Trung Quốc bắt đầu đưa DeepSeek vào hỗ trợ công việc của chính quyền
Một số phòng ban ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông và Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã triển khai các mô hình DeepSeek để hỗ trợ công việc của chính quyền và giải quyết nhu cầu của người dân.
Mạng Tin tức Thâm Quyến (Shenzhen News) ngày 10/2 đưa tin, quận Long Cương, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc đã triển khai mô hình trí tuệ nhân tạo Deepseek-R1 trên mạng extranet chính thức của chính quyền quận, trở thành cơ quan chính quyền đầu tiên tại Thâm Quyến triển khai thành công mô hình này.
Theo ông Tích Vĩ, Phó phòng dịch vụ chính phủ và quản lý dữ liệu quận Long Cương, các mô hình DeepSeek hiện đã có sẵn cho tất cả các phòng ban của quận, với mục tiêu biến AI thành trợ lý hiệu quả cho công việc của chính quyền và chuyển đổi cách thức hoạt động của chính quyền theo hướng thông minh hơn, mang tính phối hợp hơn và dựa trên dữ liệu.
Thông tin cho hay, dựa trên các mô hình lớn phát triển trong nước, quận này đã triển khai 34 ứng dụng AI kể từ năm 2024, bao trùm các lĩnh vực chính như công tác văn phòng của chính quyền, quản lý đô thị, xử lý nhanh ý kiến của công chúng và đạt được những kết quả rõ rệt.
Chính quyền thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô cũng thông báo trên tài khoản WeChat chính thức cho biết, thành phố này đã triển khai các mô hình DeepSeek-R1 và DeepSeek-V3 trên nền tảng dịch vụ công điện toán Tô Châu, cung cấp dịch vụ tài nguyên đám mây, dịch vụ tài nguyên lưu trữ và các dịch vụ giá trị gia tăng bổ sung khác.
Thông qua mô hình DeepSeek-R1, nền tảng dịch vụ công điện toán Tô Châu hỗ trợ tìm kiếm mạng dựa trên mô hình, cho phép người dùng tải lên tệp đính kèm, tạo hình ảnh, mở rộng đáng kể phạm vi phản hồi của mô hình và nâng cao khả năng sử dụng của mô hình. Với mô hình DeepSeek-V3, nền tảng cho phép người dùng tinh chỉnh mô hình bằng dữ liệu riêng theo nhu cầu, xây dựng cơ sở kiến thức riêng bằng cách tải lên tài liệu, cơ sở dữ liệu câu hỏi và trả lời, để tối ưu hóa và tùy chỉnh mô hình cho ứng dụng cụ thể của người dùng.
Không chỉ chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ triển khai các mô hình AI của DeepSeek. Trong đó, đáng chú ý, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc, thậm chí là thế giới - BYD ngày 10/2 cho biết, sẽ trang bị miễn phí cho hầu hết các mẫu xe tương lai của mình các tính năng hỗ trợ người lái tiên tiến và có kế hoạch tích hợp mô hình DeepSeek, nhưng không cho biết khi nào sẽ thực hiện.
Các tính năng hỗ trợ lái xe là một trong những chiến trường cạnh tranh cốt lõi của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. BYD, với mong muốn thu hẹp khoảng cách công nghệ với các đối thủ tiên tiến hơn như Xpeng Motors, đã quyết định triển khai những tính năng này cho cả những mẫu xe giá cả phải chăng nhất của mình để tăng doanh số.
Hồi tuần trước, báo điện tử của Nhân Dân nhật báo cũng đưa tin, một loạt các mô hình DeepSeek đã được ra mắt trên nền tảng Mạng siêu máy tính quốc gia (National Supercomputing Network) của Trung Quốc. Người dùng có thể thực hiện suy luận, triển khai các mô hình, cũng như thực hiện đào tạo và phát triển tùy chỉnh các mô hình DeepSeek trực tuyến mà không cần tải xuống hoặc triển khai trên thiết bị người dùng.
Mạng siêu máy tính quốc gia là dự án do Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc triển khai vào năm 2023, nhằm thúc đẩy hoạt động tích hợp của sức mạnh siêu máy tính và xây dựng cơ sở hạ tầng sức mạnh điện toán quốc gia. Nền tảng của dự án này chính thức hoạt động trực tuyến vào tháng 4/2024. Tính đến nay, hàng trăm ứng dụng, bộ dữ liệu và nhà cung cấp dịch vụ mô hình đã tham gia nền tảng này.
Trong một phát biểu đưa ra ngày 10/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn cho biết, nước này sẽ tích cực thúc đẩy sự phát triển phổ quát của AI, giúp các nước đang phát triển tăng cường năng lực xây dựng AI, chủ trương công nghệ AI nguồn mở, thúc đẩy khả năng tiếp cận các dịch vụ AI và thực hiện việc các quốc gia cùng chia sẻ lợi ích của trí tuệ.