Kế hoạch 'Trung Quốc+1' của công ty Mỹ có nguy cơ phá sản vì ông Trump
Chính sách thuế quan 'có đi có lại' mới của Tổng thống Donald Trump khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ lao đao và đẩy chiến lược rời Trung Quốc trước nguy cơ phá sản.

Từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc với hy vọng giảm thiểu tác động từ các mức thuế trừng phạt do Mỹ áp đặt.
Nhưng giờ đây, những đòn thuế mới theo kiểu “có đi có lại” của ông Trump đang đẩy các kế hoạch đa dạng hóa này vào tình trạng hỗn loạn, buộc doanh nghiệp phải gấp rút xem xét lại địa điểm và cách sản xuất hàng hóa.
Đảo lộn mọi chiến lược
Steve Greenspon, CEO công ty đồ gia dụng Honey-Can-Do International có trụ sở tại Illinois (Mỹ), đã bắt đầu chuyển nhiều hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Doanh nghiệp này chuyên cung cấp các sản phẩm gia dụng như kệ, móc treo quần áo và giỏ đựng đồ cho các chuỗi bán lẻ lớn của Mỹ như Walmart, Target và Amazon.
Trước khi ông Trump lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu, khoảng 70% sản phẩm của công ty vẫn đến từ Trung Quốc. Nhưng đến nay, tỷ lệ đó đã giảm xuống dưới 1/3 khi Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) trở thành những điểm đến thay thế quan trọng.
Tuy nhiên, tin tức về việc áp thuế cao với cả hàng hóa từ Việt Nam và Đài Loan đã giáng một đòn đau. “Điều này thực sự đè nát công ty chúng tôi. Gây thất vọng. Khiến chúng tôi buồn bã và bức xúc”, ông nói.
“Là một công ty Mỹ, thật đau lòng khi chính phủ lại hành xử như vậy”, Greenspon nói thêm và nhấn mạnh rằng việc đưa sản xuất quay lại Mỹ là không khả thi vì chi phí lao động cao và hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu sản xuất.
Theo Greenspon, các mức thuế mới sẽ buộc doanh nghiệp tăng giá bán cho người tiêu dùng, khiến sản phẩm kém cạnh tranh hơn trên thị trường.

Cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump đã hình thành nên chiến lược "Trung Quốc + 1". Ảnh: Reuters.
Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump đã châm ngòi cho chiến lược “Trung Quốc + 1” khi nhiều nhà sản xuất phân tán sản xuất sang các quốc gia châu Á khác có chi phí thấp hơn và ít rủi ro thuế quan hơn từ Mỹ.
Nhưng với đợt công bố thuế quan mới nhất, áp mức thuế tối thiểu 10% cho tất cả quốc gia và thậm chí cao hơn đối với một số nền kinh tế châu Á, các công ty theo đuổi chiến lược này đang phải cân nhắc lại toàn bộ kế hoạch.
“Chiến lược Trung Quốc + 1 giờ đây đã bị phá vỡ nghiêm trọng bởi các mức thuế mà Tổng thống Trump đang áp lên hầu hết đối tác thương mại của Mỹ”, GS Eswar Prasad chuyên về lĩnh vực thương mại quốc tế tại Đại học Cornell, nhận định.
“Khả năng định tuyến lại chuỗi cung ứng thông qua các quốc gia như Việt Nam hay Ấn Độ - những nước từng có quan hệ thương mại tích cực hơn với Mỹ - giờ cũng không còn giá trị gì trước loạt thuế mới”, ông nói thêm.
Việt Nam và Ấn Độ từng là 2 quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ làn sóng rời Trung Quốc, đặc biệt trong các ngành dệt may và điện tử tiêu dùng.
Thế nhưng hiện nay, hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ, Việt Nam và Đài Loan đang phải gánh thêm các mức thuế lần lượt là 26%, 46% và 32%. Mức thuế trừng phạt 104% đối với hàng Trung Quốc cũng chính thức có hiệu lực vào ngày 9/4.
Theo GS Prasad, mức thuế quan cao áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đồng nghĩa việc định tuyến chuỗi cung ứng thông qua các quốc gia chịu thuế suất thấp hơn vẫn có lợi thế. Tuy nhiên, logic nền tảng của chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị đập tan bởi chính sách thuế. Điều đó khiến chi phí duy trì các chuỗi cung ứng tinh gọn, hiệu quả và xuyên biên giới trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều.
Chuyển hướng nhưng vẫn mù mờ
Các chuyên gia kinh tế và chuỗi cung ứng lưu ý rằng mức độ nghiêm túc trong chính sách thuế của ông Trump vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Nhiều người kỳ vọng chúng sẽ được điều chỉnh thông qua đàm phán song phương.
Daniel Newman, CEO và chuyên gia phân tích chính tại hãng nghiên cứu công nghệ The Futurum Group, không tin các mức thuế hiện tại sẽ được giữ nguyên. Ông kỳ vọng có các thỏa thuận thương mại công bằng hơn với các đối tác như Việt Nam và Ấn Độ, nhưng triển vọng quan hệ thương mại Mỹ - Trung thì “mờ mịt hơn nhiều”.
Đã có những tín hiệu cho thấy Việt Nam và Ấn Độ muốn đàm phán với ông Trump để điều chỉnh các điều khoản thương mại. Tuy nhiên, sự bất định trong các cuộc đàm phán này lại tạo thế tiến thoái lưỡng nan cho doanh nghiệp.
“Tôi đã nói chuyện với một số CEO và lãnh đạo doanh nghiệp, họ thừa nhận các phương án lách thuế mà họ đã xây dựng trong nhiều năm qua có thể không còn hiệu quả. Và với mức độ bất ổn hiện tại, gần như không thể lập kế hoạch phòng ngừa rủi ro nào đủ hiệu quả”, Newman nói.
Theo ông, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ buộc phải phối hợp chặt với đội ngũ chuỗi cung ứng để vạch ra chiến lược ứng phó phù hợp. Nhưng nếu thuế quan vẫn giữ nguyên như hiện tại, nhiều khoản đầu tư theo chiến lược “Trung Quốc + 1” có thể trở thành công cốc.
"Án binh bất động"
Khi các cuộc đàm phán thương mại vẫn đang diễn ra, nhiều doanh nghiệp đang chọn chiến lược “án binh bất động” trước khi thay đổi kế hoạch sản xuất.
“Tôi nghĩ họ sẽ chờ xem tình hình ra sao đã. Các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đang cố gắng thương lượng với ông Trump. Tôi không thể đoán kết quả sẽ thế nào, nhưng các công ty có khả năng đợi xem liệu điều đó có giúp giảm thuế hay không”, William Reinsch, Chủ tịch chương trình kinh doanh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.
Nếu các cuộc đàm phán song phương thất bại, doanh nghiệp sẽ buộc phải tính đến chiến lược “lướt sóng thuế quan” dài hạn, tức là chuyển một phần chuỗi cung ứng sang các nước có mức thuế thấp hơn.
Theo chính quyền Trump, thuế quan là một phần trong kế hoạch “đại tu” nền sản xuất Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng sẽ có một mức độ nhất định các hoạt động tái đầu tư, đưa sản xuất trở lại Mỹ, đặc biệt trong một số ngành.
“Trong bối cảnh thuế quan và các rào cản thương mại đang trở nên quá bất ổn và khó đoán, các tập đoàn có thể ưu tiên khả năng chống chịu thay vì hiệu quả của chuỗi cung ứng”, GS Prasad bổ sung thêm.

Đối tác của Apple từng chật vật chuyển một phần công suất từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg.
Điều này có thể dẫn đến làn sóng đưa sản xuất quay lại Mỹ hoặc chuyển sang các quốc gia được xem là đồng minh địa chính trị của Mỹ.
Tuy nhiên, di dời sản xuất không phải chuyện một sớm một chiều, nhất là đối với những chuỗi cung ứng phức tạp, cần vốn lớn và liên quan đến công nghệ cao.
Ví dụ, đối tác của Apple là Foxconn đã mất nhiều năm mới có thể bắt đầu sản xuất iPhone cao cấp tại Ấn Độ và quá trình này cũng gặp không ít trục trặc.
“Một khi đã đầu tư vào nhà máy thì không thể dễ dàng hay ngay lập tức đảo ngược được. Việc di dời những nhà máy đó sang nơi khác có thể mất vài năm”, GS Arthur Dong, chuyên gia chiến lược và kinh tế tại Đại học Georgetown, cho biết.
Ngoài ra, tùy ngành nghề, doanh nghiệp còn bị giới hạn bởi nhiều yếu tố khi muốn điều chỉnh chuỗi cung ứng như khả năng cung cấp nguyên vật liệu, hạ tầng kỹ thuật, chất lượng và chi phí lao động địa phương, quy định pháp lý và mức độ điều hành.
Những rào cản này khiến quyết định trở nên phức tạp. GS Dong tin rằng một số doanh nghiệp có thể sẽ chọn “cắn răng chịu trận” trong nhiệm kỳ 3-4 năm của ông Trump, đặt cược vào khả năng có sự thay đổi chính trị tại Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.