Kênh Chợ Lách sẽ được nạo vét, cải tạo luồng thúc đẩy phát triển giao thông thủy

Dự án nạo vét luồng, nâng cấp cải tạo kênh Chợ Lách kết hợp xây kè, cầu Chợ Lách 2… là một trong những dự án thành phần thuộc dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam.

Mới đây, Sở GTVT tỉnh Bến Tre cho biết, đơn vị chức năng Bộ GTVT đang triển khai các bước thủ tục đầu tư dự án nạo vét luồng kênh Chợ Lách, xây dựng kè bảo vệ bờ, xây dựng cầu Chợ Lách 2, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường thủy, cống thoát nước và các đường dân sinh dọc theo tuyến kênh Chợ Lách thuộc Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam.

Theo đó, dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam đã được Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 10-2023 với tổng mức đầu tư hơn 3.899 tỉ đồng. Dự án này do Ban Quản lý các dự án Đường thủy (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện 2023-2027.

 Kênh Chợ Lách ngày nay

Kênh Chợ Lách ngày nay

Quy mô dự án sẽ cải tạo, nâng cấp các điểm nghẽn trên hành lang Đông - Tây qua sông Hậu (Thành phố Cần Thơ), sông Trà Ôn, sông Mang Thít, sông Cổ Chiên, kênh Chợ Lách, sông Tiền, rạch Kỳ Hôn, kênh Chợ Gạo, rạch Lá, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc, sông Soài Rạp (TP HCM)\ đạt cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa cho tàu tự hành đến 600T, tàu 3 lớp công ten nơ thường lưu thông 24/24h, tàu tự hành đến 1.500T lợi dụng thủy triều ở mực nước cao để lưu thông.

Các điểm nghẽn trên hành lang Bắc - Nam qua các sông Đồng Nai (cảng Đồng Nai), sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua, sông Gò Gia, sông Thị Vải (cụm cảng Cái Mép Thị Vải), cải tạo tuyến luồng cho tàu tự hành đến 5.000T, tàu 4 lớp công ten nơ lưu thông thuận lợi, an toàn.

Việc cải tạo nâng cấp hai hành lang này nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn, tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thông qua việc cải tạo, nâng cấp hành lang vận tải Đông - Tây kết nối khu vực ĐBSCL và cải tạo hành lang vận tải Bắc - Nam kết nối khu vực Đông Nam Bộ với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại các địa phương vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

Đối với tuyến kênh Chợ Lách (thuộc tỉnh Bến Tre) sẽ được nạo vét luồng phù hợp với quy mô đầu tư; xây kè bảo vệ bờ tại các vị trí sau khi nạo vét luồng có nguy cơ gây sạt lở bờ, mất ổn định cho các công trình dọc tuyến luồng với kết cầu kè loại 1 (mái nghiêng lát khối bê tông kết hợp thảm đá) và kết cấu kè loại 2 (tường đứng cừ ván bê tông) dọc tuyến kênh Chợ Lách tại khu vực thị trấn Chợ Lách.

 Phương tiện lưu thông qua tuyến kênh Chợ Lách

Phương tiện lưu thông qua tuyến kênh Chợ Lách

Dự án còn kết hợp xây cầu giao thông cầu Chợ Lách 2 bắc qua kênh Chợ Lách đoạn qua Thị trấn Chợ Lách với kết cấu cầu dây văng nhịp chính dầm thép. Bề rộng cầu B=6,5m, khổ thông thuyền (50x7,5)m kết hợp với làm đường dân sinh đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp A và cấp C với chiều dài khoảng 4.583,5m và hệ thống thoát nước, hệ thống báo hiệu đường thủy…

Theo đó tuyến kênh Chợ Lách có chiều dài khoảng hơn 10km, là tuyến đường thủy huyết mạch nối từ các tỉnh Miền Tây đi TP. HCM và ngược lại. Tuyến kênh này là lối đi tắt cho những tàu thuyền từ Miền Tây đi TP HCM và ngược lại, đi hướng này tàu thuyền có thể rút ngắn khoảng cách khoảng 80km đường từ sông Cổ Chiên ra sông Tiền.

Hiện nay dòng kênh này đang bị bồi lắng, luồng hẹp phương tiện tải trọng lớn hành trình gặp khó khăn khi thủy triều xuống thấp. Cạnh đó hiện nay trên tuyến sông này có cầu Chợ Lách cũ (tĩnh thông thuyền 7m) trở thành vật cản trở cho các phương tiện cỡ lớn tham gia giao thông thủy.

ĐÔNG HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/kenh-cho-lach-se-duoc-nao-vet-cai-tao-luong-thuc-day-phat-trien-giao-thong-thuy-post809022.html