'Kế hoạch chi tiết mới' cho khuôn khổ hợp tác khu vực

Cuối tuần này, lãnh đạo của các nước Trung Á sẽ tới thành phố Tây An, Trung Quốc để dự một Hội nghị Thượng đỉnh của khu vực. Tại đây, Chủ tịch Trung Quốc đã chuẩn bị một 'bài phát biểu quan trọng' và 6 nhà lãnh đạo dự kiến sẽ cùng ký một 'văn kiện chính trị' được cho là sẽ định hình khuôn khổ hợp tác mới giữa các nước.

Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdimuhamedov và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev đều sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 18 - 19.5, tại thành phố Tây An, Trung Quốc.

Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc-Trung Á ngày 28.4 tại Tây An. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc-Trung Á ngày 28.4 tại Tây An. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 8.5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân gọi cuộc họp là “một trong hai sự kiện ngoại giao lớn nhất mà Trung Quốc tổ chức trong năm nay”, bên cạnh Diễn đàn cao cấp hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba. Đây cũng sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các nước Trung Á sau khi các bên nhất trí thiết lập cơ chế gặp gỡ nguyên thủ quốc gia với việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh 2 năm/lần tại hội nghị lần thứ ba hồi tháng 6.2022. Mặc dù Tổng thống các nước Trung Á không còn xa lạ gì với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng trước kia khi họ gặp gỡ trực tiếp, thường đó là trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) với sự hiện diện của cả nhà lãnh đạo Nga và một số quan chức nước khác.

Năm 2020, Trung Quốc lần đầu tiên ra mắt khuôn khổ hội nghị 5+1 (5 nước Trung Á và Trung Quốc) với cuộc họp trực tuyến. Hội nghị Thượng đỉnh gần đây nhất cũng diễn ra bằng hình thức trực tuyến vào tháng 1.2022. Nhà bình luận chính trị Umida Hashimova của The Diplomat vào năm 2020 đã viết rằng cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo Trung Quốc và các đồng nhiệm Trung Á đánh dấu một “sự nâng cấp suôn sẻ từ các mối quan hệ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế trong khu vực sang các mối quan hệ có màu sắc chính trị”.

Tầm nhìn địa chính trị của Bắc Kinh

Vai trò của Trung Quốc ở Trung Á từ lâu đã trở thành một chủ đề nóng trong các cuộc thảo luận địa chính trị và Trung Á cũng là nơi Bắc Kinh khởi xướng sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Cách đây đúng 10 năm, Chủ tịch Tập Cận Bình trong bài phát biểu ở Astana (nay là Nursultan), thủ đô Kazakhstan, ông trình bày phần lục địa của “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI), có tên gọi “vành đai kinh tế con đường tơ lụa”. Dự án được kỳ vọng sẽ kết nối Trung Quốc với Trung Á, Đông Nam Á và Nam Á, tới tận châu Âu. Từ “vành đai” để chỉ một thứ gì đó lớn hơn giao thông, năng lượng hoặc các nút hạ tầng riêng lẻ. Thay vào đó, đó là một mạng lưới cơ sở hạ tầng kết nối với nhau phát triển thành một thứ to lớn hơn: các khu công nghiệp và hành lang kinh tế, với các hoạt động sản xuất, hậu cần, xây dựng và nhiều thứ nữa.

Vào năm 2020, ở biên giới Trung Quốc với Kazakhstan, một thành phố con đường tơ lụa mới đã mọc lên với tốc độ nhanh đến mức Google Earth còn không kịp cập nhật những tòa nhà cao tầng hiện đang nổi bồng bềnh trên màn sương mùa đông của thảo nguyên. Nơi từng là một thị trấn biên giới khó khăn giờ đang có 200.000 người sinh sống, với màn hình video ngoài trời khổng lồ chiếu những đoạn phim ca ngợi con đường tơ lụa mới, cùng những nhà hàng bán rượu vang. Khorgos đã trở thành cửa ngõ của Trung Quốc nối với Trung Á và châu Âu.

Ngay bên kia biên giới, là những cần cẩu khổng lồ. Khorgos Gateway là một bến container, một “cảng khô” được Trung Quốc xây dựng từ đầu năm 2014. Trung tâm vận tải này được coi là một mắt xích quan trọng trong dự án mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gọi là “cầu nối đất liền Á - Âu”. Năm 2020, cảng khô này đã xử lý 160.000 TEUs (đơn vị tương đương với container 20 feet).

Khorgos như nằm giữa chốn hư không: điểm cách xa các đại dương nhất nằm gần đó. Nhưng bây giờ, một siêu lục địa Á - Âu mới đang hình thành từ đây. Các dự án được hứa hẹn không chỉ có đường sắt xuyên Trung Á đến châu Âu mà còn các kế hoạch khổng lồ khác bao gồm đường ống, đường bộ, đường sắt cao tốc và đường truyền cáp quang.

Con đường tơ lụa trên đất liền đang định hình lại đặc điểm địa lý của khối lục địa lớn nhất Trái đất. Khoảng cách địa lý và tâm lý giữa châu Âu và Đông Á đang bị thu hẹp khi vùng dân cư thưa thớt ở trung tâm lục địa Á - Âu đang được kết nối thông qua cơ sở hạ tầng mới, theo cách các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hình dung.

Từ đó cho đến năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á đạt 70,2 tỷ USD, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ và tăng gấp khoảng 100 lần so với thời điểm các bên thiết lập quan hệ ngoại giao. Trung Quốc đã trở thành một trong những đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của cả 5 nước Trung Á.

Sẽ có một khuôn khổ hợp tác mới?

Những động thái trên cho thấy Bắc Kinh đã có tầm nhìn chính trị và an ninh ở Trung Á từ trước năm 2022, nhưng cuộc chiến ở Ukraine dường như càng thúc đẩy các cơ hội mà khu vực này mang lại cho Trung Quốc trong bối cảnh nước Nga, quốc gia vốn từ lâu coi Trung Á là khu vực sân sau của mình, đang trở nên suy yếu.

Trong cuộc họp báo ngày 8.5, ông Vương Văn Bân cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có một “bài phát biểu quan trọng” tại Hội nghị thượng đỉnh. Ông nói rằng “các nhà lãnh đạo sẽ xem xét quá trình phát triển của quan hệ Trung Quốc - Trung Á, trao đổi quan điểm về sự phát triển của các cơ chế giữa hai bên, hợp tác trong mọi lĩnh vực cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực lớn mà hai bên cùng quan tâm, và cùng ký kết một tài liệu chính trị quan trọng”. Ông lưu ý rằng hội nghị thượng đỉnh “sẽ giúp vạch ra một kế hoạch chi tiết mới cho quan hệ Trung Quốc - Trung Á và mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai bên”. Hiện cũng chưa rõ “tài liệu chính trị quan trọng” mà ông Vương đề cập là gì. Nó có thể đơn giản như một tuyên bố chung, nhưng rất có thể là một điều gì đó cụ thể và quan trọng hơn thế.

Trước đó, tại Hội nghị Ngoại trưởng cuối tháng 4, các bên tái khẳng định kiên quyết ủng hộ các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của nhau như chủ quyền độc lập, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, phản đối các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của 6 nước. Các bên cũng ủng hộ hoàn thiện hơn nữa việc xây dựng cơ chế Trung Quốc - Trung Á, khẳng định những thành tựu hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung Á trong việc xây dựng “Vành đai và Con đường” 10 năm qua, đồng thời quyết định tiếp tục thúc đẩy việc hợp tác xây dựng BRI đạt nhiều kết quả thực chất hơn.

Giới phân tích cho rằng, sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, nhu cầu và không gian hợp tác giữa các nước Trung Á với Trung Quốc ngày càng gia tăng. Hội nghị Thượng đỉnh giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á sắp diễn ra, nhấn mạnh một thực tế rằng Trung Quốc và các nước Trung Á chia sẻ những lợi ích chung to lớn về an ninh và thịnh vượng trong bối cảnh bất ổn khu vực và toàn cầu, cũng như nhu cầu hợp tác khu vực ngày càng trở nên sâu sắc và toàn diện.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/ke-hoach-chi-tiet-moi-cho-khuon-kho-hop-tac-khu-vuc-i328786/