'Kẻ kiến tạo' - Ai chiến thắng trong cuộc chiến giữa loài người và trí tuệ nhân tạo?
'Kẻ kiến tạo' là bộ phim hành động viễn tưởng mới nhất đề cập đến AI (trí tuệ nhân tạo) với sự góp mặt của bộ đôi John David Washington - Gemma Chan cùng một vai phụ của nữ diễn viên Ngô Thanh Vân.
Tạp chí Variety đánh giá “Kẻ kiến tạo” (The Creator) là “một bộ phim khoa học viễn tưởng sâu sắc và sống động với những kẻ phản diện không nhận ra rằng đối thủ của họ là những robot có linh hồn”. Thật vậy, bộ phim mới nhất của Hollywood về chủ đề AI chứa đựng mối tương quan giữa con người và trí tuệ nhân tạo theo cả 2 chiều: Sự đồng cảm và phản kháng lẫn nhau.
Khi AI trỗi dậy
Bộ phim lấy bối cảnh tương lai vào giữa năm 2070, khi các hệ thống máy tính của AI bị cho là thủ phạm xâm nhập trái phép hệ thống hạt nhân ở Los Angeles (Hoa Kỳ) và gây hậu quả nhân mạng khủng khiếp. Nhà chức trách ngay lập tức tìm diệt tất cả hệ thống AI trên diện rộng. Đặc vụ Joshua (John David Washington thủ vai) thuộc lực lượng đặc nhiệm được cử đến vùng New Asia thâm nhập vào một tập thể những người có cảm tình với robot. Mục đích của Joshua là tiêu diệt tận gốc The Creator (tức thủ lĩnh của AI) vốn được xem là một nhà khoa học kiến tạo đầy bí ẩn.
Joshua cưới Maya (Gemma Chan đóng) với mục đích tìm kiếm thông tin, nhưng rồi lại nảy sinh tình cảm thực sự với cô ấy. Maya không may bị chết sau một cuộc đột kích khiến Joshua đau đớn và từ bỏ nhiệm vụ. Nhiều năm sau, lực lượng đặc nhiệm tung thông tin mập mờ rằng Maya có thể vẫn còn sống để thuyết phục Joshua quay lại tham gia hoàn thành công việc.
Trên đường đi, Joshua tình cờ gặp cô bé robot 6 tuổi Alphie (do diễn viên nhí Madeleine Yuna Voyles đóng) có nhiều khả năng siêu nhiên. Suy nghĩ của Joshua lúc này thay đổi, anh dường như không còn phân biệt giữa con người và máy móc, chỉ còn lại đúng và sai. Vai trò của Alphie (cách đặt tên tựa như Alpha) có ý nghĩa gì khi cô bé robot (toàn thân đều là máy móc) này lại biết chảy nước mắt?
Chọn người hay AI?
“Kẻ kiến tạo” có thể xem là phần ngoại truyện của loạt phim “Chiến tranh giữa các vì sao” (Star Wars) trên trái đất. Phim cũng nhắc nhớ nhiều bộ phim về chủ đề AI khác nhau trước đây như “Tội phạm nhân bản 2049” (Blade Runner 2049), “AI-Trí tuệ nhân tạo” (A.I. Artificial Intelligence)…
Đạo diễn Gareth Edwards xây dựng đầy đủ chất liệu cho một bộ phim bom tấn hành động táo bạo và kịch tính. Những cỗ máy hủy diệt, những cảnh tấn công với đủ loại vũ khí công nghệ siêu hiện đại khơi dậy sự phấn khích của khán giả, trong khi cuộc trốn chạy đáng thương để duy trì sự sống của các robot AI nhỏ bé gây nhiều đồng cảm. Liệu có ngẫu nhiên không khi AI liên kết với một bộ phận các dân tộc thiểu số trên trái đất?
Bộ phim đầu tiên về trí tuệ nhân tạo AI (Artificial Intelligence) có lẽ là “Kẻ hủy diệt” (The Terminator) của đạo diễn James Cameron do diễn viên Arnold Schwarzenegger đóng vai chính, ra mắt năm 1984 và gặt hái thành công lớn. James Cameron bấy giờ đã “kiến tạo” (creator) đúng theo nghĩa đen về robot và AI có thể gây nguy hiểm như thế nào khi công nghệ ngày càng phát triển. “Kẻ hủy diệt” là bộ phim mang tính bước ngoặt trong lịch sử điện ảnh và trở thành một trong những thương hiệu phim hành động thành công nhất của Hollywood với doanh thu tổng cộng 6 phần đã chiếu rạp lên đến hơn 3 tỷ USD. “Kẻ hủy diệt” phần 7 mang tựa “Kết thúc chiến tranh” sẽ ra rạp năm 2024 vẫn có sự góp mặt của Arnold Schwarzenegger dù ông năm nay đã 76 tuổi.
Tiền đề thay đổi ấn tượng nhất của phim nằm ở nhân vật chính Joshua. Bị mất 1 tay và 1 chân, phải đeo chân tay giả của robot, nhưng anh lại tuyên chiến và cam kết tiêu diệt AI ở bất cứ nơi nào nó được phát triển. Để rồi cuối cùng Joshua đi đến quyết định thay đổi đầy bản lĩnh. Anh biết phân biệt tình cảm và đúng sai.
Anh không muốn chứng kiến những ai mang danh con người nhưng lại hành động thiếu nhân văn, thậm chí không tốt đẹp bằng một cỗ máy. Người dân tộc thiểu số cũng sẵn sàng tuyên bố họ đứng về phe robot vì “robot AI có tình cảm hơn con người!”.
“Kẻ kiến tạo” ra mắt trong thời điểm AI đang ngày càng bùng nổ mạnh mẽ, tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống và gây phản ứng đa chiều trong cộng đồng thế giới. Bộ phim cho khán giả một góc nhìn khác về AI cùng mối tương quan giữa con người và máy móc, công nghệ và cảm xúc. Và hành tinh này không cần chiến tranh để giải quyết mâu thuẫn mà cần những robot mang tính “người” như Alphie có tình thương, sự cảm hóa dành cho cả người lẫn robot.
Ngô Thanh Vân - “chất Việt” trong bom tấn Hollywood
Từng xuất hiện trong những bộ phim Hollywood như “Những chiến binh bất tử” (The Old Guard) hay “Chiến tranh giữa các vì sao: Jedi cuối cùng” (Star Wars: The last Jedi), nhưng đến “Kẻ kiến tạo”, Ngô Thanh Vân mới có vai diễn thời lượng ngắn nhưng góp nhiều ý nghĩa vào nội dung tổng thể. Đạo diễn Gareth Edwards từng sang Việt Nam du lịch đã đồng ý cho Ngô Thanh Vân nói ít câu thoại tiếng Việt thông qua nhân vật phụ Kami. Cô người máy xinh đẹp và cá tính này có liên quan đến hành trình tìm kiếm đấng cứu thế ở khu vực Đông Nam Á của nhân vật chính Joshua. Kami qua hóa thân ấn tượng của Ngô Thanh Vân góp phần chứng tỏ người máy cũng có suy nghĩ và cảm xúc riêng. Ralph Ineson (vai Andrews - chỉ huy quân đội tối cao), Allison Janney (vai nữ đặc vụ Howell có quan điểm chống AI quyết liệt), Ken Watanabe (vai Harun - thủ lĩnh của cuộc nổi dậy Simulant)… là những vai diễn khác có nhiều đất diễn trong phim. Bên cạnh đó là Madeleine Yuna Voyles, Sturgill Simpson, Marc Menchaca…