Kế hoạch thiết lập căn cứ hải quân Nga tại Sudan có thực sự khả thi?

Tuần trước, trong một cuộc họp báo tại Moskva, Ngoại trưởng Sudan Ali Youssif khẳng định kế hoạch thiết lập căn cứ hải quân của Nga trên bờ Biển Đỏ của Sudan vẫn tiếp tục và tuyên bố rằng 'không có trở ngại nào' đối với dự án này.

Tàu chống ngầm cỡ lớn Severomorsk của hải quân Liên bang Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Tàu chống ngầm cỡ lớn Severomorsk của hải quân Liên bang Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, ông Youssif nhấn mạnh hai quốc gia đã đạt được sự đồng thuận hoàn toàn về việc thiết lập cơ sở này.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình phức tạp hơn nhiều so với những gì tuyên bố của ông Youssif thể hiện. Dù có nhiều thông tin cho rằng thỏa thuận đã được hoàn tất, nhưng triển vọng thành lập căn cứ Nga tại Sudan vẫn còn xa vời.

Vướng mắc pháp lý và bối cảnh chính trị bất ổn

Ngoại trưởng Sudan Ali Youssif (bên trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại cuộc họp báo ở Moskva, Nga. Ảnh: Shemetov

Ngoại trưởng Sudan Ali Youssif (bên trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại cuộc họp báo ở Moskva, Nga. Ảnh: Shemetov

Sau cuộc họp báo, ông Youssif làm rõ rằng thỏa thuận về căn cứ này đã đạt được từ năm 2020, nhưng vẫn thiếu một bước quan trọng, đó là sự phê chuẩn của quốc hội. Tuy nhiên, Sudan đã không có một quốc hội hoạt động kể từ năm 2019 sau khi Tổng thống lâu năm Omar al-Bashir bị lật đổ do các cuộc biểu tình đòi dân chủ.

Ông Bashir là người khởi xướng các cuộc đàm phán về căn cứ này vào năm 2017 khi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi. Thỏa thuận sơ bộ năm 2020 cho phép Nga triển khai tối đa bốn tàu hải quân, bao gồm cả tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tại Sudan trong 25 năm. Nhưng sau sự sụp đổ của ông Bashir, quân đội Sudan liên tục trì hoãn việc phê chuẩn thỏa thuận này.

Tình hình trở nên phức tạp hơn khi Sudan rơi vào cuộc nội chiến giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), một nhóm bán quân sự do ông Bashir thành lập nhằm bảo vệ chính quyền của ông khỏi nguy cơ đảo chính quân sự.

Cuộc chiến khốc liệt đã khiến SAF ngày càng dựa vào sự hỗ trợ quân sự và ngoại giao của Nga. Moskva đã cung cấp vũ khí giúp SAF giành ưu thế trên chiến trường, đồng thời sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để chặn một lệnh ngừng bắn do Anh đề xuất vào tháng 11/2024. Tuy nhiên, Sudan cũng lợi dụng chiến tranh để trì hoãn việc thực hiện thỏa thuận căn cứ hải quân. Một số quan chức Sudan còn giảm nhẹ ý nghĩa của cơ sở này, gọi đây chỉ là một "trung tâm hỗ trợ hậu cần" thay vì một căn cứ quân sự hoàn chỉnh.

Trong bối cảnh đó, Sudan vẫn tìm cách cải thiện quan hệ với phương Tây. Dưới thời Thủ tướng dân sự Abdalla Hamdok, nước này từng đạt được tiến bộ trong việc thoát khỏi tình trạng bị cô lập, đồng thời nhận được hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế. Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021, Sudan bị cắt viện trợ hơn 4 tỷ USD từ Mỹ, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khiến nước này rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Khó thành hiện thực trong ngắn hạn

Dù Sudan có thể đưa ra quyết định chính sách quan trọng mà không cần quốc hội, nhưng cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa được áp dụng cho thỏa thuận căn cứ hải quân Nga. Điều này cho thấy sự thiếu cam kết thực sự của giới lãnh đạo Sudan đối với dự án này.

Ngay cả khi Sudan thành lập được cơ quan lập pháp mới, điều có thể phải mất ít nhất một năm theo kế hoạch chính trị hiện tại, thì các ưu tiên của chính phủ chuyển tiếp cũng sẽ tập trung vào việc kết thúc chiến tranh, tái thiết đất nước và tổ chức bầu cử hơn là cho phép một căn cứ quân sự nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ.

Với việc Nga đang đối mặt với khó khăn tài chính do lệnh trừng phạt và cuộc xung đột tại Ukraine, Sudan có lý do để tìm kiếm các đối tác giàu tiềm lực hơn, đặc biệt là Mỹ, để phục hồi nền kinh tế và khôi phục quan hệ ngoại giao.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo worldpoliticsreview)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/ke-hoach-thiet-lap-can-cu-hai-quan-nga-tai-sudan-co-thuc-su-kha-thi-20250224142003200.htm