị trường trái phiếu và từ các công ty xếp hạng tín dụng, nếu tỷ lệ này “tăng nhanh hơn dự báo”.

Nợ công kỷ lục

Chính phủ và các thực thể khác của Saudi, bao gồm các ngân hàng, quỹ đầu tư tài sản và gã khổng lồ dầu mỏ Aramco, đã huy động được hơn 46 tỷ USD trái phiếu bằng đồng đô la và đồng euro trong năm nay. Điều đó có nghĩa Arập Xê Út đã thay thế Trung Quốc trở thành quốc gia phát hành trái phiếu nhiều nhất trên thị trường quốc tế, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Carla Slim, chuyên gia kinh tế của Standard Chartered Plc, cho biết: “Thâm hụt tài chính sẽ phải tiếp tục được tài trợ bằng cả việc phát hành trái phiếu Eurobond trong và ngoài nước”.

Tuy nhiên, chính phủ vẫn có sự linh hoạt - như đã thể hiện - để giảm hoặc trì hoãn các khoản đầu tư vào các dự án giga, theo Jim Krane, thành viên Viện Chính sách công Baker của Đại học Rice ở Houston.

Krane cho biết: “Vì không có phe đối lập chính trị nên việc thu hẹp quy mô hoặc thậm chí thay đổi đáng kể kế hoạch phát triển 10 năm cũng sẽ không gây thiệt hại lớn”.

Nợ phải trả tăng

Việc huy động vốn từ bên ngoài sẽ tương đối khó khăn khi Arập Xê Út tăng cường nhập khẩu. IMF dự báo số dư tài khoản vãng lai (current-account balance) - thước đo thương mại và đầu tư rộng nhất - sẽ giảm xuống gần như bằng 0 vào năm 2024 và chuyển sang thâm hụt từ năm sau, sau khi thặng dư ở mức 13% GDP vào năm 2022.

Theo Barclays, kết quả là “sự gia tăng chưa từng có” nợ nước ngoài của các ngân hàng Arập Xê Út, do vai trò ngày càng tăng trong việc cung cấp tiền tệ giúp đáp ứng nhu cầu tài chính trong nước.

Thanh khoản nội địa của các ngân hàng Saudi vẫn rất căng thẳng, được đo bằng lãi suất khi vay. Lãi suất chào bán liên ngân hàng của Saudi kỳ hạn ba tháng đã đạt mức trung bình kỷ lục hơn 6% trong năm nay.

IMF cho biết chính phủ Saudi cần giá dầu Brent ở mức gần 100 USD/thùng để cân bằng ngân sách, cao hơn khoảng 15 USD so với mức hiện tại. Bloomberg Economics ước tính mức giá hòa vốn là 109 USD/thùng, sau khi tính đến chi tiêu trong nước của Quỹ đầu tư công.

Đầu tư nước ngoài

Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trì trệ, ngoại trừ lĩnh vực dầu khí, khiến tham vọng của thái tử càng khó trở thành hiện thực.

Chính phủ muốn thu hút 100 tỷ USD vốn FDI hàng năm vào năm 2030, con số này lớn gấp ba lần so với mức họ từng đạt được. Theo dữ liệu của chính phủ, dòng vốn đạt khoảng 2,5 tỷ USD trong quý đầu tiên, chỉ bằng một phần nhỏ so với mục tiêu của năm nay.

Theo Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc, FDI chỉ đạt 12,3 tỷ USD vào năm 2023, thấp hơn 60% so với nước láng giềng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, một nền kinh tế với quy mô nhỏ hơn.

Tăng trưởng phi dầu mỏ – thước đo quan trọng đối với chính phủ – đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch coronavirus trong quý đầu tiên. Đó là một phần lý do khiến IMF gần đây đã hạ dự báo về mức tăng trưởng kinh tế chung của Arập Xê Út trong năm nay xuống còn 2,6%. Vào cuối năm 2023, nó được dự báo là 4%.

Các quan chức dự kiến chi tiêu tài chính vào khoảng 333 tỷ USD trong năm nay. Một sự suy giảm so với năm 2023.

Ngân sách của vương quốc sẽ chìm trong sắc đỏ trong nhiều năm tới, đồng nghĩa các tổ chức trong nước như PIF và Armaco sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong nhiều dự án giga.

Các nhà kinh tế Bloomberg nói gì...

“Trở ngại lớn nhất mà Arập Xê Út phải đối mặt là sự phụ thuộc không ngừng vào dầu mỏ. Mặc dù vương quốc này đã cố gắng nâng giá thông qua OPEC+ nhưng nguồn cung đến từ nơi khác đã cản trở nỗ lực đó. Các nhà chức trách cần quản lý chi tiêu để thúc đẩy nền kinh tế phát triển và mang lại đời sống hạnh phúc cho người dân, trong khi vẫn kiềm chế thâm hụt ngân sách”.

Đối mặt với những trở ngại và áp lực, thái tử dường như vẫn quyết tâm theo đuổi mục tiêu đã đề ra, ngay cả khi chúng có hình dạng khác.

Karen Young, học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, cho biết: “Sự chuyển đổi hiện đã được thể chế hóa”. “Quá trình đa dạng hóa quy mô lớn đang tiến triển tốt và tôi không thấy dấu hiệu của sự thụt lùi”.

Anh Thư

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ke-hoach-cai-cach-kinh-te-giam-phu-thuoc-vao-dau-mo-cua-arap-xe-ut-dang-o-dau-714776.html