Kế hoạch táo bạo của Warsaw

Dù là quốc gia có mức chi tiêu quốc phòng mạnh tay nhất trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng Ba Lan vẫn đang ấp ủ các kế hoạch tăng cường năng lực quân sự táo bạo khiến ngay cả các đồng minh của họ cũng phải giật mình.

Theo tờ Politico, gần đây, khi phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Donald Tusk tuyên bố Ba Lan sẽ xem xét việc tiếp cận vũ khí hạt nhân và bảo đảm mọi nam giới ở nước này đều được huấn luyện quân sự như một phần trong nỗ lực xây dựng quân đội với quy mô lớn hơn nhiều so với hiện nay.

Như giải thích của ông Tusk, Ba Lan không thể tự giới hạn mình vào vũ khí thông thường và nước này "đang đàm phán nghiêm túc" với Pháp về việc được bảo vệ bởi chiếc ô hạt nhân của Paris. "Chúng ta phải nhận thức rằng Ba Lan phải đạt được những công nghệ hiện đại nhất liên quan đến vũ khí hạt nhân và vũ khí phi truyền thống hiện đại... Đây là cuộc chạy đua vì an ninh, không phải vì chiến tranh", Thủ tướng Ba Lan nói.

Các binh sĩ Ba Lan trong một đợt huấn luyện vào tháng 2-2025. Ảnh: The New York Times

Các binh sĩ Ba Lan trong một đợt huấn luyện vào tháng 2-2025. Ảnh: The New York Times

Ngoài ra, ông Tusk cũng đề cập tới kế hoạch tăng quy mô các lực lượng quân sự thông thường của Ba Lan với phát biểu: "Vào cuối năm, chúng tôi muốn có một mô hình sẵn sàng để mọi nam giới trưởng thành ở Ba Lan được huấn luyện chiến đấu và để lực lượng dự bị này đủ khả năng ứng phó với những mối đe dọa có thể xảy ra". Cụ thể, theo NBC News, Thủ tướng Tusk nói với các nhà lập pháp rằng ông muốn tăng quy mô quân đội Ba Lan từ mức khoảng 200.000 người hiện nay lên 500.000 người.

Nên nhớ rằng, hiện Ba Lan là quốc gia có lực lượng quân đội lớn thứ ba trong NATO (sau Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ) và lớn nhất trong số các thành viên Liên minh châu Âu (EU) thuộc NATO. Ba Lan cũng chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn bất cứ quốc gia thành viên NATO nào khác, với chi tiêu năm 2025 lên tới 4,7% GDP. Nước này đang chi hàng tỷ USD cho các loại vũ khí, bao gồm xe tăng Abrams, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ, xe tăng chiến đấu chủ lực K2 Black Panther, lựu pháo K9A1 Thunder, hệ thống tên lửa Homar-K và máy bay huấn luyện phản lực từ Hàn Quốc. Thế nên người ta mới ví von rằng, trong cuộc chạy đua vũ trang ở lục địa, Ba Lan đang đi trên “làn cao tốc”.

Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo Ba Lan vẫn muốn nâng mức chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP nhằm hiện đại hóa quân đội, thậm chí tuyên bố sẽ thực hiện các bước để rút nước này khỏi những hiệp ước quốc tế về cấm sử dụng mìn sát thương và bom chùm.

Gần đây, ông Andrzej Duda, Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ba Lan còn kêu gọi Mỹ đặt vũ khí hạt nhân tại Ba Lan như một “biện pháp răn đe". Ông Duda giải thích rằng vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ giúp đất nước ông an toàn hơn.

Cũng có nguồn tin cho rằng Chính phủ Ba Lan đang nỗ lực thúc đẩy việc sản xuất và phát triển công nghệ quân sự trong nước nhằm nâng cao năng lực công nghiệp quốc phòng, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu từ nước ngoài.

Politico nhận định động thái tăng cường sức mạnh quân sự của Ba Lan diễn ra trong bối cảnh khắp châu Âu bị bao trùm bởi mối lo ngại rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang quay lưng lại với các liên minh truyền thống của Washington-một sự thay đổi địa chính trị mà Warsaw coi là mối đe dọa tiềm tàng đến sự tồn vong của nước này. Những tín hiệu phát ra từ chính quyền của ông D.Trump đặc biệt đáng lo ngại đối với Ba Lan, quốc gia đã xây dựng cấu trúc an ninh của mình xung quanh mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Nói cách khác, đây là một trong những lý do dẫn tới việc Ba Lan ráo riết thúc đẩy cuộc cách mạng quân sự và tăng cường quy mô quân đội.

TRUNG DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/ke-hoach-tao-bao-cua-warsaw-821989