Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch được ban hành nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh). Xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án gắn với nguồn lực triển khai nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch tỉnh. Xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án; xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Yêu cầu đặt ra là đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bối cảnh hội nhập quốc tế và thực tiễn tại địa phương. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu, "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư trong phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể.
Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn
Quyết định nêu rõ, về triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch tỉnh: Đối với các dự án đầu tư công, ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng; hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội, khoa học và công nghệ; hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là các đô thị động lực đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Đối với các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm:
* Phát triển 4 lĩnh vực tạo đột phá: Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, cải cách thủ tục thẩm định phê duyệt các dự án đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện chuyển đổi số.
* Phát triển 5 ngành trọng điểm: Năng lượng tái tạo; du lịch; dịch vụ logistic; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.
* Phát triển 4 hành lang động lực phát triển kinh tế: Hành lang kinh tế trung tâm - từ hai bên quốc lộ 1 đến hai bên đường bộ cao tốc; hành lang kinh tế ven biển; hành lang Đông - Tây kết nối quốc tế với Lào, Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông; hành lang kinh tế biên giới. Trong đó, hành lang kinh tế trung tâm và hành lang kinh tế ven biển đóng vai trò động lực phát triển chính.
Về nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch, Quyết định nêu rõ, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm là 8,2% trong thời kỳ 2021 - 2030, dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 434,056 nghìn tỷ đồng.
7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Kế hoạch nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: Giải pháp về thu hút đầu tư phát triển; về phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội; về bảo vệ môi trường; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong đó, để thu hút đầu tư phát triển, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, ưu tiên các dự án trọng điểm, dự án có tính chất liên kết vùng, tạo động lực phát triển; thực hiện các chính sách thu hút đầu tư dưới nhiều hình thức, huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào xây dựng hạ tầng, vào các dự án về năng lượng và các dự án động lực, công trình giao thông trọng điểm, phát triển văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa.
Đồng thời, khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu tốt, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư ở những quy mô khác nhau.
Huy động nguồn lực từ tài chính, đất đai để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất là tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để bố trí, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, có hiệu quả; đồng thời, khai thác nguồn lực tài chính từ quỹ đất dôi dư, không có nhu cầu sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị trong quá trình thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trường hợp cần thiết, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị nghiên cứu, xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Đồng thời định kỳ báo cáo đánh giá thực hiện Quy hoạch tỉnh, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Quy hoạch. Chủ động rà soát, kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc điều chỉnh Quy hoạch tỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn và điều kiện thực tế tại địa phương theo quy định hiện hành.