Kế hoạch xây 2.000 nhà vệ sinh công cộng phá sản
Hà Nội và TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng thêm 2.000 nhà vệ sinh công cộng từ năm 2016, nhưng đến nay sau gần 7 năm vẫn chưa thực hiện được.
Lời tòa soạn
Thực trạng nhà vệ sinh công cộng thiếu trầm trọng lại xuống cấp, bẩn, mất mỹ quan đã tồn tại nhiều năm ở Hà Nội và TP.HCM. Kỳ nghỉ lễ vừa qua, vấn đề nơi "giải quyết nỗi buồn" với du khách trở nên cấp bách, trong khi những vướng mắc từ thiếu quỹ đất, kêu gọi đầu tư xã hội hóa không hiệu quả, duy trì, cải tạo lại chưa được quan tâm đúng mức. Đã đến lúc vấn đề nhà vệ sinh công cộng ở các đô thị lớn phải được quan tâm lớn, đầu tư lớn và thực hiện với quyết tâm lớn.
Chỉ làm được 80/1.000 nhà vệ sinh xã hội hóa
Để đáp ứng nhu cầu của du khách, thúc đẩy phát triển du lịch, từ giữa năm 2016, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn nhà đầu tư xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC).
Dù được xây dựng từ nguồn xã hội hóa, nhưng những nhà vệ sinh này phải đảm bảo thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan; sử dụng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường.
Kế hoạch hoành tráng là vậy, nhưng qua 7 năm triển khai, đến nay mới chỉ có hơn 80 NVSCC được đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Chưa hết, Hà Nội hiện có hơn 300 NVSCC, trong đó có gần 200 công trình bằng gạch được xây dựng từ trước năm 1990, gần 100 cái vỏ thép được đầu tư trước năm 2010.
Cũng giống như Hà Nội, từ năm 2016, TP.HCM đặt ra mục tiêu xây dựng 1.000 NVSCC. Tuy nhiên, đến nay, thành phố trên 10 triệu dân này mới chỉ có khoảng 255 cái. Trong đó, NVSCC chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành như quận 5 với 38 cái; ở trung tâm như quận 1, quận 3 có khoảng 10-18 cái.
Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện đơn vị đầu tư NVSCC ở Hà Nội và TP.HCM cho biết, giá thành làm ra một nhà vệ sinh bằng thép chỉ 150- 200 triệu đồng/cái.
“Nếu muốn chúng tôi có thể làm vài trăm cái trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, để tìm được vị trí lắp đặt hàng trăm NVSCC trong nội thành thì không dễ, vì thường bị bà con phản ứng. Chính vì vậy, kế hoạch xây dựng hàng trăm NVSCC không đáp ứng được yêu cầu đề ra”, đại diện đơn vị đầu tư chia sẻ.
Mổ xẻ vấn đề trên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, do chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng nên mới dẫn đến tình trạng thiếu NVSCC. TP.HCM là đô thị lớn, với 10 triệu dân, nên theo ông Nguyễn Văn Nên, việc thiếu hay người dân khó tiếp cận NVSCC là điều khó chấp nhận.
Còn Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, các sở ngành không bàn tới bàn lui việc này, “không thể chấp nhận việc thiếu NVSCC ở một đô thị lớn như TP.HCM. Đừng để người dân, du khách phản ánh đô thị văn minh, hiện đại lại thiếu NVSCC”.
“Chỉ thiếu quyết tâm, chứ không thiếu tiền”
Ông Trần Anh Tú, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất chia sẻ, hai năm trước khi được điều động về làm lãnh đạo, nơi đầu tiên ông tìm đến quan sát là các nhà vệ sinh.
“Tôi yêu cầu anh em phải lau dọn thường xuyên, không được để nhân dân phản ánh nhà vệ sinh ô nhiễm”, ông Tú nói và cho biết, còn để xây dựng mới thì phải chờ dự án cải tạo công viên này.
Riêng quận Hoàn Kiếm hiện có khoảng 50 NVSCC, phần lớn trong đó được giao cho Công ty Môi trường đô thị (URENCO) chi nhánh Hoàn Kiếm quản lý. Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc URENCO chi nhánh Hoàn Kiếm cho biết: "Các nhà vệ sinh đơn vị quản lý được công nhân lau dọn thường xuyên. Nhưng do các thiết bị đều đã cũ nên nhìn không được sạch”.
Ông Chiến cũng bày tỏ, lãnh đạo TP Hà Nội cũng như quận Hoàn Kiếm nhìn ra bất cập của những nhà vệ sinh nên đã đưa ra kế hoạch cải tạo, sửa chữa. “Thời gian tới, quận và thành phố sẽ tính toán kinh phí nâng cấp NVSCC hiện đại hơn”, lời Giám đốc URENCO Hoàn Kiếm.
Trao đổi với PV VietNamNet, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng, nếu người đứng đầu các cấp, ngành không đủ quyết tâm thì rất khó có được một hệ thống NVSCC đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và du khách ở Hà Nội và TP.HCM.
“Hai thành phố lớn nhất cả nước, đầu tàu về phát triển kinh tế - xã hội thì không thiếu tiền để xây dựng vài trăm cái NVSCC. Thậm chí, nếu có cơ chế hợp lý, tư nhân họ cũng sẵn sàng bỏ tiền ra làm”, ông Cừ nói.
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, thực tế nhiều năm qua, chính quyền các cấp của Hà Nội và TP.HCM chưa có sự quan tâm đúng mức nên không dành nguồn lực đầu tư NVSCC. Do đó, rất ít NVSCC được xây mới, những cái có sẵn lại không được chỉnh trang kịp thời dẫn đến xuống cấp.
NVSCC gần 50 tuổi vẫn ‘oằn mình’ phục vụ
Do được xây dựng cách đây gần nửa thế kỷ nên nhiều nhà vệ sinh bằng gạch trong phố cổ thuộc các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Điển hình trong đó là NVSCC ở 62 Trần Quý Cáp (quận Đống Đa). Các mảng tường nhà vệ sinh này bị nứt toác, lớp vữa bên ngoài bong tróc. Tất cả cánh cửa gỗ của nhà vệ sinh này đều mục ruỗng. Bệ xí bệt cái thì nứt toác, cái thì sụt lún và được vá chằng vá đụp bằng xi măng.
Bà Trần Thị Xuân, người dọn dẹp ở đây cho biết, nhà vệ sinh này được xây dựng trước những năm 1980, nên gần như mọi thứ đều bị hỏng và không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.
"Tôi đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng cải tạo nhưng chỉ thấy một vài người đến kiểm tra rồi bỏ mặc. Thậm chí, khi nhà vệ sinh hỏng lâu ngày, tôi phải bỏ tiền túi ra sửa chữa để phục vụ bà con", bà Trần Thị Xuân chia sẻ.
Kỳ cuối: Cần bỏ cách đầu tư manh mún nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội, TP.HCM