Kế hoạch hậu Omicron của Chính phủ Hàn Quốc

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách phòng dịch COVID-19 từ ngày 18/4 và hạ cấp độ nguy hiểm của dịch bệnh từ tuần cuối của tháng 4 này.

Với lộ trình trên, người dân Xứ sở Kim chi sẽ chính thức quay trở lại với cuộc sống thường nhật, kết thúc 757 ngày khó khăn khi phải thực hiện các biện pháp giãn cách để phòng chống đại dịch COVID-19.

Theo kế hoạch mới, kể từ ngày 18/4, các hạn chế đang áp đặt hiện nay như giới hạn giờ kinh doanh của các nhà hàng, quán cà phê đến 24 giờ đêm, tụ tập riêng tư tối đa 10 người, sự kiện tụ tập tôn giáo tối đa 299 người, quy định sử dụng tối đa 70% công suất các địa điểm biểu diễn sẽ được bãi bỏ. Việc ăn uống tại các cơ sở công cộng như rạp chiếu phim, phòng biểu diễn... được phép bắt đầu từ ngày 25/4.

Chính phủ Hàn Quốc vẫn giữ nguyên quy định về bắt buộc đeo khẩu trang và cho biết sẽ xem xét lại tình hình để đưa ra quyết định sau 2 tuần triển khai quy định mới. Lộ trình trở lại cuộc sống thường nhật mới cũng bao gồm việc hạ mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19 từ cấp độ 1 xuống cấp độ 2 trong hệ thống quản lý 4 cấp.

Việc hạ cấp độ dịch bệnh sẽ dẫn đến thay đổi toàn diện hệ thống quản lý và đối phó với dịch bệnh, cho phép quản lý COVID-19 như đối với những bệnh truyền nhiễm cấp hai gồm lao, sởi, tả, hoặc thủy đậu.

Cơ quan chức năng sẽ ngừng việc theo dõi và báo cáo số ca nhiễm mới, bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ được điều trị tại các phòng khám và bệnh viện địa phương. Người bệnh sẽ không phải cách ly và báo cáo với chính quyền.

Chi phí khám chữa bệnh sẽ do cơ quan bảo hiểm và cá nhân tự chi trả thay vì nhà nước hỗ trợ miễn phí như từ trước đến nay. Hệ thống y tế của quốc gia sẽ dần khôi phục hoạt động bình thường sau thời gian dài quá tải và thiệt hại nặng do bùng phát COVID-19.

“Kế hoạch hậu Omicron” được Chính phủ Hàn Quốc đưa ra khi nước này chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt về số ca mắc COVID-19 theo ngày sau khi đạt đỉnh hơn 620.000 vào giữa tháng 3 vừa qua.

Trong 2 tuần đầu tháng 4, số ca nhiễm theo ngày liên tục giảm và xuống mức thấp nhất dưới 100.000 ca. Các quan chức y tế dự đoán số ca nhiễm mới sẽ dao động trong khoảng 50.000-100.000 ca trong một thời gian dài tiếp theo.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết tính đến giữa tháng 4, trên 16,1 triệu người trong tổng số hơn 52 triệu dân Hàn Quốc đã mắc COVID-19. Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 20.616 người, tương đương tỉ lệ tử vong 0,13%. Số bệnh nhân nặng đang điều trị đã giảm xuống dưới 1.000 người/ngày.

Các cơ sở y tế duy trì mức độ sử dụng giường bệnh dưới 70%. Trong khi đó, Hàn Quốc đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi cho 44,52 triệu người, tương đương 86,8% dân số; 32,97 triệu người đã được tiêm mũi thứ ba, tương đương với 64,3% dân số. Hàn Quốc đã thông báo kế hoạch tiêm mũi 4 cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao và triển khai tiêm được gần 400.000 người (0,7% dân số).

Hàn Quốc cũng đã triển khai hệ thống điều trị tại nhà, kê đơn thuốc uống điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và không có triệu chứng. Người phát ngôn KDCA Ko Jae-young cho rằng Hàn Quốc đã vượt qua đỉnh dịch và đang kiểm soát tốt theo xu hướng giảm nhanh.

Quan chức y tế này nhấn mạnh sự cần thiết có một sự thay đổi tổng thể trong hệ thống cách ly và phản ứng với COVID-19 để tạo ra "một cuộc sống thường ngày mới" trong thời kỳ hậu đại dịch.

Cơ quan chức năng của Hàn Quốc khẳng định đã nắm chắc những đặc tính của biến thể Omicron và trang bị các phương án ứng phó hiệu quả như vắc xin và phương pháp điều trị. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn thận trọng khi áp dụng giai đoạn chuyển tiếp dự kiến trong 4 tuần bắt đầu từ ngày 25/4 để chuyển dần hoạt động của hệ thống y tế và quản lý dịch bệnh về mức độ thông thường.

Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum nhấn mạnh rằng cơ quan chức năng sẽ tiếp tục chuẩn bị đầy đủ cho phương án giả định rằng dịch bệnh có thể tái diễn một lần nữa trong khi triển khai tiến trình khôi phục đời sống thường nhật như tình huống hồi tháng 11/2021, nghĩa là chủ động các phương án đối phó với tình huống xấu

Song song tiến trình bãi bỏ các quy định về giãn cách trong nội địa, nhà chức trách Hàn Quốc cũng đồng thời triển khai các kế hoạch khôi phục hoạt động kinh tế và du lịch. Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực đẩy nhanh giải ngân gói ngân sách bổ sung lên tới 50 nghìn tỉ won (hơn 40,6 tỉ USD) để bồi thường cho doanh nghiệp nhỏ, giới tiểu thương và cá nhân bị ảnh hưởng nặng bởi các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Chính phủ cũng đang xem xét mở rộng dần việc miễn thị thực nhập cảnh cho các quốc gia nhằm kích thích du lịch và thúc đẩy kế hoạch khôi phục 50% các chuyến bay quốc tế trong năm nay. Những hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, dịch vụ công là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định bãi bỏ hoàn toàn các quy định giãn cách phòng dịch.

Tại Trung Quốc, ngày 16/4, một số địa phương bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa mới để ngăn chặn dịch COVID-19. Cụ thể, khu công nghiệp Sân bay Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam, nơi có nhiều cơ sở sản xuất của các công ty lớn như Foxconn, thông báo lệnh phong tỏa 14 ngày từ ngày 15/4 và biện pháp này sẽ được điều chỉnh tùy theo tình hình dịch bệnh.

Chỉ những nhân viên có giấy thông hành đúng quy định, mã số y tế hợp lệ và chứng nhận âm tính với virus mới có thể rời khu công nghiệp trong thời gian áp dụng lệnh phong tỏa. Chia sẻ trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, giới chức khu công nghiệp trên cho biết một số phương tiện giao thông phục vụ công việc cũng được phép hoạt động bình thường.

Trong khi đó, TP Tây An ở Tây Bắc Trung Quốc cũng thông báo tạm thời áp lệnh phong tỏa từng phần sau khi ghi nhận hàng chục ca mắc mới COVID-19 trong tháng này. Các biện pháp hạn chế mới được cho là sẽ tiếp tục gây thêm gián đoạn đối với chuỗi cung ứng khi các hoạt động giao hàng của các công ty tại những địa phương phong tỏa sẽ bị trì hoãn. Nhiều nhà kinh tế cũng lo ngại các biện pháp hạn chế sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.

Hãng sản xuất ôtô Xpeng của Trung Quốc cho rằng nhiều công ty có thể sẽ phải tạm dừng sản xuất trong tháng tới nếu các nhà cung cấp ở Thượng Hải và các vùng lân cận không được hoạt động trở lại.

Trung tâm tài chính Thượng Hải hiện là tâm dịch của đợt bùng phát mới tại Trung Quốc. Ngày 16/4, thành phố này thông báo ghi nhận 3.590 ca mắc mới có triệu chứng và 19.923 ca mắc mới không có triệu chứng. Dù hầu hết người dân tại thành phố đang thực hiện lệnh phong tỏa, nhưng số ca mắc mới tại đây vẫn chiếm phần lớn tổng số ca mắc mới ghi nhận trên cả nước.

Sáng 16/4, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo ghi nhận 3.896 ca mắc mới có triệu chứng tại Trung Quốc đại lục trong ngày 15/4, trong đó 3.867 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra có 20.894 ca mắc mới không có triệu chứng, trong đó 20.813 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/273377/ke-hoach-hau-omicron-cua-chinh-phu-han-quoc.html