Kế hoạch xả thải nước chứa phóng xạ đã qua xử lý của Nhật Bản có an toàn?
Mặc dù được bảo đảm bởi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhưng kế hoạch xả thải nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản vẫn đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế.
Thảm họa “chồng” thảm họa
Ngày 11-3-2011, một trận động đất có cường độ 9 độ richter đã xuất hiện ngoài khơi bờ biển Nhật Bản với tâm chấn cách vùng Tohoku khoảng 70km và ở độ sâu khoảng 32km. Chỉ khoảng nửa giờ sau đó, sự đứt gãy đột ngột của mảng địa chất Thái Bình Dương đã làm dịch chuyển vùng nước bên trên và tạo ra một loạt các đợt sóng thần tràn vào đất liền, tấn công nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, phá hủy nguồn điện và làm hỏng hoàn toàn các hệ thống làm mát các thanh nhiên liệu hạt nhân của nhà máy, gây rò rỉ phóng xạ tại 3 lò phản ứng. Các lò phản ứng tại 3 nhà máy điện hạt nhân gần tâm chấn động đất đã tự động ngừng hoạt động theo hệ thống cảm biến.
Chỉ sau đó một ngày, những vụ nổ liên tiếp xảy ra tại các lò phản ứng hạt nhân của nhà máy khiến không khí bị nhiễm phóng xạ, người dân sống trong bán kính 20km buộc phải di dời. Một tháng sau, vùng cấm trải dài 2km xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi được thiết lập.
Chưa dừng ở đó, tháng 2-2021, xứ sở mặt trời mọc tiếp tục phải hứng chịu một trận động đất 7,3 độ richter xảy ra ngoài khơi bờ biển Fukushima, khiến 1 người thiệt mạng và hơn 180 người khác bị thương, đồng thời gây thiệt hại nhỏ đối với nhà máy điện hạt nhân.
Trước bối cảnh như vậy, Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là Yoshihide Suga cam kết đẩy nhanh các nỗ lực khử độc để tất cả các vùng cấm xung quanh nhà máy điện hạt nhân sớm có thể mở cửa trở lại. Những nỗ lực khác cũng được đưa ra nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, ví dụ như đưa các robot nhỏ được trang bị máy ảnh và cảm biến vào các lò phản ứng bị hư hỏng trong khoảng thời gian 5 năm. Tuy nhiên, kết quả cho thấy các mảnh vụn nhiên liệu bị tan chảy có tính phóng xạ cao, cản trở việc thực hiện kế hoạch dọn dẹp nhà máy.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, thảm họa kép này có thể gây thiệt hại lên tới 235 tỷ USD. Nghiêm trọng hơn, ngoài việc khiến hàng trăm nghìn người mất nhà cửa, nó còn gây ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi với 3 lõi lò phản ứng tan chảy, giải phóng lượng lớn phóng xạ vào môi trường xung quanh.
Hơn một thập kỷ trôi qua, người dân Nhật Bản chưa thể quên được cơn “ác mộng” ập đến vào ngày 11-3-2011. Thảm họa “chồng” thảm họa với những hệ lụy kéo dài tới tận bây giờ và có thể còn rất lâu nữa.
Lý do Nhật Bản buộc phải xả thải
Sau khi thảm họa động đất – sóng thần xảy ra, các lò phản ứng tại 3 nhà máy điện hạt nhân gần tâm chấn động đất đã tự động ngừng hoạt động theo hệ thống cảm biến. Nước biển dâng cao làm hỏng hệ thống máy phát điện dự phòng của một số nhà máy, đặc biệt là Fukushima Daiichi. Khi mất điện, hệ thống làm mát ở 3 lò phản ứng ngừng hoạt động. Sau vài ngày, lõi của chúng trở nên quá nóng, dẫn đến sự cố tan chảy thanh nhiên liệu, kéo theo việc giải phóng mức bức xạ ra môi trường. Tháng 3-2011, nước biển gần cơ sở Fukushima Daiichi được phát hiện đã bị nhiễm phóng xạ Iod-131 ở mức độ cao.
Theo IFL Science, để khắc phục hậu quả, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy, đã sử dụng một robot thăm dò để chụp ảnh một trong những lõi lò phản ứng bị nóng chảy trong thảm họa năm 2011. Kết quả cho thấy phần tường bê tông dày 120cm của bệ đỡ có dấu hiệu hư hỏng nặng ở đế, để lộ phần cốt thép bên trong. Đây có thể sẽ trở thành vấn đề lớn nếu một trận động đất khác tiếp tục xảy ra trong khu vực.
Bên cạnh đó, thảm họa kép năm 2011 đã khiến nhà máy bị ngập nước, với khoảng 1,3 triệu tấn nước thải được lưu trữ trong hơn 1.000 bể chứa tại khu vực. Để xử lý nước thải có chứa phóng xạ được tạo ra hằng ngày trong quá trình làm mát các thanh nhiên liệu, cũng như nước mưa và nước ngầm bị nhiễm phóng xạ từ nhà máy, thời gian qua, TEPCO đã thực hiện các biện pháp như lát đá xung quanh các tòa nhà, xây dựng mái che và lắp đặt các hệ thống thu hồi nước mưa…, nhằm làm giảm lượng nước thải ô nhiễm này. Đến năm 2022, lượng nước bị ô nhiễm phóng xạ phát sinh đã giảm còn khoảng 100m3/ngày, chỉ bằng chưa đầy 25% so với con số 540m3/ngày vào thời điểm tháng 5-2014. Bên cạnh đó, vào năm 2012, một hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) cũng được xây dựng, có khả năng loại bỏ 62 chất phóng xạ ra khỏi nước ô nhiễm. Sau đó, nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý sẽ được bơm vào các bể chứa được đặt trong khuôn viên nhà máy.
Vấn đề đặt ra ở đây là TEPCO hiện chỉ có hơn 1.000 bể chứa nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý và các bể chứa này đang dần bị lấp đầy với hơn 1,3 triệu tấn, chiếm gần 96% tổng dung tích của các bể chứa. Dự kiến các bể này sẽ không còn chỗ chứa nước thải cho tới mùa hè hoặc mùa thu năm nay. Điều này sẽ gây khó khăn cho hoạt động tháo dỡ các lò phản ứng hư hại ở Fukushima.
Trong suốt hơn 6 năm qua, TEPCO và các cơ quan chức năng Nhật Bản đã nghiên cứu các phương án khác nhau nhằm giải phóng nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý như cho bay hơi và bơm địa quyển. Tháng 4-2021, chính phủ Nhật Bản đã kết luận rằng phương án xả thải ra biển là mang tính thực tế nhất. Tờ Nikkei Asia sau đó đưa tin, Tokyo dự kiến bắt đầu xả nước thải từ tháng 8 tới đây – mốc quan trọng trong quá trình dừng hoạt động nhà máy bị tàn phá trong thảm họa kép hồi năm 2011.
Câu hỏi về tính an toàn
Tại cuộc họp báo ở Tokyo hôm 13-2, ông Junichi Matsumoto, Giám đốc quản lý nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý của Công ty Kỹ thuật Khử ô nhiễm và Phá dỡ Fukushima số 1, cho biết trước khi xả ra biển, nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý sẽ được pha loãng để giảm nồng độ phóng xạ xuống dưới 1.500 becquerel/lít, tương đương 1/40 nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản và 1/7 tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với nước uống.
Bên cạnh đó, ngoài việc pha loãng, trước khi xả thải ra biển, nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý sẽ được bơm vào một bể để kiểm tra nồng độ của 29 chất phóng xạ (ngoại trừ tritium) để đảm bảo rằng nồng độ của các chất này thấp hơn so với quy định. Việc đo lường nồng độ của 69 chất phóng xạ cũng sẽ được thực hiện bởi TEPCO cũng như các cơ quan bên ngoài được ủy quyền bởi TEPCO và các bên thứ ba được ủy thác bởi Chính phủ Nhật Bản.
Theo ông Matsumoto, nước thải không đạt quy định sẽ được lọc lại (bằng hệ thống ALPS) cho đến khi đạt yêu cầu thì mới được phép xả thải ra biển. Tác động của việc xả nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý ra biển đối với con người và môi trường đã được đánh giá theo các phương pháp được quốc tế công nhận, chẳng hạn như các tài liệu Tiêu chuẩn An toàn của IAEA.
Mới đây theo Reuters, IAEA đã chấp thuận kế hoạch của Nhật Bản trong việc xả thải nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi ra biển, cho biết hoạt động này đáp ứng các quy định an toàn quốc tế và “tác động phóng xạ đến con người, môi trường là không đáng kể”. Trước đó, Nhật Bản chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của IAEA nhằm tăng độ tin cậy cho kế hoạch gây tranh cãi này. Từ đầu năm 2022, liên quan đến kế hoạch này, IAEA đã có nhiều chuyến công tác đến Nhật. Cơ quan giám sát năng lượng nguyên tử của Liên hợp quốc cho biết tính đến nay tất cả các báo cáo đánh giá lượng nước tích trữ trong các bồn chứa đặc biệt đều tốt. Giám đốc IAEA Rafael Grossi đã có mặt ở Nhật Bản từ ngày 4 đến 7-7 để công bố báo cáo cuối cùng của IAEA về kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ của Tokyo. Nhật Bản cũng đã cam kết và sẽ chịu sự giám sát của các chuyên gia đến từ 11 nước trong vòng 2 năm kể từ ngày xả thải.
Phản ứng từ dư luận
Ở trong nước, các nghiệp đoàn đánh cá của Nhật Bản lâu nay vẫn lo ngại nước thải nhiễm phóng xạ gây thiệt hại về uy tín, danh tiếng nguồn gốc hải sản và sinh kế của họ sau khi một số nước cấm nhập khẩu một số mặt hàng hải sản của Nhật Bản do lo ngại bị nhiễm phóng xạ.
Năm 2015, chính phủ Nhật Bản và TEPCO được cho là có hứa sẽ không xả nước thải mà không có sự đồng ý của cộng đồng ngư dân. Giờ đây, nhiều người bất bình vì không có sự đồng ý đầy đủ của ngư dân nhưng kế hoạch này vẫn cứ diễn ra. Theo AP, Liên đoàn hợp tác xã thủy sản quốc gia Nhật Bản (JF Zengyoren) yêu cầu chính quyền Tokyo phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với ngành khai thác thủy sản cũng như các thành viên của tổ chức này. “Chúng tôi không thể ủng hộ quan điểm của chính phủ rằng việc xả thải ra đại dương là giải pháp duy nhất của câu chuyện này”, AP dẫn lời Chủ tịch JF Zengyoren Sakamoto Masanobu nhấn mạnh.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi trong tuần này, các quan chức phụ trách vấn đề thủy sản ở Fukushima và một số địa phương lân cận cũng bày tỏ quan ngại với quyết định của chính quyền. Tuy nhiên, theo AP, họ được cho biết rằng chính phủ Nhật Bản đã thành lập một quỹ để xúc tiến quảng bá thủy sản của Fukushima và đảm nhiệm bồi thường trong trường hợp doanh số bán hàng giảm do những lo ngại về an toàn nguồn nước xung quanh khu vực khai thác.
Trung Quốc vẫn duy trì lập trường cứng rắn, kêu gọi Nhật Bản hoãn kế hoạch này. Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng Nhật Bản hành động liều lĩnh, coi thường sức khỏe và sự an toàn của công dân Trung Quốc cũng như lợi ích của cộng đồng toàn cầu. “Trung Quốc đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc với phía Nhật Bản thông qua các kênh ngoại giao. Trước khi thực hiện bất kỳ hành động đơn phương nào có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác, Nhật Bản phải tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế và xin phép các cơ quan quốc tế có liên quan”, ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Tse Chin-wan, quan chức Hồng Kông (Trung Quốc) về môi trường và sinh thái, cho rằng quyết định xả nước thải của Nhật Bản mà không xin phép hoặc được đồng ý của các quốc gia khác có thể gây nguy hiểm cho môi trường biển và sức khỏe cộng đồng.
Về phần mình, chính phủ Hàn Quốc có phản ứng bớt gay gắt hơn. Yonhap dẫn lời ông Park Ku-yeon, Phó chánh văn phòng điều phối nhà nước Hàn Quốc, cho biết về cơ bản, quan điểm của chính phủ Hàn Quốc là tôn trọng các quyết định của IAEA, vì đây là một tổ chức được quốc tế công nhận. Trước khi thải ra biển, nước nhiễm xạ phải trải qua quá trình đo lường, nếu nước không đáp ứng tiêu chuẩn thì sẽ bị đưa trở lại hệ thống xử lý nâng cao và được lọc lại. Quá trình lọc sẽ được lặp đi lặp lại cho đến khi nước đạt tiêu chuẩn xả thải. “Chính phủ Hàn Quốc hiểu rằng không có khả năng nước được thải ra ngoài mà không đạt tiêu chuẩn an toàn”, ông Park Ku-yeon nhận định. Hàn Quốc hồi tháng 5 đã cử chuyên gia đến Fukushima để đánh giá tình hình và chính phủ dự kiến sớm công bố kết quả. Chính quyền Seoul vẫn áp lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm Nhật Bản từ các khu vực xung quanh nhà máy hạt nhân Fukushima.
Ngược lại, các nhà bảo vệ môi trường ở Hàn Quốc đã tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul để phản đối kế hoạch xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima ra đại dương. Thậm chí, ngày 8-7, hàng trăm người Hàn Quốc xuống đường ở Seoul để tiếp tục phản đối kế hoạch này của Nhật Bản. Dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát, người biểu tình cầm những tấm biển với nội dung “Chúng tôi phản đối xả nước thải hạt nhân của Fukushima ra biển” hay “Chúng tôi dùng tính mạng để phản đối”. Biểu tình diễn ra khi Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi đang thăm Hàn Quốc để thảo luận với quan chức cấp cao nước này về kế hoạch xả nước thải của Nhật Bản. Người dân Hàn Quốc cũng đã thể hiện sự âu lo và bất lực của mình bằng cách mua tích trữ muối để tránh phải sử dụng muối nhiễm xạ về sau.
Mặt khác, theo The Guardian, Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương (PIF), tổ chức đại diện cho 18 quốc đảo, vốn sinh kế phụ thuộc vào biển, cũng đã bày tỏ quan điểm về kế hoạch của Nhật Bản. “Phải có sự tham vấn quốc tế toàn diện, đặc biệt là với các quốc gia bị ảnh hưởng”, The Guardian dẫn lời Tổng thư ký PIF Henry Puna khuyến nghị.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/ke-hoach-xa-thai-nuoc-chua-phong-xa-da-qua-xu-ly-cua-nhat-ban-co-an-toan-733895