Kế hoạch 'thành phố nhân đạo' tại Gaza liệu có khả thi?
Chuyên gia nhận định kế hoạch của phía Israel về việc xây dựng 'thành phố nhân đạo' tại Gaza có thể vi phạm luật quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel – ông Israel Katz ngày 7-7 cho biết ông đã chỉ đạo lực lượng nước này xúc tiến kế hoạch xây dựng “thành phố nhân đạo” tại TP Rafah (miền nam Dải Gaza).
Theo kế hoạch, khu vực này ban đầu sẽ tiếp nhận khoảng 600.000 người Palestine buộc phải sơ tán đến vùng Al-Mawasi ven biển phía nam Gaza. Những người Palestine bước vào khu vực này sẽ phải qua kiểm tra để đảm bảo họ không phải là thành viên Hamas.
Kế hoạch trên nhanh chóng thu hút sự chú ý của các nước và các chuyên gia nhân đạo. Nhiều người cho rằng kế hoạch này không khả thi, thậm chí vi phạm một số nguyên tắc luật quốc tế.

Các tòa nhà đổ nát tại TP Rafah (nam Gaza) vào tháng 1-2025. Ảnh: AFP
“Thành phố nhân đạo”
Theo tầm nhìn của ông Katz, toàn bộ hơn 2 triệu dân thường ở Gaza cuối cùng sẽ được tập trung tại khu vực “thành phố nhân đạo này” và những người đến đây sẽ không được phép rời đi.
Lực lượng Phòng vệ Israel sẽ đóng vai trò bảo vệ “thành phố nhân đạo” từ xa, trong khi các tổ chức quốc tế giữ vai trò nỗ lực quản lý khu vực. Ông Katz cho biết thêm 4 điểm phân phối viện trợ sẽ được thiết lập trong khu vực này.
Ông Katz cũng nhấn mạnh kế hoạch cũng khuyến khích người dân Palestine "tự nguyện di cư" khỏi Dải Gaza sang các quốc gia khác, cho rằng kế hoạch này "cần được thực hiện".
Theo hãng tin Reuters, kế hoạch này cũng bao gồm khả năng biến “thành phố” trên thành “khu vực trung chuyển nhân đạo” – nơi người dân Gaza có thể "tạm trú, phi cực đoan hóa, tái hòa nhập và chuẩn bị rời đi nếu họ muốn". Tuy nhiên, theo tờ The Times of Israel, hiện chưa rõ liệu khu vực này có được sử dụng làm điểm trung chuyển nhân đạo hay không.
Khi được hỏi về kế hoạch này, phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel – Tướng Effie Defrin cho biết Lực lượng Phòng vệ Israel "sẽ trình bày một số phương án cho chính phủ.
"Mỗi phương án đều có những tác động riêng. Chúng tôi sẽ hành động theo chỉ thị của giới chính phủ" – ông Defrin nói.
Các chính trị gia Israel, bao gồm Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đã nhiệt tình ủng hộ kế hoạch này, bất chấp việc không có quốc gia nào công khai bày tỏ mong muốn tham gia.
Trong bữa tối tại Nhà Trắng cùng Tổng thống Donald Trump ngày 7-7, ông Netanyahu phát biểu: “Chúng tôi đang phối hợp rất chặt chẽ với Mỹ để tìm ra các quốc gia mong muốn hiện thực hóa điều họ luôn nói – rằng họ muốn mang lại cho người Palestine một tương lai tốt đẹp hơn. Và tôi nghĩ chúng tôi sắp tìm được một số nước như vậy”.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel - ông Israel Katz. Ảnh: Ahmad Gharabli/AFP
Kế hoạch hợp pháp?
Theo trang tin The Conversation, kế hoạch xây dựng “thành phố nhân đạo” nói trên vi phạm luật quốc tế và có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.
Theo đó, việc cưỡng ép di cư và giam bất kỳ thường dân nào trong một vùng lãnh thổ bị chiếm đóng là vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc đều lên án các trường hợp cưỡng ép di cư trong các cuộc xung đột vũ trang. Ủy ban Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế cũng nhấn mạnh lệnh cấm cơ bản đối với việc cưỡng ép di cư dân thường và yêu cầu tất cả các bên phải tôn trọng lệnh cấm này.
Ông Katz lập luận rằng việc thành lập “thành phố nhân đạo” là vì sự an toàn của chính những người di cư. The Conversation cho rằng việc buộc dân thường di cư là điều bị cấm. Tuy nhiên, vì lý do quân sự hoặc bảo vệ dân thường thì điều này có thể được phép thực hiện, nhưng những người buộc phải di cư này phải được đưa trở về nơi họ sinh sống ban đầu càng sớm càng tốt.
Ông Michael Sfard – luật sư nhân quyền người Israel – cho rằng kế hoạch của ông Katz chẳng khác nào cưỡng ép di cư một nhóm người để chuẩn bị trục xuất họ.
“Nếu chúng được thực hiện trên quy mô lớn – toàn bộ cộng đồng – thì chúng có thể cấu thành tội ác chống lại loài người. Không có sự rời đi nào là tự nguyện. Người dân sẽ rời khỏi Gaza vì bị áp đặt các biện pháp cưỡng chế khiến cuộc sống của họ ở Gaza trở nên khó khăn. Theo luật pháp quốc tế, không cần phải dùng súng dí vào người dân lên xe tải mới được gọi là phạm tội trục xuất” – ông Sfard nói.
Đài CNN dẫn lời bà Lana Nusseibeh – một nhà ngoại giao cấp cao của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) – rằng việc đưa người Palestine ra khỏi Gaza là không thể chấp nhận được.
"UAE đã công khai và kiên quyết bác bỏ việc cưỡng ép di cư người Palestine. Lập trường của chúng tôi là bác bỏ việc cưỡng ép di cư bất kỳ người Palestine nào khỏi Gaza để tái thiết vùng đất này" – bà Nusseibeh nói.

Người dân tập trung tại một điểm phân phối viện trợ do Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) thành lập, gần trại tị nạn Nuseirat ở miền trung Dải Gaza vào ngày 25-6. Ảnh: Eyad BABA /AFP
Theo ông James Sweeney – GS luật tại ĐH Lancaster (Anh), kỳ vọng về việc mọi thường dân Gaza đều muốn tập trung tại Rafah với sự kiểm soát nghiêm ngặt là phi thực tế.
“Làm sao một thành phố đáng sống, với đầy đủ cơ sở hạ tầng cần thiết, có thể được xây dựng? Còn các nha sĩ, bác sĩ, giáo viên, luật sư, thợ máy, doanh nhân và bất kỳ ai khác có thể kiếm sống lương thiện thì sao? Liệu họ có thực sự được cấp một nơi để làm việc không?” – ông Sweeney đặt câu hỏi.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ke-hoach-thanh-pho-nhan-dao-tai-gaza-lieu-co-kha-thi-post860053.html