Kế hoạch toàn cầu để mọi người sống khỏe mạnh và tốt hơn

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, thích ứng linh hoạt, an toàn với COVID-19 để phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Một điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: YÊN LAN

Đại dịch COVID-19 gây tổn thất vô cùng to lớn cho sức khỏe cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội. Đại dịch đã tác động đến toàn thế giới, làm cho nhân loại có cái nhìn thực tế hơn, cụ thể hơn trong việc đáp ứng khẩn cấp cho vấn đề sức khỏe mang tính toàn cầu.

Bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc), chỉ một thời gian ngắn, COVID-19 đã lây lan ra nhiều quốc gia và trở thành đại dịch toàn cầu. Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 274 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó hơn 246 triệu ca khỏi bệnh, gần 5,4 triệu ca tử vong, hiện còn hơn 22,6 triệu ca đang điều trị.

Tại Việt Nam, hơn 1,5 triệu ca nhiễm đã được ghi nhận, phần lớn là trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay), trong đó có hơn 1 triệu bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, hơn 29.000 người tử vong; số ca tử vong chiếm 2% so với tổng số ca nhiễm. Tại Phú Yên, hơn 6.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 đã được ghi nhận trong đợt dịch thứ tư; trong đó có gần 4.700 bệnh nhân khỏi bệnh, 41 người tử vong do/liên quan đến COVID-19, số còn lại đang điều trị.

Thích ứng an toàn với COVID-19

Dù các quốc gia có nỗ lực cao nhất như đóng cửa biên giới, cách ly người bệnh, cách ly tập trung người tiếp xúc gần..., nhưng đại dịch đã bùng phát với 4 đợt, đợt sau lây lan nhanh hơn đợt trước, số người mắc cao hơn rất nhiều. Tình hình đó cho thấy cần phải có sự thay đổi chiến lược phòng, chống đại dịch hợp lý hơn, hiệu quả hơn. Tất nhiên trong cuộc “chạy đua” này, nhân loại đã có những tiến bộ nhanh chóng, nhiều loại vắc xin, thuốc ức chế virus được nghiên cứu và sản xuất thành công. Các quốc gia cũng nhanh chóng thay đổi chiến lược phòng chống COVID-19, từ “Zero F0” đến thích ứng an toàn với COVID-19 để phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế chứng minh chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19 rất phù hợp, xã hội muốn tồn tại và phát triển thì cần có hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối giữa các vùng miền, lãnh thổ và trên phạm vi toàn cầu.

“Có thực mới vực được đạo”, nếu đóng cửa mãi, ngừng sản xuất mãi thì lấy gì mà ăn, mà phát triển, cụ thể hơn lấy tiền đâu để chống dịch? Cũng không thể giữa các vùng có những quy định, cách làm khác nhau, hay quốc gia này mở cửa, quốc gia gia khác lại đóng cửa khi mà toàn cầu hóa đã trở nên sâu rộng. Sự hành động riêng rẽ, khác nhau của các quốc gia dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất, phân phối lưu thông. Vì vậy, cần có một chiến lược toàn cầu phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội, đem lại sức khỏe cho người dân.

Gần đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra Kế hoạch hành động toàn cầu để người dân sống khỏe mạnh hơn và tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Kế hoạch này của WHO gồm các nội dung cơ bản: Chăm sóc sức khỏe ban đầu; có nguồn tài chính bền vững cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; cam kết của xã hội và cộng đồng; phát hiện các yếu tố nguy cơ cho sức khỏe; đổi mới các chương trình dễ bị tổn thương và thất bại, đáp ứng tốt hơn trong các trường hợp bùng nổ dịch bệnh; nghiên cứu và phát triển, đổi mới và cung cấp; chia sẻ dữ liệu và chỉ báo sức khỏe.

Hiệu quả và thực tế của chăm sóc sức khỏe ban đầu là nền tảng cho sự thành công của các mục tiêu sức khỏe thiên niên kỷ toàn cầu (SDG targets) và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác. Chăm sóc sức khỏe ban đầu gồm các dịch vụ sức khỏe cơ bản, thiết yếu, chất lượng, công bằng, kết hợp được cung cấp cho mọi người gần nơi người dân sinh sống và làm việc, liên kết với những cơ sở cung cấp dịch vụ cao hơn. Cung cấp nhiều hoạt động về chăm sóc sức khỏe để người dân và cộng đồng có nhiều lựa chọn dịch vụ phù hợp và tốt hơn cho họ.

Xây dựng các chương trình và chính sách phù hợp

Nguồn tài chính bền vững đủ cho các quốc gia sẽ giảm được sự lệ thuộc vào sự hỗ trợ dịch vụ cũng như hạn chế chi trả dịch vụ từ tiền túi của họ mà được chi trả qua các hình thức khác như bảo hiểm y tế… Ở những quốc gia có thu nhập thấp, sự chủ động về nguồn tài chính trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe lại càng có ý nghĩa, có tác động tích cực để thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả của các quỹ hỗ trợ khác từ bên ngoài.

Các cộng đồng và nhân viên công tác xã hội cần được hỗ trợ để họ duy trì sự ủng hộ một cách có hiệu quả và họ mang hết kinh nghiệm, kiến thức về cộng đồng, xây dựng chính sách và đáp ứng nhu cầu về sức khỏe dựa trên cơ sở của pháp luật, có trách nhiệm... để không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Việc phát hiện các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe rất quan trọng, từ đó tạo ra môi trường có lợi cho sức khỏe để người dân được sống trong môi trường tốt hơn cho sức khỏe, đảm bảo không một ai bị bỏ lại phía sau, bao gồm quyền con người, bình đẳng giới. Đông thời tạo đòn bẩy để đầu tư và triển khai hoạt động trên các lĩnh vực sức khỏe để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ.

Bên cạnh đó, đảm bảo rằng sức khỏe và dịch vụ đáp ứng cho con người phải tiện lợi, sẵn có và đáp ứng kịp thời, hiệu quả khi dịch bệnh bùng phát. Điều đó cần phải có được sự phối hợp trên nhiều lĩnh vực, kế hoạch dài hạn và nguồn tài chính đủ mạnh; thông tin cần được chia sẻ một cách đầy đủ trong hệ thống y tế của các chính phủ và lực lượng hỗ trợ trên phạm vi toàn khu vực và toàn cầu.

Nghiên cứu, đổi mới là các tiêu chí để cải tiến chất lượng, hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ sức khỏe. Phải đảm bảo chắc chắn rằng sẽ sẵn có hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của người dân.

Sau cùng, chất lượng của các dữ liệu và mở rộng các dữ liệu là chìa khóa cần thiết để đánh giá nhu cầu sức khỏe, thiết kế, xây dựng các chương trình và chính sách, hướng dẫn đầu tư, ra quyết định cũng như đo lường được hiệu quả của chương trình can thiệp. Các số liệu về sức khỏe có thể được trao đổi giữa các quốc gia, các đồng nghiệp sử dụng, phân bổ trang thiết bị một cách đầy đủ, hợp lý trên cơ sở chính sách và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ưu tiên.

Các quốc gia nhanh chóng thay đổi chiến lược phòng chống COVID-19, từ “Zero F0” đến thích ứng an toàn với COVID-19 để phát triển kinh tế. Thực tế chứng minh chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19 rất phù hợp, xã hội muốn tồn tại và phát triển thì cần có hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối giữa các vùng miền, lãnh thổ và trên phạm vi toàn cầu.

BS NGUYỄN VINH QUANG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/417/268849/ke-hoach-toan-cau-de-moi-nguoi-song-khoe-manh-va-tot-hon.html