'Kẻ săn mồi' trong giới thời trang
Môi trường làm việc đặc thù của ngành thời trang tạo điều kiện cho nhiều vụ lạm dụng tình dục. Nhiều cô gái trẻ trở thành nạn nhân của những 'kẻ săn mồi'.
Lạm dụng tình dục là điều không hiếm trong ngành giải trí. Thời trang cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Sau vụ 6 người mẫu kiện cựu giám đốc châu Âu của Elite Model Management, huyền thoại Beverly Johnson cũng gây sốc với những tiết lộ về cuộc đời mình.
Những kẻ săn mồi
Johnson là một trong những cái tên có tầm ảnh hưởng nhất giới thời trang. Bà là nữ người mẫu da màu đầu tiên xuất hiện trên bìa tạp chí Vogue - ấn phẩm được xem như "kinh thánh thời trang" của Mỹ. Gần đây, Johnson cũng được trao giải Ảnh hưởng Xã hội tích cực cho Liên minh Người mẫu tại CFDA 2021.
Trong bài phát biểu của mình, Johnson đã chỉ ra những mặt tối sau ánh hào quang năm 1974 - thời điểm bà làm nên lịch sử khi lên bìa Vogue. Ở tuổi 69, bà vẫn không thể quên mình bị đánh thuốc mê và suýt bị cưỡng hiếp bởi diễn viên hài nổi tiếng Bill Cosby trong buổi thử giọng cho chương trình The Cosby Show tại nhà ông ta.
"Tạ ơn Chúa. Thực tế là tôi đã gào lên và chửi rủa rất nhiều để mình không bị cưỡng hiếp. Công ty quản lý người mẫu đã đưa tôi đến đó. Sau đó, tôi phát hiện người đại diện của mình đã tiếp tay cho những kẻ săn mồi này", bà nói.
Cosby (84 tuổi) cũng đã có thời gian kiện cáo liên miên với Johnson khi bà lần đầu kể câu chuyện của mình. Tuy nhiên, Cosby đã từ bỏ vụ kiện này vào năm 2016.
Bài phát biểu của Johnson đã gây được hiệu ứng tích cực. Bà thừa nhận mình hạnh phúc khi những phát biểu đó được nhiều người chú ý.
Theo Johnson, ngành thời trang không hề đơn giản như những gì người ngoài thường nhìn. Nó giống chùm bong bóng mà thế giới bên ngoài không thể tràn vào. Bên trong những chùm bong bóng đó là kẻ săn mồi như Cosby và cũng có kẻ phân biệt chủng tộc.
"Cảm giác như bong bóng đó cuối cùng cũng chuẩn bị vỡ ra", Johnson chia sẻ với Page Six.
Những mảng tối
Phát biểu của Johnson chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều câu chuyện đen tối khác của ngành thời trang.
Emily Ratajkowski - nữ diễn viên, người mẫu nổi tiếng người Mỹ - cũng có kinh nghiệm trong vấn đề này. Ngoài nghề chính, cô còn là nhà hoạt động nữ quyền. Trong cuốn sách My Body của mình, Ratajkowski đã nói về mặt tối của Hollywood và những gì bản thân từng trải qua.
Cô cáo buộc Robin Thicke đã "mò mẫm ngực tôi trong khi quay MV Blurred Lines". Ngoài ra, cô cũng tố cáo nhiếp ảnh gia Jonathan Leder tấn công tình dục mình trong buổi chụp ảnh năm 2012.
Cái bong bóng hào nhoáng Johnson đã nhắc trong bài phát biểu hay câu chuyện của Ratajkowski khiến nhiều người rùng mình khi nghĩ về ngành công nghiệp người mẫu. Đây vốn là nghề nghiệp được nhiều người nhận xét "chỉ dành cho số ít may mắn với quần áo miễn phí và những chuyến bay khắp thế giới, được đội ngũ trang điểm nâng niu...".
Tuy nhiên, thực tế, đây là ngành công nghiệp áp lực và các hành vi "săn mồi tình dục" diễn ra tràn lan. Vấn đề lớn nhất ở chỗ khi vào độ tuổi trẻ, các người mẫu mới dấn thân vào ngành công nghiệp đồng ý hoặc buộc phải đồng ý để đàn ông (và nhiếp ảnh gia nói riêng) kiểm soát mình.
Bầu không khí đó nuôi dưỡng những mối quan hệ lạm dụng.
Người mẫu Coco Rocha từng bị quấy rối ngay từ khi mới vào nghề ở tuổi 15. Cô kể mình bị ép thay đồ trước mặt nhiều người. Tệ hơn, nhiều người còn bị ép khỏa thân hoặc quan hệ tình dục. Đó có thể là những người mẫu trẻ tuổi đơn độc, không tiếng nói.
Một cuộc khảo sát trực tuyến ẩn danh do nhóm vận động The Model Alliance thực hiện cho thấy hành vi quấy rối và lạm dụng tình dục dường như không được kiểm soát trong ngành công nghiệp thời trang.
Người mẫu thường bị áp lực phải quan hệ tình dục với ai đó tại nơi làm việc. Đôi khi, đó có thể là yêu cầu từ chính công ty quản lý. Nhiều người mẫu cảm thấy họ không thể nói với bất kỳ ai về việc bị lạm dụng hoặc quấy rối. Lượng lớn người mẫu khác thừa nhận họ đã phải tiếp xúc với ma túy, rượu bia trong những buổi chụp hình.
Những áp lực tinh thần kiểu vậy khiến họ trầm cảm, lo lắng. Ngoài ra, bên cạnh việc lạm dụng tình dục, 2/3 người mẫu được hỏi thừa nhận họ áp lực khi bị công ty chủ quản yêu cầu giảm cân.
Theo Justice At Work, vấn đề của nạn lạm dụng tình dục trong ngành thời trang là mọi người dường như đang coi nó hợp pháp. Nhiều người có xu hướng cười nhạo những cáo buộc làm dụng và điều kiện làm việc thiếu công bằng. Bởi họ tin sự hào nhoáng, tiền bạc những người mẫu nhận được cần phải đánh đổi xứng đáng.
Bất chấp vẻ hào nhoáng bên ngoài, người mẫu trung bình chỉ kiếm được khoảng 26.000 USD/năm. Tuy nhiên, lời hứa về sự nghiệp "lên hương" khiến nhiều cô gái cố gắng theo đuổi và trở thành con mồi béo bở.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ke-san-moi-trong-gioi-thoi-trang-post1279123.html