Kế hoạch sắp xếp cấp xã ở Hải Dương có gì mới?
Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương vừa ban hành kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, trong đó nêu rõ tiêu chí, lộ trình sắp xếp.
Cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù
Theo UBND tỉnh Hải Dương, mục đích ban hành kế hoạch nhằm tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị và chính quyền địa phương các cấp; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và dư luận xã hội trong việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.

Một góc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương
Đồng thời, xác định rõ lộ trình thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, các công việc phải thực hiện trong từng giai đoạn, bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện) và cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.
Về nguyên tắc cụ thể, tại kế hoạch nêu rõ: Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã phải bám sát các quy định của Trung ương, đặt trong bối cảnh chung về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã tại địa phương dự kiến sáp nhập (tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng); đồng thời tính đến đặc thù của tỉnh, của các địa phương.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cần căn cứ vào vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hiện trạng khu vực bị ảnh hưởng hạ tầng như: Đường cao tốc, đường quốc lộ, hệ thống sông lớn, dãy núi lớn chia cắt khó kết nối với các đơn vị hành chính liền kề và điều kiện tự nhiên - xã hội có thể hình thành đơn vị hành chính có quy mô (diện tích, dân số) lớn hơn hoặc nhỏ hơn quy định.
Đối với một số khu vực mang tính đặc thù (như Khu vực quy hoạch khu kinh tế chuyên biệt tại huyện Thanh Miện và huyện Bình Giang, vùng đô thị động lực định hướng theo quy hoạch tỉnh), thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính của cấp huyện, cấp xã hiện nay.
Đồng thời, sắp xếp thành một số đơn vị hành chính cấp cơ sở mang tính đặc thù với sứ mệnh và vai trò quan trọng trong dẫn dắt của vùng động lực và cực tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội để mở rộng không gian phát triển, thu hút nguồn lực đầu tư đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương, mang tầm khu vực, tạo sự phát triển đồng đều giữa các khu vực của thành phố Hải Phòng sau sắp xếp.
Trong thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã phải đảm bảo cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, kết nối hệ thống di tích lịch sử. Đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Quá trình sắp xếp để đảm bảo các quy định của Trung ương, bám sát nguyên tắc và tiêu chuẩn theo quy định mới để thành lập các xã, phường đảm bảo sau sắp xếp tạo ra được sự liên kết giữa các đơn vị hành chính không ngắt quãng, liên thông giữa các đơn vị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Khi xây dựng đề án, phương án sắp xếp lưu ý: Về trụ sở, lựa chọn trụ sở của 1 đơn vị hành chính Trung tâm làm trụ sở của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Trụ sở đơn vị hành chính mới phải có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông kết nối.
Trung tâm hành chính mới cần có không gian phát triển trong tương lai phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của đơn vị hành chính mới. Khi nhập xã, thị trấn hoặc đô thị loại V, cần ưu tiên lựa chọn trụ sở đơn vị hành chính mới là đô thị hoặc nơi đã được quy hoạch là đô thị loại V.
Về tên gọi: Đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, gắn với tên của đơn vị hành chính cấp huyện, giữ lại giá trị lịch sử, văn hóa để xác định và được đánh theo số thứ tự; trong đó lưu ý vùng Trung tâm phát triển, vùng lõi đô thị trở thành động lực xác định thành đơn vị hành chính thứ nhất theo tên gọi huyện, thị xã, thành phố (như: Phường Hải Dương 1, phường Hải Dương 2...; xã Nam Sách 1, xã Nam Sách 2…).
Chú trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.
Phải gắn với giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã. Thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ đặc thù đối với đơn vị hành chính sau khi thực hiện sắp xếp.
Tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Đáng chú ý, tại kế hoạch nêu, xã mới sau sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt từ 200% trở lên tiêu chuẩn của xã quy định tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Cụ thể: Diện tích tự nhiên: từ 42 km2 (quy định hiện hành 21 km2 ), quy mô dân số: từ 16.000 người trở lên (quy định hiện hành 8.000 người).
Phường mới sau sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên từ 15 km2 trở lên (quy định hiện hành đối với phường 5,5 km2) và quy mô dân số đạt từ 30.000 người trở lên (quy định hiện hành đối với phường thuộc thành phố 7.000 người; phường thuộc thị xã 5.000 người).
Trường hợp sắp xếp từ 3 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 1 xã, phường mới thì không phải đánh giá tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại điểm a và b của mục này.
Về lộ trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: UBND cấp huyện, cấp xã tiến hành rà soát tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của cấp huyện, cấp xã theo tiêu chí để dự kiến phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. UBND cấp huyện tiến hành việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Căn cứ phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của UBND cấp huyện, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, thực hiện các trình tự thủ tục báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Bộ Nội vụ, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/5/2025.
Hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo kế hoạch, đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2025.
Bên cạnh đó, tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp xã mới.
Tập trung giải quyết dứt điểm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp xã mới. Sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại đơn vị hành chính cấp xã mới.
Thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp.
Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện, công bố nghị quyết; thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy để đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ke-hoach-sap-xep-cap-xa-o-hai-duong-co-gi-moi-381996.html