Kế hoạch mới của OpenAI

Công ty đứng sau ChatGPT dự kiến hoàn thiện thiết kế chip AI đầu tiên trong năm nay, đặt mục tiêu giảm phụ thuộc Nvidia.

 Logo của OpenAI. Ảnh: Bloomberg.

Logo của OpenAI. Ảnh: Bloomberg.

Theo nguồn tin của Reuters, OpenAI đang phát triển chip AI thế hệ đầu tiên. Đây là giải pháp giúp công ty chủ động cung ứng chip, giảm phụ thuộc vào Nvidia.

Chip được thiết kế bởi đội ngũ nội bộ do Richard Ho đứng đầu. Trong những tháng qua, lượng thành viên dự án tăng gấp đôi lên 40 người, bên cạnh hợp tác với Broadcom.

Ho gia nhập OpenAI từ tháng 11/2023 sau khi rời Alphabet, công ty mẹ của Google. Trước đó, ông cũng lãnh đạo đội ngũ phát triển chip AI tùy chỉnh tại Alphabet.

OpenAI dự kiến hoàn thiện thiết kế chip, gửi đến TSMC để sản xuất trong vài tháng tới. Giai đoạn gửi thiết kế chip đầu tiên đến nhà máy còn gọi là tape-out.

Nếu thông tin chính xác, Reuters nhận định OpenAI đang đi đúng hướng nhằm đạt mục tiêu sản xuất hàng loạt chip AI (thông qua TSMC) đến năm 2026.

Chi phí cho quy trình tape-out thông thường đến hàng chục triệu USD, thời gian sản xuất khoảng 6 tháng trừ khi OpenAI trả thêm tiền. Dù vậy, chưa thể đảm bảo con chip sau sản xuất có thể hoạt động. Nếu xảy ra lỗi, công ty phải nghiên cứu khởi động lại giai đoạn.

Nếu sản xuất và triển khai thành công, chip tập trung huấn luyện AI sẽ là lợi thế giúp OpenAI đàm phán với nhà cung ứng. Sau thế hệ đầu tiên, các kỹ sư có kế hoạch phát triển phiên bản tiếp theo nhằm mở rộng tính năng.

Nếu giai đoạn tape-out đầu tiên diễn ra suôn sẻ, công ty đứng sau ChatGPT sẽ sản xuất hàng loạt chip, đưa vào thử nghiệm từ cuối năm để thay thế Nvidia.

Kế hoạch gửi thiết kế chip đến TSMC cho thấy dự án của OpenAI có những thành quả nhất định. Điều này cũng “phả hơi nóng” vào nhiều đối thủ như Microsoft hay Meta, các công ty mất nhiều năm phát triển chip AI nhưng chưa đạt yêu cầu.

Dù vậy, đội ngũ phát triển chip tại OpenAI có quy mô nhỏ hơn đối thủ. Theo nguồn tin trong ngành, chi phí thiết kế chip ứng dụng quy mô lớn có thể đạt 500 triệu USD cho một phiên bản, tăng gấp đôi nếu phát triển phần mềm và thiết bị liên quan.

 Chip Nvidia H100. Ảnh: Bloomberg.

Chip Nvidia H100. Ảnh: Bloomberg.

Các công ty phát triển mô hình AI tạo sinh như OpenAI, Google và Meta chứng minh lượng chip lớn giúp tạo các mô hình thông minh hơn, đồng nghĩa nhu cầu về chip không dừng lại. Meta đã tuyên bố kế hoạch đầu tư 60 tỷ USD cho hạ tầng AI trong năm tới, còn Microsoft dự kiến chi 80 tỷ USD vào 2025.

Hiện tại, chip Nvidia được dùng phổ biến nhất với thị phần khoảng 80%. Bản thân OpenAI cũng tham gia chương trình cơ sở hạ tầng Stargate, trị giá 500 tỷ USD do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hồi tháng 1.

Dù vậy, tình trạng tăng chi phí và phụ thuộc một nhà cung cấp (Nvidia) khiến các khách hàng lớn như Microsoft, Meta và OpenAI tìm kiếm giải pháp thay thế, bao gồm chuyển sang công ty khác hoặc tự thiết kế chip.

Sự nổi lên của startup DeepSeek (Trung Quốc) cũng đặt dấu hỏi về lượng chip thực sự cần để phát triển các mô hình AI mạnh mẽ.

Chip OpenAI dự kiến sản xuất trên tiến trình 3 nm của TSMC với công nghệ bộ nhớ băng thông cao (HBM) và kết nối mạng đa dạng.

Tin đồn cho biết con chip có thể đào tạo và vận hành mô hình, song chỉ được triển khai quy mô nhỏ trong thời gian đầu để vận hành AI. Nếu muốn xây dựng chương trình phát triển chip toàn diện như Google hay Amazon, OpenAI sẽ phải thuê hàng trăm kỹ sư.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/ke-hoach-moi-cua-openai-post1530577.html