Kế hoạch lớn của Ukraine: Việc biến tiền của Nga thành viện trợ quân sự liệu có khả thi?

Với việc viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine trở nên không chắc chắn, Kyiv đang tìm kiếm một chiến lược thay thế: tịch thu hàng trăm tỉ USD tài sản bị đóng băng của Nga.

Theo Washington Post, kế hoạch này không chỉ giúp Ukraine duy trì cuộc chiến đấu chống Nga mà còn có thể thuyết phục chính quyền Tổng thống Donald Trump rằng đây là một giải pháp phù hợp với chính sách của ông ấy, vốn tập trung vào việc giảm viện trợ nước ngoài.

Sức ép của ông Trump

Sau khi Nga phát động cuộc chiến tại Ukraine vào năm 2022, gần 300 tỉ USD tài sản thuộc Ngân hàng trung ương Nga đã bị phong tỏa, chủ yếu tại các quốc gia châu Âu.

Ukraine từ lâu đã kêu gọi tịch thu hoàn toàn số tiền ấy, nhưng kế hoạch này vấp phải sự phản đối từ các nước như Đức và Pháp, những nước lo ngại rằng một động thái như vậy có thể làm suy yếu niềm tin vào hệ thống tài chính quốc tế. Tuy nhiên, với sự trở lại của D. Trump và cam kết của ông về việc chấm dứt xung đột, vấn đề này lại được đưa ra thảo luận.

Tổng thống Volodymyr Zelensky - Ảnh: Reuters

Tổng thống Volodymyr Zelensky - Ảnh: Reuters

Mặc dù động thái này vẫn cần sự đồng thuận từ châu Âu, một số nhà quan sát nhận định Tổng thống Trump có khả năng gây sức ép lên các nước đồng minh để thay đổi quan điểm. Iryna Mudra, Thứ trưởng Tư pháp Ukraine, tin rằng ông Trump có sức ảnh hưởng lớn hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác khi thuyết phục các nước hoài nghi rằng việc sử dụng tài sản của Nga là cần thiết để kết thúc chiến tranh.

Những bình luận gần đây từ Keith Kellogg, đặc phái viên của ông Trump về Nga và Ukraine, càng củng cố hy vọng của Kyiv. Ông nói với Fox News rằng đề xuất này xứng đáng được thảo luận. Một số quan chức Ukraine thậm chí so sánh tình huống này với nỗ lực của ông Trump trong nhiệm kỳ trước, khi ông muốn mua Greenland, ngụ ý rằng ý tưởng tịch thu tài sản Nga có thể hấp dẫn ông.

Với ông Trump, chiến lược tiếp cận là nhấn mạnh lợi ích kinh tế của Mỹ. Jacob Kirkegaard, một chuyên gia tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, chỉ ra rằng việc tịch thu tài sản Nga có thể giúp Ukraine mua vũ khí từ Mỹ thay vì phụ thuộc vào viện trợ trực tiếp. Điều này sẽ biến số tiền thành một “sự trao đổi có đi có lại”, giúp Trump biện minh trước cử tri rằng ông đang bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng nhấn mạnh lập luận ấy trong một cuộc phỏng vấn gần đây, khẳng định rằng Ukraine không cần viện trợ miễn phí từ Mỹ, mà có thể sử dụng tài sản Nga để mua vũ khí từ các công ty Mỹ. Điều này không chỉ có lợi cho Ukraine mà còn kích thích nền kinh tế quốc phòng Mỹ.

Châu Âu lưỡng lự

Tuy nhiên, những trở ngại lớn vẫn tồn tại. Pháp, Đức và Bỉ - nơi nắm giữ phần lớn số tài sản bị đóng băng, vẫn kiên quyết phản đối. Họ lo sợ rằng việc tịch thu tài sản có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm, khiến các quỹ đầu tư quốc gia khác do dự khi gửi tiền vào hệ thống tài chính phương Tây. Một số quan chức châu Âu cũng lo ngại những tài sản ấy có thể trở thành công cụ mặc cả quan trọng trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai với Nga.

Trong khi đó, Moscow mô tả bất kỳ nỗ lực tịch thu tài sản nào là hành vi “đánh cắp” và cam kết sẽ có biện pháp đáp trả. Thay vì tịch thu hoàn toàn, một số nước phương Tây đang sử dụng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng để cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, trong đó có khoản vay trị giá 50 tỉ USD từ nhóm G7.

Dù vậy, nhiều quan chức Ukraine vẫn tin rằng đây chỉ là bước khởi đầu và việc tịch thu toàn bộ số tiền này là cần thiết. Họ so sánh tình huống hiện tại với những cuộc tranh luận trước đây về việc viện trợ vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu F-16. Ban đầu bị bác bỏ, nhưng theo thời gian, sự ủng hộ dần tăng lên và cuối cùng F-16 đã được cung cấp cho Ukraine.

Andriy Pyshnyy, người đứng đầu Ngân hàng quốc gia Ukraine, nhận định rằng phản ứng quốc tế đối với cuộc chiến tranh Nga - Ukraine cần phải có quy mô tương đương với mức độ của cuộc chiến. Theo ông, nếu đây là một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ, thì cần có những biện pháp tài chính cũng chưa từng có để giải quyết nó. “Ai đó phải trả giá. Kẻ đã khởi xướng và kéo dài cuộc chiến này phải gánh chịu hậu quả. Đó chính là Nga”, ông nhấn mạnh.

Việc tịch thu tài sản Nga vẫn là một vấn đề gây tranh cãi trên trường quốc tế. Ukraine hy vọng rằng với sự hậu thuẫn của ông Trump, họ có thể vượt qua những rào cản từ châu Âu để biến kế hoạch này thành hiện thực. Tuy nhiên, tương lai của số tiền này vẫn còn phụ thuộc vào những diễn biến chính trị trong thời gian tới và quyết tâm của các bên liên quan.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ke-hoach-lon-cua-ukraine-viec-bien-tien-cua-nga-thanh-vien-tro-quan-su-lieu-co-kha-thi-228836.html