Kể tiếp chuyện nghìn năm
Không chỉ là những lời vang vọng từ ngàn xưa, những chiếc trống đồng nơi đầu sông Hồng, cửa ngõ phía Bắc của Tổ quốc hôm nay đang tiếp tục nối dài lịch sử, kể tiếp chuyện nghìn năm.
Nằm lặng lẽ ở Bảo tàng tỉnh hôm nay, ít ai biết mặt trống đồng Pha Long đã trải qua những hành trình dài. Mặt trống đồng Pha Long được ông Vàng Dìu Quáng, xã Pha Long (huyện Mường Khương) phát hiện trong khi làm nương và giao lại cho Bảo tàng tỉnh Lào Cai vào năm 1958 và sau đó là Bảo tảng Hoàng Liên Sơn (năm 1976). Sau này, khi tỉnh Lào Cai được tách ra, hiện vật này được bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh Lào Cai vào năm 1992.
Có nhiều câu chuyện kể về mặt trống đồng Pha Long trong suốt mấy chục năm, thậm chí có ý kiến cho rằng nó từng được sử dụng làm kẻng, 2 lỗ đục trên mặt trống chính là minh chứng. Người làm công tác khảo cổ thì cho hay, kể từ khi hiện vật này được người dân khai báo phát hiện ở hang Lũng Pâu, khi đó khu vực này thuộc địa giới hành chính xã Pha Long, nay thuộc xã Tung Chung Phố, chưa có một cuộc thám hiểm, khảo cổ nào được tiến hành tại địa điểm này để lần theo vết tích xưa. Những câu chuyện bên lề ấy càng làm nên sức hút lạ kỳ cho cổ vật.
Mặt trống đồng Pha Long là 1 trong 42 hiện vật trống đồng được phát hiện ở Lào Cai. Ông Phan Chí Cường, cán bộ Phòng Nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày, Bảo tàng tỉnh cho hay, từng ấy chiếc trống đồng là từng ấy câu chuyện được người xưa gửi trong lòng đất, cũng là từng ấy hành trình phát hiện, tìm kiếm, khai quật và nghiên cứu.
Xâu chuỗi những địa điểm mà trống đồng được phát hiện có thể nhận thấy dấu vết và nét đặc trưng của văn minh sông Hồng từng có thời rực rỡ ở miền đất Lào Cai. Men theo dòng sông Hồng từ Bát Xát đổ về, trống đồng được tìm thấy ở Cốc Mỳ, Bản Vược, Bản Qua, Quang Kim; xuôi về thành phố Lào Cai, trống đồng nằm sâu trong lòng đất thuộc địa phận các phường Duyên Hải, Cốc Lếu, Kim Tân, Bắc Cường, Nam Cường. Theo dòng chảy của con sông, vào năm 2019, người ta phát hiện trống đồng ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng.
Những chiếc trống đồng được “đánh thức” từ lòng đất sâu của Lào Cai đã phác họa, định hình rõ hơn bản đồ khảo cổ với 46 địa điểm thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Những địa điểm này tập trung nhiều ở khu vực hữu ngạn sông Hồng. Suốt dọc sông Hồng có hai khu vực tập trung nhiều di tích Đông Sơn hơn cả là khu vực thị xã Lào Cai xưa (nay là thành phố Lào Cai), tiếp đó là khu vực quanh thị trấn Phố Lu, di chỉ Ngòi Nhù của huyện Bảo Thắng. Điều này chứng tỏ vai trò rất quan trọng của sông Hồng đối với dân cư văn hóa Đông Sơn, là con sông truyền tải sự giao lưu văn hóa giữa những vùng đất nó chảy qua. Và Lào Cai với vị trí đầu sông, cửa ngõ được xem như điểm dừng chân cho chặng dài giao lưu văn hóa.
Giới chuyên môn nhận định, điều quý nhất trong bộ di vật đồng của Lào Cai là 42 chiếc trống đồng, trong đó có 38 chiếc thuộc loại I Heger. Từ nghiên cứu hiện vật và hoa văn trên trống đồng, người ta tin rằng, từ thời văn hóa Đông Sơn, Lào Cai đã là nơi cư ngụ của nhiều tộc người, làm nên sự hưng thịnh một thời ở dải đất vùng biên.
Lào Cai hiện có 2 bảo vật quốc gia, điều đặc biệt là đều đến từ nền văn hóa Đông Sơn, gồm mặt trống đồng Pha Long và trống đồng Gia Phú. Mặt trống đồng Pha Long gây ấn tượng vì là hiện vật gốc độc bản, có kích thước lớn thứ 3 trong cả nước với đường kính 74 cm và được xem là linh vật của người Việt cổ ở Lào Cai, còn trống đồng Gia Phú được đánh giá là hiện vật độc đáo từ hình dáng đến hoa văn điển hình của loại hình trống đồng miền núi, đặc tả đời sống thực tại và sinh hoạt thường nhật của cư dân chốn này.
Theo các nhà nghiên cứu, trống đồng Gia Phú, mặt trống đồng Pha Long cùng hệ thống di tích, di vật Đông Sơn khác ở Lào Cai đã phản ánh phần nào một trung tâm Đông Sơn thịnh vượng ở vùng núi phía Bắc, khẳng định cương vực Nhà nước Văn Lang thời các Vua Hùng. Từ những giá trị to lớn ấy, 2 hiện vật được xếp vào danh sách bảo vật quốc gia, luôn được bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị.
Số lượng trống đồng ở Lào Cai tương đối nhiều, nhưng hầu như không còn nguyên vẹn. Nhằm bảo tồn giá trị các hiện vật, đặc biệt là những hiện vật quý, bổ sung các hiện vật phục vụ trưng bày cố định, tuyên truyền và nghiên cứu trong tương lai, một số hiện vật trống đồng Đông Sơn đã được lựa chọn để phục chế. Năm 2019, mặt trống đồng Pha Long là hiện vật đầu tiên của Lào Cai được phục chế, làm bản sao. Tiếp đó, trong năm 2022, có thêm 3 hiện vật khác gồm trống đồng Nam Cường và 2 chiếc trống đồng Lào Cai tiếp tục được phục chế. Sở dĩ, trống đồng Gia Phú dù là bảo vật quốc gia nhưng chưa có tên trong danh sách, bởi hiện vật này mới được phát hiện, đến năm 2021 mới được công nhận, việc phục dựng hiện vật quý này sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
Để đưa các giá trị của nền văn hóa Đông Sơn, trong đó có trống đồng đến gần hơn với công chúng, Bảo tàng tỉnh Lào Cai làm bản mô phỏng mặt trống đồng Pha Long phục vụ khách tham quan, trải nghiệm. Ngành văn hóa làm 3 mẫu sản phẩm mô phỏng từ bảo vật quốc gia này làm quà lưu niệm, đồng thời nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị phát triển mẫu bảo vật trống đồng Pha Long, xây dựng thành sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng của Lào Cai. Không dừng lại ở đó, hoa văn của mặt trống đồng Pha Long, trống đồng Gia Phú còn xuất hiện trong trang trí, khánh tiết của đại hội đảng bộ các huyện Mường Khương, Bảo Thắng nhiệm kỳ 2020 - 2025.
“Thức dậy” sau giấc ngủ hàng nghìn năm trong lòng đất, những chiếc trống đồng Đông Sơn, tinh hoa của người Việt cổ đã “sống” lại trong một diện mạo mới, với một sứ mệnh mới để viết tiếp những năm tháng lịch sử. Và thanh âm từ ngàn đời mà người xưa lưu lại ở Lào Cai - dải đất biên cương, nơi đón dòng sông Hồng chảy về tạo nên khởi nguồn của một nền văn minh cứ vậy âm vang theo năm tháng.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364021-ke-tiep-chuyen-nghin-nam