Kênh đào Suez có thể tắc nghẽn nhiều tuần, chi phí vận tải tăng vọt
Kênh đào Suez - một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới - có khả năng bị tắc nghẽn trong nhiều tuần, làm gián đoạn dòng chảy thương mại toàn cầu.
Theo Nikkei Asia Review, Evergreen Marine - công ty vận hành tàu Ever Given đang bị mắc cạn ở kênh đào Suez - cho biết các hãng Smit Salvage (Hà Lan) và Nippon Salvage (Nhật Bản) đang làm việc với Cơ quan Quản lý kênh đào Suez để giải phóng con tàu.
Tuy nhiên, Evergreen Marine thừa nhận chưa rõ đến bao giờ tàu Ever Given mới có thể thoát khỏi tình trạng hiện tại. Con tàu bị mắc cạn hôm 23/3 (sáng 24/3 giờ Việt Nam). Tối qua 25/3, chiến dịch giải cứu bị đình hoãn vì thủy triều xuống thấp.
Công ty Nhật Bản Shoei Kisen - chủ sở hữu tàu Ever Given - thừa nhận tình hình "cực kỳ rắc rối". Nếu tàu Ever Given không sớm được giải phóng, Shoei Kisen sẽ phải bồi thường cho Cơ quan Quản lý kênh đào Suez cũng như những thiệt hại mà các tàu hàng khác gánh chịu.
Tàu container Ever Given dài 400 m và nặng 224.000 tấn, là một trong những tàu container lớn nhất thế giới. Trong khi đó, kênh đào Suez chỉ rộng 300 m. Hoạt động lưu thông hàng hóa qua kênh Suez đang bị đóng băng. Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy có đến 185 tàu chở hàng đang mắc kẹt ở hai phía kênh Suez.
Kênh đào Suez là tuyến đường vận chuyển hàng hóa ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á. Trung bình, mỗi ngày hơn 50 tàu di chuyển qua kênh Suez, tương đương 10% tổng khối lượng thương mại toàn cầu. Trong năm 2019 và 2020, lần lượt 18.880 và 19.000 lượt tàu đi qua kênh đào này.
Khoảng 60% lượng hàng hóa vận chuyển về phía nam qua kênh đào có điểm đến là các quốc gia châu Á. Dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu chiếm 23% tổng khối lượng hàng hóa.
Các hãng vận tải hàng hải Nhật Bản như Nippon Yusen, Mitsui O.S.K. Lines và Kawasaki Kisen cho biết đến nay, họ chưa hứng chịu tổn thất lớn vì sự cố của tàu Ever Given. "Tuy nhiên, nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài trong một hoặc hai tuần, chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề", đại diện của Kawasaki Kisen cho biết.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất tỏ ra vô cùng lo lắng. Đại diện Evision AESC - hãng sản xuất pin xe điện - cho biết: "Nếu kênh đào Suez tiếp tục tắc nghẽn thêm vài tuần, chúng tôi sẽ gặp khó khăn. Hàng hóa của chúng tôi sẽ phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi). Xuất nhập khẩu sẽ bị chậm trễ nhiều tuần.
Các công ty trong ngành công nghiệp ôtô cũng đối mặt với khó khăn. Mitsubishi Motors xuất xưởng khoảng 150.000 xe từ châu Á đến châu Âu mỗi năm. Nissan Motor cũng vận chuyển ôtô từ châu Á đến châu Âu. "Chúng tôi đang theo dõi tình hình", đại diện Nissan cho biết.
Nhiều doanh nghiệp lo ngại chi phí vận chuyển tăng vọt vì sự cố. Theo Bloomberg, chi phí vận chuyển một container 40 bộ (12,19 m chiều dài - 2.44 m chiều rộng - 2,59 m chiều cao) từ Trung Quốc tới châu Âu đã tăng lên đến 8.000 USD, cao gần gấp bốn lần so với năm ngoái.
Để vận chuyển dầu thô từ Trung Đông tới châu Âu theo tuyến đường vòng qua mũi Hảo Vọng, một tàu chở dầu siêu lớn sẽ tiêu tốn khoảng 300.000 USD tiền nhiên liệu.
“Nếu kênh đào Suez tiếp tục tắc nghẽn, giá cước container có thể tăng tiếp tục tăng vọt", Yusen Logistics, đơn vị vận chuyển thuộc Nippon Yusen, cảnh báo.