Kế hoạch của ông Trump về Gaza gây khó cho đồng minh Ả Rập thế nào?
Chuyên gia cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza và di dời người Palestine ra khỏi Gaza đặt ra bài toán khó cho các đồng minh Ả Rập.
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng hôm 4-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza.
“Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza. Chúng tôi sẽ sở hữu vùng đất và chịu trách nhiệm tháo dỡ tất cả các quả bom nguy hiểm chưa nổ và các vũ khí khác trên địa điểm này. Chúng tôi sẽ san bằng địa điểm này, loại bỏ các tòa nhà bị phá hủy để tạo ra một sự phát triển kinh tế sẽ cung cấp số lượng việc làm và nhà ở không giới hạn cho người dân trong khu vực, làm một công việc thực sự, làm một điều gì đó khác biệt” - ông Trump nói.
Trước đó ông Trump nêu ý kiến di dời phần lớn người Palestine ra khỏi Dải Gaza, sang các nước láng giềng như Ai Cập và Jordan.
Các tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ thế giới Ả Rập và loạt quốc gia khác.
Giới quan sát cho rằng kế hoạch của ông Trump sẽ gây khó cho đồng minh Ả Rập, theo đài CNN.
Đau đầu cho Saudi Arabia
CNN dẫn nhận định của các chuyên gia rằng theo quan điểm của hầu hết các nhà lãnh đạo Trung Đông, việc Tổng thống Trump bất ngờ thay đổi chính sách đối với Dải Gaza chẳng mang lại lợi ích cho ai cả. Không có lợi cho các nước Trung Đông, không có lợi cho người Palestine và thậm chí cũng không có lợi cho chính ông Trump.
Sự chuyển hướng đầy táo bạo của ông Trump đi ngược lại chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập niên vốn ủng hộ khả năng thành lập một nhà nước Palestine bao gồm cả Dải Gaza.
Kế hoạch của ông Trump cũng khiến nhiều người Trung Đông nghi ngờ rằng cuộc chiến của Israel chống lại nhóm vũ trang Hamas sau vụ tấn công ngày 7-10-2023 thực chất là bình phong để buộc 2,1 triệu người Palestine rời bỏ quê hương.
Với tư cách là trung tâm ngoại giao chủ chốt trong khu vực và là quê hương tinh thần của 1,8 tỉ tín đồ Hồi giáo trên thế giới, Saudi Arabia có lẽ là bên chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Và Riyadh là nước lên tiếng đầu tiên, chỉ trong vòng vài giờ sau khi ông Trump công bố kế hoạch.
“Bộ Ngoại giao khẳng định lập trường của Saudi Arabia về việc thành lập một nhà nước Palestine là vững chắc và không thay đổi” - theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia.
Thái tử Saudi Arabia - ông Mohammed bin Salman “đã tái khẳng định lập trường này một cách rõ ràng và dứt khoát”, tuyên bố nhấn mạnh.
Theo CNN, dưới góc nhìn của Thái tử bin Salman, ông ấy là người nắm quyền tối thượng ở Saudi Arabia và không chấp nhận bất kỳ sự bất đồng chính trị nào. Hamas – dù không tồn tại ở Saudi Arabia – vẫn là mối đe dọa đối với ông.
Hamas đại diện cho Hồi giáo chính trị, điều mà mọi nhà lãnh đạo chuyên chế Hồi giáo đều coi là mối nguy hiểm, bởi nếu có cơ hội, nhóm này có thể lật đổ các vương triều vùng Vịnh ngay lập tức. Vì vậy, ông bin Salman được cho là có lợi ích trong việc loại bỏ Hamas.
Tuy nhiên, cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza đã khơi dậy tinh thần ủng hộ Palestine vốn âm ỉ trong lòng người dân Saudi Arabia. Thái tử bin Salman hiểu rằng nếu người dân Gaza bị trục xuất, làn sóng phẫn nộ trong nước sẽ bùng phát.
Vậy Thái tử bin Salman có mong muốn hòa bình Trung Đông, bao gồm việc bình thường hóa quan hệ với Israel không? Các chuyên gia cho rằng câu trả lời là “có”.
Điều đó có lợi cho kinh tế, làm đầy thêm kho bạc khổng lồ của Saudi Arabia, và sự thịnh vượng lan tỏa giúp giữ chân người dân. Nhưng ngoài dầu mỏ có giá trên 80 USD/thùng, một yếu tố khác trong việc bình thường hóa quan hệ với Israel cũng giúp thúc đẩy kinh tế Saudi Arabia đó là sự đầu tư từ Mỹ.
Điều này giải thích vì sao Thái tử bin Salman không công khai chỉ trích trực diện ông Trump về cách tiếp cận mới với Gaza mà chỉ nhấn mạnh sự cần thiết của một nhà nước Palestine.
Thái tử bin Salman là đối tác quan trọng của Tổng thống Trump tại vùng Vịnh. Vị thái tử muốn ký thỏa thuận an ninh và mua vũ khí từ Mỹ. Ngược lại, ông Trump muốn ông bin Salman rót vốn vào Mỹ và thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Israel.
Điều đó lại dẫn đến một bài toán đau đầu khác cho Thái tử bin Salman: với tư cách là người bảo hộ hai thánh địa Hồi giáo linh thiêng nhất – Mecca và Medina – ông cần phải thể hiện mình đang làm điều đúng đắn đối với người Palestine.
Sự tiến thoái lưỡng nan của Jordan và Ai Cập
So với các nước khác trong khu vực, Jordan và Ai Cập – hai quốc gia được ông Trump nhắc đến như điểm đến tiềm năng cho người tị nạn Gaza – đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan".
Hai nước này phụ thuộc vào nguồn viện trợ từ Mỹ để duy trì sự ổn định. Cả hai từng tiếp nhận một lượng lớn người tị nạn Palestine sau các cuộc chiến Israel năm 1948 và 1967, với hàng triệu người Gaza tràn vào lãnh thổ của họ. Giờ đây, hai nước khẳng định rằng một làn sóng di cư quy mô lớn nữa sẽ gây bất ổn nghiêm trọng.
Cho đến nay, lập trường của khu vực vẫn là kiên quyết phản đối áp lực từ chính quyền ông Trump. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tuyên bố việc di dời người dân Gaza “là điều không thể chấp nhận vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia Ai Cập”.
Trong khi đó, Quốc vương Jordan - ông Abdullah II nhấn mạnh rằng “chúng ta phải đảm bảo người Palestine vẫn ở lại trên đất của họ”.
Các nhà ngoại giao khu vực cho rằng dù Dải Gaza giờ chỉ còn là đống đổ nát, người dân vẫn muốn quay về, bởi đó là quê hương của họ.
Quốc vương Abdullah II - người đứng đầu một vương triều lâu đời luôn giữ quan hệ tốt với Mỹ - dự kiến sẽ đến Washington D.C. vào cuối tháng này. Tổng thống al-Sisi cũng có kế hoạch thăm Mỹ trong thời gian tới.
Ai Cập đóng vai trò then chốt trong khu vực, kìm hãm những tư tưởng cực đoan có nguy cơ bùng phát và lan rộng, ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ và châu Âu. Thế nên, phương Tây cần ông al-Sisi, cũng như cần Quốc vương Abdullah II.
Dưới góc nhìn của phương Tây, nếu Jordan sụp đổ, một khoảng trống quyền lực lớn sẽ xuất hiện, tạo cơ hội cho các lực lượng ủy nhiệm của Iran tiến sát biên giới Israel.