Kê khống chi phí tiền lương, tiền công có thể bị xử lý hình sự
Nhằm trốn thuế/giảm nghĩa vụ nộp thuế, một số doanh nghiệp (DN) “trộm” thông tin cá nhân của người lao động để kê khống chi phí tiền lương, tiền công. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Trao đổi với Báo Đồng Nai về vấn đề này, Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Toàn Thắng cho biết, DN vi phạm sẽ bị lưu vết và cơ quan thuế sẽ theo dõi, xử lý theo quy định pháp luật thuế và liên quan nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Người nộp thuế cần chủ động cài đặt ứng dụng eTax Mobile để kiểm soát nguồn thu nhập của mình, không bị lấy cắp thông tin và kịp thời phản ánh đến cơ quan thuế để có biện pháp xử lý.
* Ông có thể nêu rõ một số hành vi vi phạm về thuế của DN hiện nay?
- Trong thời gian qua, cơ quan thuế đã nhận được một số phản ánh liên quan đến trường hợp DN sử dụng thông tin cá nhân của công dân (tên, mã số thuế, số căn cước công dân) để kê khai, tính chi phí tiền lương, tiền công khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trong khi DN không phát sinh trả thu nhập trên thực tế cho cá nhân đó. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về thuế, nhằm mục đích gian lận, giảm số tiền thuế phải nộp của DN. Đồng thời, gây ảnh hưởng đến người nộp thuế là cá nhân khi bị DN tự ý sử dụng thông tin cá nhân.
Hành vi tự ý sử dụng thông tin của cá nhân để kê khống số lượng người lao động, hạch toán khống chi phí nhân công… là vi phạm pháp luật về dân sự, hành chính và pháp luật hình sự. DN, tổ chức trả thu nhập kê khai khống sẽ bị lưu vết và cơ quan thuế sẽ theo dõi, xử lý theo đúng quy định về thuế và pháp luật liên quan (nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự).
* Cụ thể hành vi vi phạm trên ảnh hưởng như thế nào đến người bị “trộm” thông tin, thưa ông?
- Hiện nay, tình trạng để lộ, lọt hay mua bán thông tin cá nhân vẫn đang diễn ra nên một số DN đã thu thập các thông tin này, sau đó sử dụng nó để trục lợi. Không ít trường hợp người lao động bị đưa vào bảng lương của DN khác mà không hề biết. Chỉ khi cơ quan thuế tại nhiều tỉnh, thành như: thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), tỉnh Cao Bằng... rà soát thu nhập từ nhiều nguồn của người lao động tại các DN mới phát hiện và xử lý hàng chục DN với số tiền kê khai về chi phí lao động khá lớn. Điều này không những gây thất thu ngân sách, mà chính người bị “trộm” thông tin cá nhân cũng có thể gặp những rắc rối khác, cụ thể là khả năng bị truy thu thuế TNCN.
“Khi bị phát hiện sai phạm, DN, tổ chức trả thu nhập kê khai khống sẽ bị lưu vết và chịu sự theo dõi của cơ quan thuế, đồng thời bị xử lý vi phạm theo quy định. Trường hợp hành vi được xác định vi phạm pháp luật, căn cứ vào mức độ vi phạm của DN, tổ chức trả thu nhập, Cục Thuế Đồng Nai xử phạt theo đúng quy định Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai NGUYỄN TOÀN THẮNG cho biết.
* Cục Thuế Đồng Nai đã có giải pháp gì để cảnh báo, cũng như bảo vệ quyền lợi cho người nộp thuế, thưa ông?
- Để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế và ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với DN, tổ chức trả thu nhập có hành vi gian lận trên, Cục Thuế Đồng Nai đã chỉ đạo các phòng chức năng thuộc Cục Thuế Đồng Nai và các chi cục thuế khu vực tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế. Trong đó, chú trọng công tác kiểm tra thuế TNCN trong quá trình triển khai công tác thanh tra, kiểm tra thuế; triển khai công tác quản lý thuế TNCN kịp thời, có hiệu quả.
Đồng thời, nghiên cứu để khai thác, sử dụng các chức năng trên hệ thống công nghệ thông tin, từ đó phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hồ sơ quyết toán thuế TNCN cũng như để hỗ trợ, phục vụ tốt hơn đối với người nộp thuế.
Song song đó, chúng tôi đẩy mạnh thực hiện các nội dung tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Trong đó, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các nội dung ngành như: rà soát chuẩn hóa mã số thuế cá nhân, cài đặt và tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế trên ứng dụng eTax Mobile; sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm tra, giám sát hồ sơ quyết toán thuế TNCN; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp DN, tổ chức có hành vi sử dụng thông tin cá nhân để kê khai tính chi phí khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập DN trong khi không phát sinh nghĩa vụ chi trả thu nhập trên thực tế.
* Ông có khuyến cáo gì đến người nộp thuế và DN?
- Người dân cần nâng cao cảnh giác, bảo vệ dữ liệu cá nhân; hạn chế việc khai báo, đưa thông tin cá nhân, số căn cước công dân, chứng minh nhân dân, mã số thuế, số tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho người khác và trên không gian mạng. Thường xuyên tra cứu thông tin người nộp thuế tại đường dẫn https://tracuunnt.gdt.gov.vn; sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử do cơ quan thuế cấp, cài đặt ứng dụng eTax Mobile trên điện thoại thông minh và tra cứu thông tin về các nguồn thu nhập trên ứng dụng eTax Mobile để tự đảm bảo kiểm soát được đầy đủ, chính xác các nguồn thu nhập của bản thân.
Khi nhận được tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn. Người nộp thuế cũng cần lưu ý, trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan thuế sử dụng giao thức “https” và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. (Ví dụ: website Cục Thuế Đồng Nai có tên miền: https://www.dongnai.gdt.gov.vn).
Cơ quan thuế đang thực hiện chuẩn hóa mã số thuế cá nhân, đề nghị người nộp thuế cập nhật số căn cước công dân vào mã số thuế đang sử dụng, cam kết chỉ có một mã số thuế.
Đối với DN, tổ chức chi trả thu nhập cho người lao động, phải nhận thức rõ hành vi tự ý sử dụng thông tin cá nhân để kê khống số lượng người lao động, hạch toán khống chi phí nhân công… là vi phạm pháp luật. Mọi khoản thu nhập của cá nhân được lưu trên hệ thống dữ liệu ngành thuế và cơ quan thuế dễ dàng phát hiện khi tra cứu các nguồn thu nhập của cá nhân từ 2 nơi trở lên. Bên cạnh đó, ngành thuế đã triển khai nâng cấp các chức năng tổng hợp dữ liệu quyết toán, tra cứu quản lý nguồn thu nhập... trên các ứng dụng TMS, eTax Mobile để hỗ trợ cơ quan thuế các cấp trong quá trình xử lý, giải quyết hồ sơ quyết toán thuế TNCN.