Trong 12 năm nắm quyền ở Đức (từ năm 1933 - 1945), trùm phát xít Hitler triển khai nhiều kế hoạch đầy tham vọng nhằm kiểm soát toàn bộ thế giới. Trong số này, chính quyền Đức quốc xã từng lên kế hoạch tái thiết sức mạnh của hải quân.
Kế hoạch bí mật này được chính quyền của Hitler đặt tên là "Kế hoạch Z". Theo kế hoạch, nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ thì Đức sẽ trở thành cường quốc hải quân vào cuối những năm 1940.
"Kế hoạch Z" được Đức quốc xã chuẩn bị từ trước khi tuyên bố rút khỏi hiệp ước Versailles vào tháng 3/1935. Hiệp ước Versailles được Đức ký vào năm 1919.
Việc rút khỏi hiệp ước Versailles sẽ giúp Đức không bị hạn chế trong việc xây dựng lực lượng hải quân cả về số lượng và kích cỡ của các tàu chiến.
Do đó, "Kế hoạch Z" được triển khai hứa hẹn sẽ giúp nhà độc tài Hitler đạt được tham vọng là đưa Đức trở thành cường quốc hải quân có sức mạnh đáng gờm.
Theo chuyên gia quân sự Sebastien Roblin, trong khuôn khổ "Kế hoạch Z", Đức quốc xã sẽ đóng một "siêu hạm đội" có sức mạnh ngang ngửa với các cường quốc hải quân trên thế giới. Theo dự kiến, "siêu hạm đội" sẽ được Đức ra mắt năm 1948.
Chính quyền Hitler dự định sẽ tuyển mộ thêm lực lượng lớn gia nhập hải quân cũng như nghiên cứu, chế tạo nhiều tàu chiến, thiết giáp hạm, tuần dương hạng nặng... có kích thước khủng, được trang bị nhiều vũ khí có uy lực mạnh.
Thiết giáp hạm Bismarck và Tirpitz được các kỹ sư phát xít Đức nghiên cứu, chế tạo theo mệnh lệnh của Hitler. Về sau, thiết giáp hạm lớp H - phiên bản mở rộng của chiến hạm Bismarck - được Đức chế tạo với lượng giãn nước 55.000 tấn và trang bị 8 pháo 406 mm.
Hitler kỳ vọng những thiết giáp hạm tối tân này sẽ giúp Hải quân Đức đủ sức đối đầu với Hải quân Anh, Mỹ...
Tuy nhiên, sau khi Thế chiến 2 nổ ra vào năm 1939, Đức quốc xã ngày càng sa lầy vào cuộc chiến đẫm máu này. "Kế hoạch Z" theo đó bị hủy bỏ vì Hitler và phát xít Đức phải căng mình chiến đấu chống trả lại các cuộc tấn công từ các nước Đồng minh.
Mời độc giả xem video: Câu chuyện ly kỳ về gia đình người lùn Do Thái thời phát xít Đức.
Tâm Anh (theo National Interest)