Kênh đào Suez khai thông, nỗi lo còn đó
Có ý kiến cho rằng đã đến lúc Ai Cập cân nhắc mở rộng kênh đào Suez để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa gia tăng và ngăn chặn nguy cơ tái diễn những sự cố tương tự vụ tàu Ever Given
Tàu thuyền ngày 30-3 bắt đầu di chuyển qua kênh đào Suez (Ai Cập) sau khi tàu container khổng lồ Ever Given được giải cứu một ngày trước đó. Theo trang Bloomberg, ít nhất 437 tàu đang đợi đi qua kênh đào này. Ông Osama Rabie, Giám đốc Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA), vào cuối ngày 29-3 (giờ địa phương) cho biết có thể mất đến 4 ngày tình hình mới trở lại bình thường.
Dù đánh giá cao nỗ lực giải cứu tàu Ever Given của nhà chức trách địa phương nhưng ông John Wobensmith, Giám đốc điều hành Công ty Genco Shipping & Trading Ltd. (Mỹ), cho rằng đã đến lúc Ai Cập nên cân nhắc mở rộng kênh đào Suez để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa gia tăng và ngăn chặn nguy cơ tái diễn những sự cố tương tự.
Tàu Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez từ ngày 23-3 và tác động của vụ việc đối với thương mại toàn cầu được dự báo vẫn tiếp diễn. SCA cho biết gần 19.000 tàu đã đi qua kênh này trong năm 2020, tức trung bình 51,5 lượt/ngày. Trong khi đó, theo ước tính của Công ty Tin tức và Dữ liệu hàng hải Lloyd’s List, hơn 9 tỉ USD hàng hóa được vận chuyển qua kênh đào Suez mỗi ngày, tương đương khoảng 400 triệu USD/giờ.
Dù kênh đào Suez đã được khai thông, một số chuyên gia cảnh báo tác động của sự cố trên đối với chuỗi cung ứng toàn cầu có thể kéo dài vài tháng. "Vụ việc chắc chắn sẽ tiếp tục gây tắc nghẽn ở các cảng và những cơ chế vận chuyển khác, dĩ nhiên là dẫn đến tình trạng hỗn loạn sau đó" - ông Douglas Kent, Phó Chủ tịch điều hành về chiến lược và liên minh tại Hiệp hội Quản lý chuỗi cung ứng (Mỹ), nhận định với đài CNBC. Trong khi đó, chuyên gia Stephen Flynn của Trường ĐH Northeastern (Mỹ) cho rằng tình trạng gián đoạn kéo dài 1 tuần với quy mô lớn như thế sẽ tiếp tục gây ra tác động và phải mất ít nhất 60 ngày để mọi thứ trở lại bình thường.
Những tác động được nói đến là sự xáo trộn lịch trình của tàu thuyền, tình trạng tắc nghẽn tại nhiều cảng biển, chi phí hoạt động gia tăng... Đáng lo hơn cả, sự cố tại kênh đào Suez giáng thêm đòn mạnh lên chuỗi cung ứng toàn cầu giữa lúc dịch Covid-19 còn hoành hành. Trước mắt, sự cố mới nhất tại kênh đào Suez ít nhiều đã và đang gây ra thiệt hại. Chẳng hạn, một số công ty vận tải biển đã quyết định cho tàu đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) thay vì chờ kênh đào Suez được khai thông trở lại. Điều này khiến thời gian di chuyển dài thêm ít nhất một tuần, từ đó làm tăng chi phí nhiên liệu.
Sự cố này không loại trừ còn tác động đến người tiêu dùng dù mức độ đến đâu vẫn đang là vấn đề gây tranh luận. Ông Jeffrey Bergstrand, chuyên gia tại Trường ĐH Notre Dame (Mỹ), cho rằng do tàu Ever Given đã được giải cứu chỉ sau gần 1 tuần, tác động của vụ việc lên giá hàng nhập khẩu vào Mỹ là không đáng kể. "Hầu hết hàng nhập khẩu bị mắc kẹt trong tuần trước đang trên đường đến châu Âu. Do đó, người tiêu dùng Mỹ có thể không bị ảnh hưởng nhiều về giá hàng nhập khẩu" - ông Bergstrand giải thích. Trái lại, chuyên gia Flynn cảnh báo giá cả ở Mỹ "chắc chắn sẽ tăng" vì chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gặp căng thẳng.
Tập trung điều tra nguyên nhân
Sau khi tàu Ever Given được giải cứu, sự chú ý đang hướng về cuộc điều tra nguyên nhân khiến nó mắc cạn tại kênh đào Suez từ ngày 23-3.
Mặc dù gió mạnh và bão cát được xem là yếu tố chính, giám đốc SCA nhấn mạnh trục trặc kỹ thuật và lỗi của con người cũng sẽ được xem xét trong cuộc điều tra bắt đầu diễn ra từ ngày 30-3.
Báo The Washington Post cho biết các nhà điều tra nhiều khả năng rà soát quá trình làm việc của 2 hoa tiêu của kênh đào Suez có mặt trên tàu Ever Given và thuyền trưởng, để trả lời một số câu hỏi như "có xảy ra vấn đề liên lạc nào không?".
Theo một hoa tiêu giấu tên làm việc cho SCA, 2 hoa tiêu nói trên đều là những người có hơn 30 năm kinh nghiệm và tàu Ever Given từng băng qua kênh đào Suez nhiều lần nhưng chưa bao giờ gặp điều kiện thời tiết khó khăn như lần này. Ông Gregory Tylawsky, thuyền trưởng từ Công ty Tư vấn hàng hải Maritime Expert Group (Mỹ), cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận nguyên nhân vụ việc nhưng ở thời điểm hiện tại, không có bằng chứng cho thấy trách nhiệm thuộc về bất kỳ cá nhân nào, kể cả hoa tiêu của kênh đào Suez trên tàu Ever Given vào thời điểm xảy ra sự cố.
Ngay cả khi hoa tiêu bị phát hiện mắc lỗi góp phần khiến tàu gặp nạn, luật pháp Ai Cập nêu rõ họ không phải chịu trách nhiệm đối với mọi thiệt hại phát sinh. Khẳng định đây là quy tắc chung trên toàn thế giới, kỹ sư hàng hải Philippines Mark Phillip Laurilla giải thích rằng trong mọi trường hợp, toàn bộ trách nhiệm pháp lý đều đổ về tàu. Điều này có nghĩa là chủ tàu và các công ty bảo hiểm của họ phải gánh rất nhiều.
Trong khi đó, Công ty Shoei Kisen Kaisha (Nhật Bản), chủ sở hữu tàu Ever Given, ngày 30-3 ra tuyên bố sẽ giải quyết vụ việc theo luật pháp quốc tế. Hãng tin Kyodo dẫn lời một quan chức công ty cho biết họ sẽ xác minh nguyên nhân dẫn tới sự cố. Tuy nhiên, người này từ chối trả lời khi được hỏi về khả năng bồi thường liên quan đến sự cố.